Bao nhiêu ĐBQH không tán thành Luật sửa đổi về giáo dục đại học?

Chiều nay (19.11), có 408 đại biểu bằng 84,12 % tán thành thông qua Luật bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, có 43 đại biểu không tán thành bằng 8,87%, có 5 đại biểu không biểu quyết.

Ông Phan Thanh Bình (ảnh quochoi.vn).

Trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (GDĐH).

Có ý kiến đại biểu đề nghị quy định tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường tương đương tiêu chuẩn hiệu trưởng; bổ sung yêu cầu về kinh nghiệm điều hành, kinh nghiệm giảng dạy đối với chức danh này; không bắt buộc trở thành cán bộ cơ hữu của trường đối với chủ tịch hội đồng trường là người ngoài trường; bỏ quy định không cho phép kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường đối với chủ tịch hội đồng trường; quy định rõ mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng;giới hạn số nhiệm kỳ liên tiếp của chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng.

Ủy ban TVQH nhận thấy dự thảo Luật đã quy định chi tiết tiêu chuẩn của chủ tịch hội đồng trường tại điểm a khoản 4 Điều 16. Đây thực chất là chức danh quản trị, đòi hỏi phải có uy tín cả trong và ngoài trường nhưng không nhất thiết phải có học vị tiến sĩ, có uy tín khoa học như đối với hiệu trưởng. Bên cạnh đó, để tăng cường tự chủ, Dự thảo Luật quy định trao rất nhiều quyền hạn, trách nhiệm cho hội đồng trường. Do vậy, chủ tịch hội đồng trường cần phải làm việc chuyên trách, toàn thời gian thì mới có thể đảm nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, chức năng của mình.

Về cơ chế quản trị và mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng, dự thảo Luật đã xác định rõ thông qua quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của hội đồng với tư cách là cơ quan quản trị còn hiệu trưởng thực thi quản lý, điều hành hoạt động nhà trường trên cơ sở quy định pháp luật và nghị quyết của hội đồng trường. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật cũng đã chỉnh sửa theo hướng yêu cầu quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường phải phân định rõ chức năng quản trị của hội đồng trường với chức năng tham gia quản trị, quản lý của hiệu trưởng tại điểm e, khoản 6 Điều 16 và điểm e, khoản 5 Điều 18 để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời trong điều hành hoạt động của nhà trường.

Về ý kiến Hội đồng trường chỉ quyết định chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng còn với các chức danh quản lý khác, Hội đồng trường chỉ thực hiện chức năng giám sát việc bổ nhiệm. “Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định việc bổ nhiệm các chức danh quản lý khác của nhà trường do quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường quy định”, ông Phan Thanh Bình cho biết.

Về ý kiến hạn chế số nhiệm kỳ liên tiếp của chủ tịch hội đồng trường và của hiệu trưởng, Ủy ban TVQH cho rằng nhằm đẩy mạnh tự chủ đại học, tạo điều kiện thu hút nhiều ứng viên có năng lực, tâm huyết tham gia quản trị, quản lý cơ sở GDĐH, dự thảo Luật không quy định chi tiết về tiêu chuẩn, số nhiệm kỳ liên tiếp của các chức danh chủ tịch Hội đồng trường, hiệu trưởng. Quy định này do nhà trường quyết định theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Ủy ban TVQH còn giải trình, tiếp thu nhiều nội dung khác. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019.

Cũng trong chiều nay với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Luật này gồm 8 chương, 41 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019.

Lương Kết

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bao-nhieu-dbqh-khong-tan-thanh-luat-sua-doi-ve-giao-duc-dai-hoc-931799.html