Bão số 10 tăng cấp trở lại

Cơ quan khí tượng dự báo bão Goni khả năng mạnh lên cấp 9, giật cấp 11 trước khi di chuyển vào vùng biển Đà Nẵng - Phú Yên và đổ bộ đất liền.

Chiều 2/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết tâm bão số 10 (Goni) đang cách quần đảo Hoàng Sa 680 km. Vùng gần tâm bão duy trì sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 suốt những giờ qua.

Khu vực nằm trong bán kính 140 km tính từ tâm bão hứng chịu gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên.

Lúc 16h, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 590 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 24 giờ tới, bão đi theo hướng tây, vận tốc 15-20 km/h.

16h chiều 3/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 260 km. Cường độ có xu hướng tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông nằm từ vĩ tuyến 13 đến 17 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 111,5 đến 120 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Sau đó, bão đi chậm lại theo hướng cũ, vận tốc 10-15 km/h và có khả năng mạnh lên cấp 9, giật cấp 11 vào chiều 4/11. Lúc này, tâm bão cách Quảng Nam 250 km, cách Quảng Ngãi và Bình Định khoảng 190 km, cách Phú Yên 210 km.

Như vậy, hình thái này có xu hướng tăng cấp sau hai ngày di chuyển trên Biển Đông và liên tục giảm vận tốc.

Bão Goni sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong ngày 5/11.

 Dự báo đường đi của bão số 10 trên Biển Đông. Ảnh: VNDMS.

Dự báo đường đi của bão số 10 trên Biển Đông. Ảnh: VNDMS.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định bão Goni có thể duy trì sức gió cấp 7-8. Ngoài ra, một kịch bản nữa có thể xảy ra là bão tan trên biển, nhưng khả năng này không cao.

Chuyên gia cho biết điều nguy hiểm nhất của bão số 10 là tiếp tục gây ra một đợt mưa lớn diện rộng cho Trung Bộ. Kịch bản gây mưa của cơn bão này cũng tương tự bão số 9 với hai giai đoạn quan trọng.

Giai đoạn 1, mưa do bão bắt đầu từ chiều tối 4/11 và kéo dài đến ngày 6/11. Đợt mưa này tập trung tại khu vực bão ảnh hưởng trực tiếp là Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với lượng phổ biến 300-400 mm. Tại Bình Định, Phú Yên và Tây Nguyên ghi nhận lượng mưa dao động 100-200 mm.

Giai đoạn 2, hoàn lưu bão kết hợp không khí lạnh sẽ gây ra một đợt mưa mới cho các tỉnh Bắc Trung Bộ trong ngày 5-7/11. Khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có thể hứng lượng mưa 150-350 mm/đợt.

Với kịch bản mưa này, chuyên gia cho biết lũ trên hệ thống các sông, đặc biệt là Quảng Nam và Quảng Ngãi, có thể lên báo động 2, báo động 3 trong những ngày tới.

Sáng 2/11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp nhằm ứng phó với cơn bão số 10. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, bão số 10 dự kiến diễn biến phức tạp, cùng với ảnh hưởng của đợt gió mùa Đông Bắc dự báo sẽ gây mưa lớn từ Nghệ An trở vào.

“Không vì dự báo cơn bão không lớn mà chủ quan. Cần tập trung rà soát tàu thuyền trên biển ra khỏi nơi nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, sơ tán người dân khỏi lồng bè, chòi canh, khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Người dân bật khóc vì trắng tay sau cơn lũ dữ Quay trở lại nhà sau thiên tai, nhiều người dân ở xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương (Nghệ An) bật khóc nức nở khi tài sản và vật nuôi bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-so-10-tang-cap-tro-lai-post1148689.html