Bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích Cố đô Huế

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tổ chức trưng bày, niêm yết lấy ý kiến cộng đồng và cá nhân liên quan về hồ sơ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Quy hoạch nhằm tạo cho khu vực quần thể di tích Cố đô Huế trở thành hạt nhân, động lực trong thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch (QH) bao gồm không gian hình thành và phát triển Cố đô lịch sử, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Quần thể Di tích Cố đô Huế: Khu vực Kinh thành Huế, Kim Long, Bao Vinh, Gia Hội, núi Kim Phụng, núi Ngự Bình, núi Duệ, đồi Vọng Cảnh, cồn Hến, cồn Dã Viên, cửa biển Thuận An, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, lưu vực sông Hương và các chi lưu thuộc địa giới hành chính thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang. Tổng diện tích khoảng 134.000ha.

Trong đó, quy mô nghiên cứu QH sẽ là Khu vực bảo vệ của Di sản văn hóa thế giới, Quần thể Di tích Cố đô Huế bao gồm các điểm di tích: Kinh thành Huế, Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu và Võ Miếu, Hổ Quyền và Voi Ré, Đàn Nam Giao, Điện Hòn Chén, các Lăng: Dục Đức, Tự Đức, Đồng Khánh, Thiệu Trị, Khải Định, Minh Mạng, Gia Long và Trấn Hải Thành; Khu vực bảo tồn cảnh quan sông Hương gắn với di tích; các trục, tuyến không gian cảnh quan văn hóa, các quần cư lâu đời gắn với từng di tích; các khu vực tổ chức hoạt động phát huy giá trị di tích, kết nối hạ tầng kỹ thuật nội bộ và hệ thống giao thông, hạ tầng chung có liên quan.

Từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới - di sản văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trải qua hai thời kỳ QH (giai đoạn 1996 - 2010 và giai đoạn 2010 - 2020).

Đến nay, đã có hàng trăm công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt.

N.N

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-dong/bao-quan-tu-bo-phuc-hoi-quan-the-di-tich-co-do-hue-c2a62074.html