Bão số 4 áp sát Bắc Trung Bộ

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 4 có tên quốc tế là Podul đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung bộ trong ngày 30- 8, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giật cấp 9 -10, giật cấp 12.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 4 có tên quốc tế là Podul đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung bộ trong ngày 30- 8, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giật cấp 9 -10, giật cấp 12.

Tàu thuyền về neo đậu tại khu vực Cửa Lò (Nghệ An).

Bão số 4 được đánh giá là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi diễn ra rộng, hoàn lưu bão gây mưa lớn, lại xảy ra vào dịp nghỉ lễ. Trong cuộc họp khẩn với các bộ, ngành và 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, tuyệt đối không chủ quan.

Nghệ An: Sẵn sàng phương án di dời dân

Tỉnh Nghệ An cũng đã ra lệnh cấm biển từ 5 giờ sáng ngày 29-8, yêu cầu tàu về bờ trước 15 giờ cùng ngày. Các khu vực nuôi trồng thủy sản cũng đã chủ động các phương án phòng chống an toàn; sẵn sàng phương án di dời 26 nghìn người dân. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp chỉ đạo nhân dân thu hoạch trên 10 nghìn ha lúa hè thu chủ yếu ở vùng trũng. Kiểm tra các công trình thủy lợi đảm bảo khả năng vận hành tiêu úng hiệu quả.

Trước đó, Chi cục Thủy sản Nghệ An đã phát bản tin thông báo qua máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF VX-1700 trên tần số 8058 kHz của Trạm bờ Chi cục, tất cả các tàu đang khai thác trên biển đã liên lạc được với Trạm bờ, nắm bắt diễn biến của cơn bão số 4 để chủ động phòng tránh. Không có tàu thuyền nào mất liên lạc. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản đã thông báo đến các xã, phường và các chủ hộ nuôi trồng thủy sản về dự báo thời gian, hướng di chuyển và cấp cơn bão số 4 yêu cầu các địa phương, các chủ hộ nuôi chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại xảy ra.

Ngư dân Quảng Bình ứng phó với bão.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An diện tích nuôi trồng thủy sản gần 19.000 ha, còn trên 16.000 ha đang nuôi, đã thông báo cho nhân dân để có phương án phòng, chống và 960 lồng nuôi. Về khách du lịch, hiện còn 1.170 khách ở Cửa Lò và Bãi Lữ đã nắm bắt thông tin bão số 4 để phòng tránh. Nghệ An cũng chủ động phương án di dời 26 nghìn dân ở những vùng xung yếu.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo chính quyền các cấp cùng lực lượng chức năng hỗ trợ nhân dân thu hoạch nhanh lúa hè thu và các loại hoa màu khác. Đôn đốc kiểm tra an toàn hồ đập, hệ thống đê, kênh tiêu thủy lợi. Đồng thời, xây dựng kế hoạch di dân ở vùng xung yếu, kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp. Ở đồng bằng, đã thu hoạch được 70%, các công trình thủy lợi sẵn sàng vận hành, thủy lợi, ứng phó. 18 hồ thủy điện lớn trên địa bàn đang vận hành theo quy trình liên hồ chứa, lưu lượng hồ chứa đang an toàn. Ngoài ra, Nghệ An cũng đã đề xuất Trung ương điều động tàu có công suất lớn vào Cửa Lò để khi cần để cùng địa phương cứu hộ, cứu nạn và tăng cường về công tác dự báo.

Các lực lượng chức năng Hà Tĩnh có mặt tại Cảng Cửa Sót để chỉ đạo công tác phòng chống mưa bão.

Hà Tĩnh: Hoãn tất cả các cuộc họp

Chiều ngày 29- 8, tại khu vực Cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, H.Lộc Hà), ngư dân khẩn trương chằng néo tàu thuyền, cất đặt các ngư cụ nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu bão đổ bộ. Theo ông Bùi Tuấn Sơn- Giám đốc Cảng cá Hà Tĩnh, đến 14 giờ chiều cùng ngày, tại cảng cá và khu neo đậu Cửa Sót (H.Lộc Hà) có 185 tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh, 39 tàu cá của các tỉnh khác vào trú tránh; tại Cảng cá Xuân Hội (H.nghi Xuân) có 52 tàu thuyền về trú tránh; tại khu neo đậu Cẩm Nhượng (H.Cẩm Xuyên) có 43 tàu thuyền về neo đậu tránh bão.

Theo báo cáo của Tiểu ban An toàn nghề cá Hà Tĩnh, đến thời điểm chiều ngày 29- 8, các đồn biên phòng, Chi cục Thủy sản đã liên lạc được 3.960 tàu thuyền, với 15.753 lao động đang đánh bắt tại các vùng khơi, vùng lộng và vùng bãi ngang. Trong đó, 55 tàu khai thác xa bờ đang hoạt động tại các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh; 3 tàu ở Bình Thuận, Vũng Tàu; 28 tàu ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi và 3.874 tàu ở vùng biển Nghệ An- Hà Tĩnh.

Ngư dân Hà Tĩnh đã giằng néo tàu thuyền và cất giữ ngư cụ cẩn thận.

Để chủ động trong công tác ứng phó với tình hình mưa bão, ngày 29- 8, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp đột xuất. Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Bão số 4 là cơn bão bất thường, di chuyển nhanh, cường độ mạnh dần và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bà con nhân dân chuẩn bị tinh thần ứng phó với cơn bão số 4 không được chủ quan, bị động. Các địa phương, các ngành cần bám sát công điện chỉ đạo của BCĐ TƯ về phòng chống thiên tai trong việc triển khai các phương án ứng phó với bão số 4; sẵn sàng thực hiện phương án “4 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị BCH BĐBP tỉnh, Tiểu ban An toàn nghề cá và UBND các huyện, thành, thị ven biển thông báo cho số tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn; tổ chức kiểm đếm, quản lý tàu, thuyền. Từ 13 giờ ngày 29- 8, nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi. Thông báo đến tận người dân về diễn biến của cơn bão; sẵn sàng phương án sơ tán dân những vùng nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Kiểm tra vận hành các công trình thủy lợi, nhất là các hồ đập nhỏ, chủ động phương án tiêu thoát lũ an toàn; tiếp tục đốc thúc, giúp đỡ bà con nông dân thu hoạch lúa hè thu trước bão.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề nghị các địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung cho công tác phòng, chống bão số 4; đồng thời yêu cầu các trưởng đoàn công tác trực tiếp về các địa phương, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 4 nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.

Người dân TP Vinh gia cố nhà cửa trước bão mạnh.

Quảng Bình: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão

Tính đến 10 giờ ngày 29-8, Quảng Bình có 4.916 phương tiện đang neo đậu tại bờ, đội tàu cá Quảng Bình còn 390 phương tiện vẫn đang hoạt động trên biển. Đặc biệt có 12 phương tiện đang hoạt động trong vùng biển nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 15 độ Nam. Ngoài ra, 201 phương tiện đang hoạt động vùng biển ven bờ, 167 phương tiện đang hoạt động trên vùng biển Đà Nẵng, 10 phương tiện ở Nam Biển Đông.

Trước đó, khoảng 9 giờ 30 cùng ngày có một tàu cá mang số hiệu QB 91124TS bị hỏng máy cách Đông Đông Bắc cửa biển Nhật Lệ khoảng 80 hải lý. Nhận thông tin, Ủy Ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam điều tàu SAR đi cứu nạn tàu cá và 15 lao động trên tàu.

Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đồn tuyến biển khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản, cấm tất cả các tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ 12 giờ ngày 29-8 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình đến khi bão tan. Phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm, di chuyển và đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi thủy hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên thuyền, lồng bè.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn BĐBP tỉnh Quảng Bình vẫn đang duy trì kíp trực, sẵn sàng lực lượng phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, xác định các khu vực xung yếu có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm.

CA tỉnh Quảng Trị giúp dân thu hoạch vụ mùa chạy bão.

Quảng Trị: Khẩn trương thu hoạch vụ mùa

Quảng Trị nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của bão số 4 nên từ sáng ngày 29- 8 đã có mưa lớn trên diện rộng. Dự báo từ đêm 29- 8 đến 1- 9, tiếp tục có nhiều đợt mưa lớn, kéo dài. Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, Quảng Trị đã triển khai nhiều biện pháp chủ động ứng phó. Đã thông tin kịp thời đến hơn 2.300 tàu cá với trên 7.000 lao động di chuyển vào nơi trú tránh an toàn. Từ sáng 29- 8, lực lượng biên phòng đã cùng với người dân các vùng ven biển như Gio Linh, Triệu Phong kiểm tra việc chằng chéo neo đậu tàu thuyền. CA địa bàn các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa cũng tăng cường về bám bản, những nơi nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống để hỗ trợ kịp thời nhân dân. Theo Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị, hiện gần 17 ngàn ha lúa vụ hè thu đã được thu hoạch, đạt 75% diện tích.

Ngoài H. Hải Lăng cơ bản đã hoàn thành thì còn khoảng 5.500 ha lúa, tập trung chủ yếu tại các địa bàn H.Cam Lộ (782 ha), Gio Linh (1.873 ha), Vĩnh Linh (600 ha), TP Đông Hà (692 ha), Triệu Phong (458 ha) và hơn 1.200 ha tại Đakrông - Hướng Hóa. Đây là diện tích lúa gieo cấy chậm hơn lịch thời vụ, đồng thời do ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước nên thời gian sinh trưởng cây lúa kéo dài 10 đến 15 ngày so với mọi năm. Trước tình hình này, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị trong ngành có liên quan tập trung động viên nhân dân thu hoạch nhanh lúa; tranh thủ đối với lúa đã chín từ 80 đến 85% với phương châm “xanh nhà còn hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại. Huy động mọi lực lượng và phương tiện, kể cả CA và quân đội để giúp dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa vừa chín tới. Sẵn sàng phương tiện cứu lúa vùng ngập lụt, ưu tiên bơm tiêu nhanh cho diện tích lúa bị ngập nặng.

NHÓM PV THỜI SỰ

Hơn 1.100 ha lúa vẫn chưa thu hoạch

TT-HUẾ - Chiều tối 29-8, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 (bão Podul) nên từ hôm nay đến hết ngày 31-8, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa từ chiều 29 đến 31-8 phổ biến từ 150 – 300mm. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến ngày 29-8 đã có 2.019 phương tiện/10.995 lao động vào tránh trú bão an toàn. Trưa 29-8, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế chỉ đạo khẩn cấp 52 tàu thuyền/434 lao động đang đánh bắt xa bờ vùng biển Cồn Cỏ- Đà Nẵng di chuyển vào bờ tránh bão. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 22.200 ha/ 25.408,3 ha lúa hè thu, diện tích chưa thu hoạch 1.100, chủ yếu tại H. Nam Đông (200 ha) và A Lưới (820ha) dự kiến thu hoạch sau 5-9. Nguyên nhân, lúa ở 2 địa phương này chậm thu hoạch là do gieo sạ muộn hơn so với các địa phương trên toàn tỉnh. Hiện nay, các hồ thủy điện trên địa bàn đang vận hành an toàn, mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh ở mức thấp, mực nước chết và sẵn sàng đón lũ.

H.L

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_211787_bao-so-4-ap-sat-bac-trung-bo.aspx