Báo Singapore: Đầu tư nước ngoài giúp Việt Nam 'thay da đổi thịt'

Tờ Liên hợp buổi sáng (Lianhe Zaobao) của Singapore có bài viết khẳng định Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, một phần nhờ vào thành quả thu hút FDI.

Vốn đầu tư nước ngoài tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. (Nguồn: Vneconomy)

Nền kinh tế mở và tăng trưởng nhanh

Báo Singapore trích dẫn số liệu mà Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam mới công bố gần đây cho thấy, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Về phân bổ nguồn vốn FDI trong các lĩnh vực, có tới 68% tổng số vốn được đầu tư phát triển ngành gia công chế tạo và hơn 10% tổng số vốn đổ vào lĩnh vực đất đai, bất động sản.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong lĩnh vực đầu tư, nguồn vốn FDI được phân bổ vào 19 trên 21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 212,16 tỷ USD, chiếm 58,8% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 58,7 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với 23,65 tỷ USD (chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư).

Tính đến nay, Hà Nội đã tham gia ký 12 FTA với các đối tác trên thế giới, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đặc biệt, cuối tháng 6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đạt được thỏa thuận và ký kết hai văn kiện hợp tác quan trọng gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từ tháng 1-11/2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 17,69 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, xét về lượng vốn đăng ký mới đến ngày 20/11, cả nước có 3.478 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong thời gian từ tháng 1-11/2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,31 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.

Nhiều dự án triển vọng

Theo tờ Liên hợp buổi sáng, trong thời gian nói trên, về đối tác đầu tư, có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Khu vực hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,69 tỷ USD, trong đó có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư của khu vực này); Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,73 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,47 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản.

Về địa bàn phân phối đầu tư, giới đầu tư nước ngoài rót vốn vào 60 tỉnh thành phố của Việt Nam, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất, với tổng số vốn đăng ký 6,82 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 5,48 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh. Ngoài ra, một số dự án lớn hiện đang thu hút sự chú ý của giới chuyên gia tại Việt Nam chính là dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hong Kong – Trung Quốc) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, với giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD cùng mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.

Bên cạnh đó là dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng-trường đua ngựa (Hàn Quốc) thu hút sự chú ý trong thời gian vừa qua với tổng vốn đầu tư đăng ký 420 triệu USD với mục tiêu xây dựng trường đua ngựa, tổ chức hoạt động đua ngựa, tổ chức đặt cược đua ngựa, thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa; xây dựng, kinh doanh khách sạn và biệt thự 3 sao, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dân dụng khác tại Sóc Sơn (Hà Nội).

Ngoài ra, dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, với tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh cũng đang nhận được rất nhiều kỳ vọng.

(theo Liên hợp buổi sáng)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-singapore-dau-tu-nuoc-ngoai-giup-viet-nam-thay-da-doi-thit-105266.html