Báo Nhật: Gia tăng tập trận, 'Bộ tứ' đang lên dây cót chống lại Trung Quốc?

Theo tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản), Hải quân Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận song song ở Biển Philippines và Ấn Độ Dương, với sự tham gia của các quốc gia trong nhóm 'Bộ tứ'. Động thái này có thể báo hiệu sự ra đời của 'NATO châu Á' nhằm đối phó với Trung Quốc.

Hải quân Mỹ cùng với Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản và Lực lượng Quốc phòng Australia tham gia tập trận 3 bên ở Biển Philippine ngày 21/7. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Ngày 21/7, Hải quân Mỹ cho biết họ đã bắt đầu cuộc tập trận 3 bên ở Biển Philippine với Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) và Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF). Tham gia cuộc tập trận có tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ; các tàu khu trục nhỏ Stuart và Arunta, tàu khu trục Hobart, tàu chiến chở trực thăng Canberra và tàu Sirius của Australia; và tàu khu trục Teruzuki của Nhật Bản.

Cuộc tập trận đã bắt đầu hôm 19/7, một ngày trước khi Hải quân Mỹ và Hải quân Ấn Độ bắt đầu cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương với sự tham gia của tàu sân bay USS Nimitz.

Hết thời "lưỡng lự"?

Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức Đối thoại An ninh 4 bên (còn gọi là Bộ tứ - Quad) kể từ năm 2007. Tuy nhiên, một số nước tham gia "Bộ tứ" tỏ ra thận trọng khi không coi đây là nhóm quân sự hay nền tảng cho sự ra đời của "NATO châu Á".

Năm 2007, Australia đã đảm bảo với Trung Quốc - nước từng bày tỏ quan ngại về "Bộ tứ" - rằng họ muốn giới hạn "Bộ tứ" ở các vấn đề thương mại và văn hóa. Cũng trong năm đó, Ấn Độ đã nhấn mạnh với Trung Quốc rằng "Bộ tứ" không liên quan tới an ninh.

Mặc dù vậy, động thái mang tính biểu tượng của việc tổ chức các cuộc tập trận có sự tham gia của cả 4 quốc gia "Bộ tứ" ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã khiến các nhà phân tích tự hỏi phải chăng "sự rụt rè" đó, theo lời một đô đốc Hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu, đang giảm dần?

Theo các nhà phân tích, phép thử thực sự sẽ là liệu Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ có mời Australia tham gia cuộc tập trận 3 bên thường niên Malabar hay không. Australia từng được mời tham gia cuộc tập trận này vào năm 2007 với tư cách thành viên không thường trực. Nhưng năm 2018, Ấn Độ đã không mời Australia tham gia cuộc tập trận này để tránh ý kiến cho rằng đây là một liên minh quân sự chống Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau các cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc trên dãy Himalaya trong những tuần gần đây, tâm lý của công chúng Ấn Độ đang thay đổi nhanh chóng. Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng của tổ chức Rand Corp có trụ sở tại California (Mỹ) cho rằng Ấn Độ có thể sẽ mời Australia tham dự cuộc tập trận hải quân Malabar năm nay.

Việc tất cả 4 nước thành viên "Bộ tứ" đều tham gia tập trận trên thực tế sẽ thể hiện quyết tâm thống nhất để đối phó và cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Nhận định về việc Australia được mời tham gia cuộc tập trận Malabar, ông Sameer Lalwani - chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington cho rằng điều này thực sự sẽ mang lại "sự lạc quan mới" cho hoạt động quân sự của "Bộ tứ".

Ấn Độ giảm thận trọng

Còn theo chuyên gia Patrick Gerard Buchan, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, mặc dù mức độ thận trọng của Ấn Độ đối với "Bộ tứ" đã bị hạ thấp do các cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc gần đây nhưng "chưa giảm xuống hoàn toàn".

Ông cho rằng "Bộ tứ" vẫn luôn phải đối diện với việc hành động cân bằng với Trung Quốc và "không ai muốn thúc đẩy tình huống mong manh đó". Tuy nhiên, cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương như một điềm báo về những gì sắp xảy ra.

Ngay bên ngoài eo biển Malacca, tàu sân bay Nimitz, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Princeton và các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Sterett và USS Ralph Johnson của Mỹ đã cùng tập trận với các tàu chiến Rana, Sahyadri, Shivalik và Kamorta của Ấn Độ.

Chuyên gia Lalwani nói: "Việc các tàu chiến mang tên lửa dẫn đường quan trọng của Mỹ và Ấn Độ tập trận cùng nhau là một điều rất đáng chú ý, cho thấy tiềm năng của các hoạt động phòng không và chống ngầm đáng gờm".

Cùng chung quan điểm đó, chuyên gia Patrick Cronin, Chủ tịch về vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Hudson, nói: "Các cuộc tập trận hải quân quốc tế đang diễn ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là những diễn biến mới nhất cho thấy Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đang rũ bỏ những hạn chế trước đây về các cuộc tập trận quân sự đa phương". Điều đó diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc với 4 nước thành viên "Bộ tứ" đều đang xấu đi.

Việc 4 nước "Bộ tứ" tham gia tập trận trên thực tế sẽ thể hiện quyết tâm thống nhất để đối phó và cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Hoài nghi hơn về Trung Quốc

Trong báo cáo Cập nhật Chiến lược Quốc phòng năm 2020 mới công bố trong tháng này, Australia đã bày tỏ thái độ hoài nghi hơn đối với Trung Quốc so với trong Sách trắng công bố 4 năm trước đó. Báo cáo có đoạn: "Kể từ năm 2016, các cường quốc lớn đã trở nên quyết đoán hơn trong việc thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của mình và đang tìm cách gây ảnh hưởng, trong đó có việc Trung Quốc tích cực theo đuổi các nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Australia lo ngại về khả năng xảy ra các hành động, chẳng hạn như việc thiết lập các căn cứ quân sự, vốn có thể làm suy yếu sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khu vực ngay sát Australia".

Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2020, Nhật Bản nhấn mạnh Trung Quốc đã "không ngừng" có những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý (Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư), từ đó gây ra "quan ngại nghiêm trọng".

Sách trắng lưu ý: "Trong những năm gần đây, Hải quân và Không quân Trung Quốc đã mở rộng và tăng cường hoạt động ở các vùng biển và không phận xung quanh Nhật Bản, có những trường hợp liên quan đến các hoạt động leo thang từ một phía".

Chuyên gia Cronin nói: "Từ biên giới trên dãy Hamalaya đến Biển Đông và Biển Hoa Đông, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và các lực lượng bán quân sự của họ đang dẫn đầu các chiến dịch của Bắc Kinh nhằm dần dần tạo ra một phạm vi ảnh hưởng và kiểm soát mở rộng.... Khi Trung Quốc mạnh hơn và ít được yêu mến hơn, các quốc gia khác sẽ bớt thận trọng hơn khi bày tỏ hoài nghi về ý định của Bắc Kinh".

Đô đốc Hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu Sudarshan Shrikhande, cựu Giám đốc Tình báo Hải quân, nhận định rằng quan hệ đối tác trong "Bộ tứ" có thể sẽ được mở rộng để kết nạp thêm nhiều nước láng giềng (của Trung Quốc).

Ông nói: "Có thể chúng ta đang chứng kiến thêm nhiều dấu hiệu cho thấy chính sách nhượng bộ Trung Quốc dường như đã kết thúc, không chỉ trong "Bộ tứ" mà còn ở nhiều nước khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương... Là một nền tảng cốt lõi, "Bộ tứ" - có thể cùng với một số nước thành viên ASEAN - cuối cùng có thể trở thành một đối trọng hữu ích với hành động phô trương sức mạnh và các tham vọng của Trung Quốc".

Để điều đó xảy ra, theo chuyên gia Shrikhande, sự hợp tác trong "Bộ tứ" cần phải được đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực. "Việc tăng cường triển khai lực lượng hải quân ở các khu vực Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương là một lĩnh vực, nhưng các chiến dịch ngoại giao, kinh tế và thậm chí tuyên truyền để tập hợp lực lượng chưa từng xảy ra trong quá khứ".

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-nhat-gia-tang-tap-tran-bo-tu-dang-len-day-cot-chong-lai-trung-quoc-120205.html