Báo Nga: Ukraine gây tranh cãi vì tôn vinh những kẻ phát-xít

Ukraine công nhận những người bị coi là phát-xít ở nước này sánh ngang với các cựu chiến binh.

Theo Sputnik, Quốc hội Ukraine (RADA) vừa chính thức công nhận các thành viên thuộc Tổ chức Những người theo Tổ chức dân tộc chủ nghĩa quốc dân Ukraine (OUN) và Quân đội nổi dậy Ukraine với tư cách là chiến binh.

RADA vừa công nhận các tổ chức dân tộc cực đoan là chiến binh. Ảnh minh họa

Các thành viên của quân đội nổi dậy Ukraine Ataman Taras Borovets, Polesskaya Sich, thành viên thuộc các tổ chức dân tộc khác như Quân đội Cách mạng nhân dân Ukraine (UNRA) cũng sẽ được công nhận là chiến binh.

Các phương tiện truyền thông địa phương lưu ý rằng, những người theo chủ nghĩa dân tộc "không phạm tội chống lại hòa bình và nhân loại", cũng sẽ được công nhận là chiến binh.

Điều này có nghĩa các thành viên này được sánh ngang với các cựu chiến binh của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Theo báo Nga, động thái anh hùng hóa UPA và các tổ chức dân tộc khác đã khiến các cựu chiến binh của cuộc Chiến tranh Vệ Quốc Vĩ đại, các chính trị gia Ukraine phản đối.

Dẫu vậy, RADA vẫn thông qua quyết định công nhận này sau cuộc bỏ phiếu với 236 phiếu ủng hộ. Số phiếu cần thiết để thông qua văn kiện này là 226.

Đáng nói, lực lượng UPA được thành lập vào tháng 10/1942 như là một cánh quân chiến đấu của OUN. Lực lượng này hoạt động chủ yếu ở miền Tây Ukraine và chiến đấu chống lại quân đội Liên Xô, hợp tác với Đức Quốc xã.

Một trong số các tổ chức dân tộc nói trên là OUN đã được Nga công nhận là cực đoan và bị cấm ở Nga theo quyết định của Tòa án Tối cao Liên bang Nga ngày 17/11/2014.

Động thái mới nhất của Ukraine chắc chắn sẽ khiến quan hệ giữa Nga- Ukraine thêm căng thẳng, đặc biệt là khi đã có các tín hiệu quân sự trên biên giới hai nước.

Cho phép các tổ chức dân tộc này là chiến binh cho phép Ukraine tăng thêm lực lượng chiến đấu cho những kịch bản quân sự mới mà ông Poroshenko viết nên.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sắc lệnh ban hành thiết quân luật chỉ một ngày sau khi phía Nga bắt giữ 2 tàu Hải quân Ukraine vì xâm phạm lãnh hải Nga trên biển Azov.

Theo đó, tất cả các nam giới Nga tuổi từ 16 đến 60 đều bị cấm nhập cảnh vào Ukraine. 10/27 tỉnh ở Ukraine sát biên giới đã được áp đặt tình trạng thiết quân luật.

Đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Ukraine viết rõ: "Các đơn vị quân đội từ các lực lượng vũ trang Ukraine đã được tái triển khai tới các hướng nguy hiểm nhất dọc theo toàn bộ đường biên giới của chúng ta với Nga để tăng cường khả năng phòng thủ".

Tổng thống Petro Poroshenko đang "phiêu lưu" quân sự với Nga.

Ngày 3/12, Ukraine bắt đầu tiến hành hàng loạt cuộc tập trận ở các tỉnh được thiết quân luật, huấn luyện lực lượng quân dự bị hạng một đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Các hoạt động diễn tập được tiến hành ở quy mô lữ đoàn trong vòng 15 ngày và tại các trung tâm huấn luyện trong vòng 20 ngày. Chuỗi tập trận phối hợp huấn luyện quân nhân dự bị sẽ kết thúc trước kỳ nghỉ lễ năm mới 2019.

Việc huy động quân dự bị được nhìn nhận là hành động mang tính đề phòng an ninh trong bối cảnh quan hệ Nga - Ukraine đang leo thang căng thẳng.

Đặt sẵn kịch bản Nga tấn công quân sự, ông Poroshenko đã lên sẵn kế hoạch đối phó với Nga.

Tờ Express của Anh cho biết, Kiev lo ngại Tổng thống Putin nhắm tới các cảng Mariupol và Berdyansk – những cảng này có thể giúp tạo ra một hành lang ở giữa Crimea (được Nga sáp nhập năm 2014) với Donetsk và Luhansk – những khu vực phía đông của Ukraine nằm một phần dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy thân Nga.

Theo lời ông Poroshenko, binh sĩ Nga và xe tăng Nga đã được triển khai dọc theo biên giới với Ukraine. Ông đánh giá đây là tín hiệu về khả năng có một cuộc tiến công trên bộ, thọc sâu vào lãnh thổ Ukraine.

Khả năng Ukraine sẽ áp đặt tổng động viên để ngăn chặn khả năng Nga "gây bất ổn thêm đất nước".

Ông Piotr Tsigikal - người đứng đầu cơ quan Biên phòng Ukraine hôm 6/12 tuyên bố, tất cả các tàu thuyền của lực lượng này đã chuyển sang tư thế sẵn sàng chiến đấu sau vụ việc ở Biển Đen, và việc chính quyền Kiev ban hành chế độ thiết quân luật.

Ukraine đã gây ra hàng loạt tình huống căng thẳng với Nga, bao gồm trên các mặt trận ngoại giao, quân sự và pháp lý quốc tế.

Quốc hội Ukraine ngày 6/12 đã bỏ phiếu tán thành dự luật hủy bỏ Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác với Nga.

"Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine và Nga sẽ chấm dứt từ ngày 1/4/2019", dự luật nêu rõ.

Hôm 5/12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã nói trên kênh ICTV rằng, Ukraine sẽ đệ đơn kiện tại Tòa án Tư pháp Quốc tế Liên Hợp Quốc chống lại Nga vì những hành động của Nga tại Biển Azov.

"Tôi đã đưa ra chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao để đảm bảo sự hỗ trợ lãnh sự thích hợp, đã có kháng nghị đối với Tòa án nhân quyền châu Âu ECHR và yêu cầu bồi thường đang được gửi lên Tòa án Quốc tế Liên Hợp Quốc về trách nhiệm của Liên bang Nga xâm lược nhà nước của chúng tôi" - ông Poroshenko cho biết.

Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh rằng, theo nghị quyết của LHQ, đó là “sự xâm lược” của Liên bang Nga chống lại Ukraine diễn ra ở Biển Azov. Ông cũng nhấn mạnh rằng các thủy thủ Ukraine bị bắt giữ bất hợp pháp hiện nay là tù nhân chiến tranh.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-nga-ukraine-gay-tranh-cai-vi-ton-vinh-nhung-ke-phat-xit-3370593/