Bảo quản bãi cọc nhà Trần ở Hải Phòng như thế nào?

Các cọc gỗ sau khi đưa lên khỏi mặt nước hay đất có thể biến dạng nên cần lấp đất lên khu vực này, cắm mốc, có hàng rào bảo vệ.

Tại Hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng (diễn ra ngày 20-21/12), các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành đều khẳng định, việc phát hiện bãi cọc bằng gỗ này giúp chúng ta có nhận thức đúng đắn hơn về trận Bạch Đằng năm 1288.

Đây không chỉ là chiến công vĩ đại bậc nhất của dân tộc, mà còn là chiến công mang tầm thời đại, có ý nghĩa quốc tế vô cùng to lớn. Từ lâu, các nhà khoa học đã nghiên cứu về chiến thắng này qua các bãi cọc được phát hiện trước đó ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Việc phát hiện bãi cọc này đã xác định rõ hơn các nghiên cứu từ trước đến nay là có cơ sở.

Theo TS Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), mặc dù có nhiều nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, nhưng những hiện vật liên quan đến chiến trận Bạch Đằng không nhiều. Vì vậy, việc phát hiện bãi cọc lần này thực sự rất có ý nghĩa rất lớn, nhưng cũng cần nghiên cứu tổng thể mối liên kết theo chuỗi từ khu vực Bạch Đằng lên đến khu vực Vạn Kiếp (Hải Dương).

Do đó, yếu tố tổng thể mới là quan trọng, nên cần phải khai quật ở các vị trí có dấu hiệu bãi cọc hoặc hiện vật khác để xây dựng lại tổng thể chiến trận Bạch Đằng.

Việc khai quật được bãi cọc tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) làm thay đổi nhận thức về chiến trận Bạch Đằng 1288. Ảnh: Lao động

Về mặt bảo tồn, ví dụ tiêu biểu như bãi cọc được tìm thấy bên Quảng Yên (Quảng Ninh) hay đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu Vua bà… có liên quan đến trận Bạch Đằng, nhưng do tính rời rạc nên chưa thu hút được sự quan tâm của nhân dân.

Chính vì thế, ông Thành cho rằng, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cần kiểm kê ngay di tích vừa khai quật. Khu vực khai quật mới có gần 1.000 m2, so với bãi cọc khác còn nhỏ bé, nên cần phải làm rõ quy mô của di tích này. Ngoài việc kiểm kê di tích, chính quyền địa phương cũng cần chuyển đất ruộng khu vực trên thành đất di sản để bảo tồn di tích được thuận lợi.

Theo TS Trần Đình Thành, từ một số bài học tại các địa phương khác, việc tìm được và sau đó bảo tồn các hiện vật lịch sử là rất khó khăn. Hải Phòng cần phải có biện pháp ngay khi chưa phát huy được di tích, thì cần phải lấp đất lên các cọc gỗ này để bảo quản, tránh việc mưa nắng làm hỏng, hoặc biến dạng các cọc gỗ được tìm thấy.

“Vì kinh nghiệm cho thấy, cọc gỗ được chôn dưới nước, đất, thời gian lên đến gần ngàn năm, nay đưa lên mặt đất, rất dễ bị hư hỏng, biến dạng, nên cần phải bảo tồn gấp. Cục Di sản văn hóa sẽ phối hợp chặt chẽ để có thể có hình thức bảo tồn phù hợp”, báo Lao động dẫn lời ông Thành nói.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định, việc phát hiện khai quật bãi cọc Bạch Đằng tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là việc làm vô cùng ý nghĩa, song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều. Đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng trước lịch sử của dân tộc, và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau.

Để hoàn thành trách nhiệm đó, Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành thành phố liên quan cần phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thiện các thủ tục để tổ chức công bố, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên; khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc.

Tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực, yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại.

Trước đó, trên cơ sở phát hiện mới đây của người dân làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên về hai thân cây gỗ nằm trong lòng đất thuộc vùng đê bao sông Đá Bạc, các cấp ngành liên quan đã quyết định khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Kết quả khai quật 950m2, với 3 hố khai quật phát hiện 27 cọc. Các cọc phân bố theo chiều Đông – Tây, đường kính từ 26-46cm, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Các cọc phân bố không thẳng hàng và căn cứ vào kết quả giám định niên đại cho thấy, các cọc gỗ này có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.

Bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Hưng Đạo, buộc đạo quân này đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng. Từ đó, rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Nguyên Mông xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bao-quan-bai-coc-nha-tran-o-hai-phong-nhu-the-nao-3393777/