Bão số 7 đổ bộ vào các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, suy yếu thành vùng áp thấp

ND - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 11-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ vĩ bắc, 107,0 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Định - Thanh Hóa khoảng 120 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo, bão số 7 di chuyển chủ yếu theo hướng tây mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Đêm 11-9, vùng tâm bão đi vào địa phận các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 12-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,8 độ vĩ bắc, 104,8 độ kinh đông, trên khu vực phía tây Thanh Hóa - Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7. Dự báo 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 12-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,8 độ vĩ bắc, 102,7 độ kinh đông, trên địa phận nước Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ). Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; riêng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 m. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư sáng 11-9, vùng biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã xuất hiện mưa to đến rất to. Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương thông báo cho tàu, thuyền thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm, bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, lương thực để kịp thời ứng cứu trong tình huống bão đổ bộ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương từ Ninh Bình đến Quảng Ngãi tập trung lực lượng giúp nông dân thu hoạch gần 170 nghìn ha lúa hiện đang ngập nước. Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN chỉ đạo các đơn vị biên phòng tuyến biển phối hợp chính quyền địa phương, ngành thủy sản và gia đình chủ các phương tiện tàu thuyền tiếp tục nắm thông tin, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 7. Đồng thời, duy trì lực lượng, phương tiện (2.793 cán bộ chiến sĩ, 238 phương tiện) thường trực sẵn sàng tham gia ứng cứu ngư dân khi sự cố xảy ra. Theo Bộ tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến ngày 11-9, trên tuyến biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi có 26.018 tàu (105.357 lao động) đang hoạt động trên biển đã được hướng dẫn neo đậu và di chuyển phòng, tránh bão. Trong đó, khu vực từ Quảng Ninh đến Quảng Trị bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa có 22.609 tàu, thuyền, lồng bè nuôi thủy sản, với 89.798 lao động; neo đậu từ Thừa Thiên - Huế đến các tỉnh phía nam có 3.409 tàu. Ngày 11-9, Bộ Y tế có Công điện khẩn số 6148/CĐ-BYT gửi sở y tế các tỉnh, thành phố ven biển phía bắc và các đơn vị trực thuộc Bộ về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 7, yêu cầu triển khai ngay các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra mưa bão, nhất là những nơi cơ sở y tế ở vùng trũng, thấp có nguy cơ sạt lở, ngập lụt do mưa lớn. Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra. Cùng ngày, Bộ Y tế cũng có công văn gửi các sở y tế các tỉnh miền trung và Công ty Dược T.Ư 3 về việc xuất cấp hàng phục vụ công tác phòng, chống lụt bão năm 2009. Bộ Y tế cấp cho các sở y tế Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum mỗi tỉnh 20 cơ số thuốc PCLB và 100 nghìn viên Cloramin B. Công ty Dược T.Ư 3 chuyển hàng tới các địa phương nói trên, kiểm tra thuốc, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và hạn dùng đúng quy định. TP Hải Phòng chỉ đạo các quận, huyện kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi; đến chiều 11-9, toàn tỉnh đã thông báo cho 594 lồng bè, 3.004 tàu với 8.792 lao động trên biển di chuyển tránh bão an toàn. Trong đó, tại âu cảng Bạch Long Vỹ có 167 phương tiện neo đậu, hiện 207 phương tiện đang vào tránh, trú. Tại khu vực biên giới biển Hải Phòng có 1.454 phương tiện đã neo đậu. Các huyện khuyến cáo nông dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa chín và hoa màu với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Thành phố huy động lực lượng xung kích hộ đê, PCLB và TKCN gồm 43.300 người, 35 xe ô-tô tải, 28 tàu và xuồng cao tốc, sẵn sàng ứng phó bão số 7. Tính đến 18 giờ tối 11-9, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương thu hoạch được 31.206/136.800 ha lúa mùa đã chín (so với 17 nghìn ha sáng 10-9), đạt gần 40%. Tại huyện Hậu Lộc, nơi được dự đoán là tâm bão sẽ đi qua, công tác đối phó với bão diễn ra hết sức khẩn trương. Ông Nguyễn Văn Ấp, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đến chiều 11-9, 900 tàu, thuyền với hơn bốn nghìn lao động của huyện đã vào nơi tránh trú an toàn. Huyện cũng đã nắm được thông tin của bốn tàu mất liên lạc ở xã Hưng Lộc và hướng dẫn cho các chủ tàu không đi vào nơi nguy hiểm, tránh bão an toàn và giữ liên lạc với gia đình. Huyện cũng có phương án di dân, sơ tán dân vùng bãi ngang, ven sông, ven biển để khi có lệnh sẽ sơ tán kịp thời. Tại công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt, tỉnh huy động 500 cán bộ, chiến sĩ quân đội sẵn sàng trực chiến, ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra. Tại Nam Định, do ảnh hưởng của bão số 7, bắt đầu từ 13 giờ ngày 11-9, xuất hiện gió bão cấp 4 - 5, kèm theo mưa. Nam Định đã kêu gọi toàn bộ 2.560 tàu, thuyền đánh bắt thủy sản về nơi trú ẩn an toàn; tổ chức bảo vệ các diện tích nuôi trồng thủy sản. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị huy động lực lượng, chuẩn bị vật tư sẵn sàng ứng cứu 30 km đê biển xung yếu thuộc địa phận ba huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Trong đó, đặc biệt chú ý bảo vệ các đoạn đê, kè, cống thuộc hệ thống đê biển đang được thi công. Toàn tuyến các đơn vị đã chuẩn bị 17.736 m3 đá hộc; 11.000 m2 vải lọc; 28.836 m2 bạt chống sóng; 3.912 rọ thép. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh huy động 120 chiến sĩ, năm tàu cao tốc, 10 xuồng và sáu xe ô-tô các loại sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Công ty công trình thủy lợi Bắc Nam Hà và các công ty công trình thủy nông 10 huyện, thành phố huy động toàn bộ nhân lực, máy bơm tổ chức tiêu nước đệm, sẵn sàng các điều kiện chống úng cho hơn 80 nghìn ha lúa, rau màu các loại... Tại Quảng Nam, tranh thủ trời nắng ráo, trong hai ngày qua, bà con nông dân kết hợp lực lượng thanh niên, bộ đội khẩn trương thu hoạch lúa hè thu. Đến nay, hàng chục điểm sạt lở đất trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã được khắc phục và thông xe. Riêng tuyến đường ĐT 604, đoạn Dốc Kiền do bị xói lở nặng, nên việc lưu thông còn khó khăn. Ngày 11-9, Thanh tra giao thông tỉnh phối hợp Đoạn Quản lý đường sông Quảng Nam kiểm tra, lập biên bản và đình chỉ hoạt động 12 bến đò ngang không bảo đảm an toàn. Tại Quảng Ngãi, mưa lớn đã làm cho nước Sông Tang dâng cao, làm vỡ đê quai bờ thượng ngăn dòng công trình hồ Nước Trong. Một đoạn đê quai dài hơn 50m đã bị vỡ, cuốn theo hơn 26 nghìn m3 khối đất đá và làm trôi cầu tạm phía hạ lưu cách đê quay hơn 100m . Nước lũ đã cuốn trôi một lượng lớn đất đá, làm bồi lấp các móng khoan đập số 7, số 8 và số 9, đồng thời cuốn trôi nhiều xe cơ giới và vật liệu thi công. UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở bờ hữu sông Đuống (quận Long Biên). Sạt lở bờ hữu sông Đuống ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tính mạng nhiều hộ dân, trong đó bốn hộ đang ở tình trạng nguy hiểm. UBND thành phố chỉ đạo ngành nông nghiệp kiểm tra, đánh giá hiện trạng, mái và chân của ba kè Gia Thượng, Tình Quang và Thanh Am để đề xuất phương hướng xử lý. Tại các tỉnh phía nam, mực nước hạ lưu sông Mê Công, đầu nguồn sông Cửu Long đang lên; vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang dao động ở mức đỉnh triều cường. Dự báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 14-9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên 3,4m (dưới báo động 2 là 0,2m); tại Châu Đốc 2,85m (dưới báo động 2 là 0,15m); các trạm chính vùng ĐTM và TGLX xuống theo triều.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=156691&sub=127&top=39