Báo nước ngoài nói về dịch vụ 'cưới giả' ở Việt Nam

Mới đây, tờ Channel New Asia (CNA - Singapore) đã có một bài viết về sự phát triển của dịch vụ 'cưới giả' ở Việt Nam mà nguyên nhân chính là do nhiều người trẻ muốn làm dịu đi áp lực cưới xin từ gia đình hoặc để tránh xung đột giữa các gia đình vốn không đồng ý với cuộc hôn nhân của con mình.

Chiếc váy cưới trắng lộng lẫy, các bàn tiệc chật kín khách mời,… - nhìn vào bên ngoài, đám cưới của Kha (tên nhân vật đã được thay đổi), 27 tuổi, tuyệt vời về mọi mặt. Thế nhưng, có một sự thật đen tối chỉ có mình cô dâu mới biết: cô đang mang bầu 3 tháng, đây là đám cưới giả với chủ rể là diễn viên được thuê. Tất cả chỉ để gia đình không bị mất mặt trước bạn bè và họ hàng.

“Cha mẹ tôi sẽ cảm thấy xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu nếu tôi có thai mà không cưới”, Kha kể lại 1 tháng sau đám cưới giả của mình. Được biết, cha đẻ của con cô – 1 người đàn ông đã có gia đình – đã chi 1.500 USD (hơn 34 triệu đồng) cho đám cưới này.

Kha và chú rể “hờ” chưa bao giờ kết hôn một cách chính thức. Thế nhưng, cô vẫn biết ơn anh vì đã “hoàn thành trách nhiệm” trước bạn bè và người thân của cô.

“Nó như là chết đuối vớ được phao vậy”, cô chia sẻ.

Cha mẹ Kha vẫn chưa biết về sự thật đằng sau đám cưới xa hoa. Tuy nhiên, nói với CNA, cô dự định kể lại với họ rằng cô bị “chồng” bỏ. Theo Kha, thà làm mẹ độc thân do ly hôn còn hơn là có con mà không có chồng.

Khoảng cách thế hệ

Ở Việt Nam, quan niệm về tình yêu và các mối quan hệ đang thay đổi rất nhanh. Tuy nhiên, dù tư tưởng có hiện đại tới đâu, những người trẻ vẫn phải “đau đầu” với các thủ tục hôn nhân truyền thống, nhất là từ gia đình và xã hội.

“Nhiều người không để dũng cảm để sống đúng với bản thân mình, họ phải đối mặt với các quan niệm, lễ nghi, văn hóa và tư tưởng truyền thống”, nhà nghiên cứu tâm lý học Nguyen Duy Cuong cho biết.

Dù có tư tưởng cấp tiến, nhiều người trẻ ở Việt Nam vẫn “đau đầu” với các thủ tục hôn nhân truyền thống

Đó là lý do khiến Huong và bạn trai Quan phải tìm đến dịch vụ cho thuê khách mời đám cưới: gia đình Quan phản đối Huong bởi vì cô đến từ một vùng quê nghèo còn cha mẹ Huong, vì nghe lời bà thầy bói, lại bắt con phải lấy chồng ngay trong năm Đinh Dậu.

Vì thế, cặp đôi này đã tổ chức một đám cưới giả tại quê nhà của Huong ở Nghệ An. Theo CNA, các khách mời đám cưới là “xịn” còn bên nhà trai bao gồm cha, mẹ, các bác các chú, các cô các dì và bạn bè của Quan đều là diễn viên được thuê.

“Thật là tốt khi chỉ cần bỏ ra một chút tiền là mọi người đều vui vẻ. Chúng tôi đã giải quyết được câu chuyện đau đầu này trong hòa bình” Quan giải thích về đám cưới mà anh buộc phải giấu kín, không để bố mẹ mình biết.

Ông Nguyen Xuan Thien – người sáng lập Vinamost, một trong những công ty chuyên tổ chức đám cưới giả và cho thuê khách mời đám cưới – tuyên bố, trong năm qua, công ty của ông đã thực hiện hàng ngàn “vở kịch cưới xin”. Ông còn tiết lộ rằng việc làm ăn đang ngày càng phát triển khi ngày nay, Vinamost có đội ngũ 400 người đóng vai “quan viên hai họ” để cho thuê, nhiều hơn gấp hàng chục lần so với một thập kỷ trước.

Tuy nhiên, chính ông Thien cũng cảm thấy băn khoăn về áp lực xã hội đè lên vai những người trẻ.

“Chúng tôi khá là lo lắng, việc này giống như bệnh viện điều trị bệnh tật vậy. Chúng tôi đang giúp các cô dâu và gia đình của họ. Tuy nhiên, đáng lẽ ngành nghề này không nên phát triển lớn như vậy”, ông Thien nhận định.

Mai Đại (Theo Channel New Asia)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/bao-nuoc-ngoai-noi-ve-dich-vu-cuoi-gia-o-viet-nam-852144.html