Bão số 13 đổ bộ vào Quảng Bình, nam Hà Tĩnh

Hiện vị trí tâm bão nằm trên khu vực bắc Quảng Bình, nam Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Video: Bão số 13 bắt đầu đổ bộ vào Quảng Bình. Thực hiện: BÙI TOÀN

14 giờ 40 phút: Bão số 13 đã đi vào khu vực Quảng Bình, nam Hà Tĩnh

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 15-11, vị trí tâm bão nằm trên khu vực bắc Quảng Bình, nam Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80 km tính từ tâm bão.

Hướng đi và dự kiến vùng ảnh hưởng của bão số 13. Ảnh: TTDBKTTV

Dự báo trong sáu tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 19 giờ ngày 15-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Trong chiều và tối nay, ở vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11; sóng biển cao 3-5 m, biển động mạnh. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4 m; biển động mạnh.

Trên đất liền từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11.

Cũng từ chiều nay (15-11) đến sáng 16-11, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm; khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 40-80 mm.

Tại Hà Tĩnh: Đầu giờ chiều, trên địa bàn tỉnh bắt đầu có mưa, gió đang còn nhỏ. Tuy nhiên, ở phía Nam thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh)- sát Quảng Bình gió bão bắt đầu lớn dần.

Theo số liệu của Trạm Khí tượng hải văn môi trường Hoành Sơn (Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh), sức gió đo được tại Kỳ Anh vào trưa 15-11 là cấp 8, giật cấp 9. Lượng mưa đo được cao nhất tại phường Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh) là 147,8 mm.

Mưa lớn gây ngập quốc lộ 1A đoạn qua phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) gây ách tắc giao thông. Ảnh: ĐL

Ghi nhận tại phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh) đang có mưa lớn khiến nước ngập quốc lộ 1A. Do vậy đoạn quốc lộ 1A qua phường Hưng Trí đang ách tắc. Công an phường Hưng Trí và Công an thị xã Kỳ Anh đã chốt chặn hai đầu điểm ngập trên quốc lộ 1A cấm các phương tiện qua lại đồng thời hướng dẫn các xe chạy Bắc-Nam rẽ vào quốc lộ 1B.

Trong sáng 15-11, ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 13 tại Hà Tĩnh.

Ông Cường và đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đi kiểm tra việc vận hành quy trình hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Hiện hồ Kẻ Gỗ đang xả lũ lưu lượng 100 m3/s. Hiện nay, hơn 3.600 hộ với hơn 12.000 người dân ở vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng ven biển, thấp trũng ở tỉnh Hà Tĩnh đã sơ tán tới nơi an toàn.

Tại Quảng Nam: Do ảnh hưởng bão số 13, các nhà hàng, khách sạn ven biển TP Hội An bị sóng biển đánh tan hoang.

Ghi nhận sáng 15-11, dọc bờ biển Hội An, cây cối, công trình bị sóng biển đánh vào xé toang. Công trình vệ sinh, những mảng tường của nhà hàng, khách sạn bị sóng đánh hỏng chân, sạt xuống bờ biển.

Một số công trình ven bờ biển Hội An bị sóng đánh vào làm hư hỏng. Ảnh: THANH NHẬT

Một villa bị sóng sóng đánh trụt phần móng, phòng ốc nứt toác. Chủ nhà hàng huy động nhân viên dọn dẹp đống đổ nát do bão sô 13 để lại.

12 giờ 15 phút: Bão số 13 vẫn đang càn quét tại nhiều khu vực phía nam ở tỉnh Quảng Bình, mưa lớn và gió mạnh gây mất điện nhiều nhà dân ở phường Hải Thành (TP Đồng Hới). Căn nhà của một số hộ dân tại xã ven biển Bảo Ninh (TP Đồng Hới) cũng bị gió bão làm tốc mái.

Nhà dân ở xã ven biển Bảo Ninh (TP Đồng Hới) bị gió thổi bay mái. Ảnh: BÙI TOÀN

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 12 giờ, vị trí tâm bão đang ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20 km/giờ.

11 giờ 40: Cây xà cừ to nhất TP Huế bị bão số 13 quật bật gốc

Trưa 15-11, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy TP Huế (Thừa Thiên - Huế), cho biết, cây xà cừ to nhất TP Huế được đánh số 13, nằm ở đường Lê Duẩn, đã bị bão số 13 quật bật gốc.

Cây xà cừ lớn nhất TP Huế bị bão số 13 quật đổ.

Tin mới nhất về đường đi của bão số 13: Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 13, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, ở đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; trên đất liền ven biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm.

Hồi 10 giờ ngày 15-11, vị trí tâm bão ở khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Đường đi của bão số 13 . Ảnh: KTTV

Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16 giờ ngày 15-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên đất liền Hà Tĩnh, Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 6 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 108,5 độ Kinh Đông, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven biển: Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12; sóng biển cao 3-5m, biển động rất mạnh. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh.

Ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế nước dâng do bão cao 0,5m. Nguy cơ ngập úng xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.

Gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.

11 giờ 5: Trao đổi với PLO, ông Lê Quang Lam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, cho biết, đã liên lạc được với lực lượng làm việc tại đảo Cồn Cỏ.

Clip bão 13 quét qua đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Theo ông Lam, vì người dân được đưa xuống hầm quân sự vào chiều hôm qua để tránh bão nên tất cả người dân đều an toàn.

Tuy nhiên là nơi tâm bão đi qua niên, huyện đảo này có nhiều cây xanh đổ gãy, nhiều hàng quán, nhà cửa của người dân bị tóc mái, hư hỏng.

11 giờ: Tại Quảng Bình, cùng với những cơn mưa lớn, gió bắt đầu thổi rất mạnh ở nhiều khu vực.

Tại bờ biển Nhật Lệ, sóng biển dâng cao, xác cây, những củi gỗ bị sóng biển đánh dạt vào bờ ngổn ngang.

Sóng đánh gãy một số đoạn kè biển Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình)

Đến 10 giờ 45: Tại các xã miền biển ở tỉnh Quảng Trị trời đã giảm gió và mưa cũng tạm giảm dần. Chính quyền địa phương đang tiến hành thống kê thiệt lại.

Theo ghi nhận, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chịu ảnh hưởng nặng do bão số 13 gây ra.

Ông Dương Viết Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cho biết thống kê ban đầu, trên địa bàn huyện có hàng chục nhà dân bị tốc mái, hàng loạt xây xanh trên các tuyến đường dẫn về các xã ven biển bị bật gốc, gãy đổ, chắn ngang đường.

Cây xanh ngã đổ chắn ngang đường ở huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

Lúc 10 giờ 40: Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, thiệt hại ban đầu do bão số 13 đã có 5 người bị thương do chằng chống nhà cửa (Quảng Trị 2 người, Quảng Nam 3 người).

Lúc 10 giờ 20: Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 10 sáng nay, vị trí tâm bão ở khoảng 17.3oN; 107.0oE, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Trị.

Sức gió mạnh nhất: cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 12. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h.

Tại Quảng Bình: Sáng 15-11, mưa lớn liên tục trút xuống diện rộng ở nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Bình như huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh, TP Đồng Hới.

Theo ghi nhận củaPLO, tại TP Đồng Hới, cơn mưa kéo dài từ rạng sáng đã làm cho nhiều nhà dân bắt đầu bị ngập.

Một số người dân sống gần cửa biển Nhật Lệ (phường Hải Thành, TP Đồng Hới) chọn cách di chuyển sang những căn nhà kiên cố của hàng xóm để tránh trú tạm thời.

Đến 8 giờ 30 ngày 15-11, mưa xối xả tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình).

Ông Đình Dũng (ngụ tổ dân phố 7, phường Hải Thành) cho hay: “Trong 2 tháng nay, căn nhà của tôi đã ngập nước khoảng 3 lần. Trong suốt hơn 10 năm qua, tôi bây giờ mới lại được chứng kiến cảnh khoảng sân của nhà mình bị ngập. Nhà tôi còn vậy thì hông biết những khu vực thấp hơn sẽ thế nào nữa”, ông Dũng lo lắng.

Khoảng sân trước nhà ông Dũng bị ngập do mưa lớn kéo dài.

Khoảng 8 giờ 30 sáng cùng ngày, mưa vẫn xối xả, gió ngày càng lớn hơn. Một số người dân ở phường Hải Thành nhận định mặc dù nằm trong vùng ảnh hưởng của bão nhưng sức gió không lớn.

Không chủ quan trong việc tránh bão, nhiều người vẫn chọn cách ở trong nhà, gia cố nhà cửa cẩn thận cho đến khi cơn mưa tạnh hẳn.

Ngập tại một nhà dân ở phường Hải Thành (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) .

Bớt lo lắng hơn so với ngày hôm qua, anh Quốc Cường (45 tuổi, ngụ phường Hải Thành) nói: "Gia đình tôi sống trong dãy nhà tập thể 1 tầng, phần nhà nhỏ nên khi nghe tin bão vào cũng khá lo lắng dù đã dùng các biện pháp gia cố chằng chống nhà cửa”.

Ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND TP Đồng Hới, cho biết trong sáng hôm nay, chính quyền địa phương đã cử cán bộ trực chiến 100% để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 13.

“Từ ngày hôm qua, chúng tôi đã hoàn thành xong quá trình ra soát, chuẩn bị các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho bà con trong cơn bão số 13 này. Hiện TP Đồng Hới đã di dời 669 hộ, khoảng 1914 người từ những vùng dễ ảnh hưởng do bão đến nơi an toàn”, ông Đan cho biết.

Tại Quảng Trị: Sáng 15-11, theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, vào rạng sáng nay do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11 khiến nhiều nhà dân tốc mái, bay tôn.

Vùng ven biển có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Thành phố Đông Hà gió giật cấp 7.

Gió lớn trên đảo Cồn Cỏ.

Ông Võ Viết Cường, Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ, cho biết sáng cùng ngày tại huyện đảo này có gió rất to và giật mạnh. Nhưng tại huyện đảo Cồn Cỏ, mọi liên lạc đang bị gián đoạn do mưa bão nên chưa nắm được thiệt hại do bão số 13 gây ra.

Trước đó, để đảm bảo cho người dân trên đảo, lực lượng chức năng đã di tản người dân đến các hầm quân sự để tránh trú bão an toàn.

Trong đêm qua trên toàn tỉnh đã có mưa to đến rất to. Một số nơi có mưa lớn như Hải An 128 mm, Cửa Việt 95 mm, Cửa Tùng 86 mm. Sóng lớn trên biển, tại Cồn Cỏ sóng cao từ 3.0-5.0 mét kết hợp nức biển dâng đã vượt bờ đê chắn sóng vào trong đảo.

Tại Huế: Từ 5 giờ sáng ngày 15-11, bão số 13 vẫn gây gió giật mạnh và mưa nặng hạt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ 0 giờ đến gần 4 giờ sáng là đỉnh điểm, gió rít từng cơn dồn dập.

Bão số 13 gây gió rất lớn tại ThưàThiên - Huế.

Trao đổi với PV PLO vào 3 giờ sáng cùng ngày, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuân (huyện Phú Vang) là địa phương giáp biển cho biết, vào thời điểm này gió rất khủng khiếp, giật dồn dập.

"Đây là cơn bão có gió giật khủng khiếp nhất tôi từng thấy. Giờ anh em vẫn đang thường trược để theo dõi diễn biến của bão" - ông Tùy nói.

Hiện nay do mưa lớn nên nhiều hộ dân tại khu vực gần đầm phá Tam Giang cho hay nước đang dâng rất cao. Nhiều nhà thấp trũng nước đã vào nhà.

Nhiều nhà người dân bị tốc mái.

Khuya 14-11, ông Lê Công Minh, Chủ tịch xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) cũng cho biết khu vực này sóng biển đã lên cao hơn cơn bão số 9 chừng 0,7 m.

Khu vực thôn Bình An, Tân Cảnh Dương sóng biển tràn vào nhà dân trong đêm. Đây là lần đầu tiên khu vực này có sóng biển dâng cao như vậy.

Theo ông Minh, triều cường sóng biển dâng cao cộng với gió lớn, lực lượng của xã không được phép tiếp cận khu vực này. Tuy nhiên, người dân tại khu vực này trước đó đã được di dời đến nơi an toàn.

Trên mạng xã hội facebook, nhiều người ở Thừa Thiên - Huế đăng tải trạng thái không thể ngủ được và cho rằng đây là cơn bão có gió giật khủng khiếp nhất từ trước đến nay mà họ chứng kiện. Nhiều người thông tin nhiều gia đình bị tốc mái và hư hỏng.

Những hình ảnh thiệt hại đầu tiên do bão 13 gây ra ơ Huế:

Sau ảnh hưởng của bão số 13, sáng ngày 15-11, lực lượng chức năng tại các địa phương đang tiến hành kiểm tra và thống kê thiệt hại.

Một mái tôn chắn ngang đường Bến Nghé. Theo người dân mái tôn này của nhà dân phía sau hẻm bị gió thổi bay và nằm lại giữa đường này.

Nhiều biển hiệu hư hỏng, cây ngã xuống đường.

Nhiều cây xanh đổ gãy.

Xe máy của người dân đậu trước chung cư Đống Đa (TP Huế) bị gió làm ngã.

Dây viễn thông bị cây xanh đổ gãy đè lên.

Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 13. Hiện địa phương này đang đi kiểm tra và tiến hành thống kê thiệt hại.

Vào lúc 3 giờ 30, gió mạnh khiến chiếc tàu cá TTH 99911TS bị đứt néo khi đang neo đậu ở phá Tam Giang đoạn qua tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang..

Chiếc tàu đâm sầm vào căn nhà bà Lê Thị Xuyên ở gần đó khiến căn nhà bị sập đổ hoàn toàn.

Tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Sanh ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) bị đánh chìm.

Tại Đà Nẵng: Từ 3 giờ sáng 15-11, Đà Nẵng ngớt gió, mưa chỉ rả rích. Ghi nhận của PV khắp ven biển và các tuyến phố, quang cảnh khá bình yên so với sức tàn phá trước đó của cơn bão số 9.

Dọc tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp ven biển phía Đông TP, rác và cát từ bờ biển bị sóng đánh lên đường.

Nhiều đoạn đường ven biển, khung cảnh khá nhếch nhác. Tuy nhiên, so với cảnh tượng kinh hoàng mà bão số 9 đem tới, hình ảnh sáng nay là không đáng kể.

Tuyến đường ven biển phía Đông Đà Nẵng khá nhếch nhác, nhưng không đáng kể so với bão số 9.

Ra biển từ sớm, ông Nguyễn Văn Bường (ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), cho hay bão số 13 có gió nhẹ hơn bão số 9. Thời gian có gió to cũng ngắn hơn, sóng biển nhỏ hơn.

Từ nửa đêm qua, nhiều thông tin trên Facebook cho hay khu vực phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) có nhiều nhà bị tốc mái, tàu chìm…

Trao đổi với PLO sáng nay, ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông xác nhận có các thông tin như vậy báo về trong đêm.

Tuy nhiên, qua kiểm tra sơ bộ sáng nay, ông Hải cho hay tình hình thiệt hại là không nhiều.

“Chỉ có vài mái hiên nhà dân bị tốc. Một ghe lặn chíp chíp không biển số bị chìm tại chỗ, còn lại khá yên ổn. Hầu như không có cây xanh ngã đổ” – ông Hải cho hay.

Tại Âu thuyền Thọ Quang, theo quan sát có hai tàu nhỏ bị chìm. Theo ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, đây là các tàu bị chìm đã lâu chưa được trục vớt.

“Âu thuyền an toàn, không có tàu nào chìm sau bão số 13. Nhiều tàu đang bốc dầu và nước đá để ra khơi ngay” – ông Phương khẳng định.

Một số tàu tại Âu thuyền Thọ Quang bị chìm từ trước bão số 13.

Ngư dân tranh thủ bốc nước đá, dầu để ra khơi ngay.

Bờ biển Đà Nẵng sáng 15-11.

Sóng lớn nửa đêm qua làm bật gốc dừa.

Rác thải bị sóng đánh lên đường.

Biển Đà Nẵng tương đối lặng sóng trong sáng 15-11

NGUYỄN DO - TẤN VIỆT -BÙI TOÀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/quang-binh-quang-tri-hung-bao-so-13-mua-to-gio-quat-du-doi-950110.html