Bão số 9 đổ bộ các tỉnh, thành phố từ Bình Thuận đến Bến Tre

Theo bản tin lúc 23 giờ của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia đến 10 giờ hôm nay (25-11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,4 độ vĩ bắc; 106,4 độ kinh đông, ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (40 đến 60 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70 km.

Lực lượng chức năng huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) giúp người dân sơ tán đến điểm an toàn để tránh bão số 9. Ảnh: THÀNH NGUYỄN

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15 km, sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Cam-pu-chia.

Tại TP Hồ Chí Minh, trong đêm 24 và ngày 25-11 có mưa rất to (200 đến 250 mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng. Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 13. Biển động rất mạnh.

Trong sáng 25-11, trên đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 10. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.

Từ đêm 25-11 đến đêm 27-11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh từ phía bắc tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50 đến 80 mm/ngày); ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80 đến 150 mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100 đến 200 mm/ngày).

* Từ ngày 25 đến 28-11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức báo động (BĐ) 2 đến BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1 - BĐ2 và trên BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.

* Sáng 24-11, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) họp giao ban công tác chỉ đạo đối phó bão số 9 và mưa, lũ sau bão. Hiện đã có sáu địa phương ban hành lệnh cấm biển là Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre. Tính đến chiều 24-11, không còn tàu, thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT ban hành Văn bản 576 gửi các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bến Tre, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng sơ tán dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; bảo vệ an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu; tổ chức thường trực và vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình. Đã có bốn tỉnh, thành phố có phương án, thời hạn cụ thể hoàn thành việc di dời dân cư: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã di dời xong 199 hộ với 934 người; huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) dự kiến di dời 4.151 người khi có gió cấp bão và 1.928 người khi có gió cấp ATNĐ; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến di dời 42.423 hộ với 158.534 người.

* Sáng 24-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, khảo sát, kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 tại các bến tàu và vùng ven biển huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Đến chiều 24-11, TP Hồ Chí Minh đã di dời 95% trong tổng số 4.151 hộ dân các khu vực ngập lụt cao của huyện Cần Giờ. Toàn bộ 1.245 tàu, thuyền của huyện đã vào nơi neo đậu an toàn, 413 ngôi nhà đã được chằng chống. UBND thành phố cũng chỉ đạo cho học sinh nghỉ học từ 24-11.

* Ban Chỉ huy PCTT TP Hồ Chí Minh ngày 24-11 có công điện cấm đò ngang, đò dọc, bến phà, tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng, tàu vận chuyển hành khách… xuất bến. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP Hồ Chí Minh đề nghị Công ty Thoát nước đô thị thành phố kiểm tra tất cả các điểm có nguy cơ ngập, túc trực ở hơn 40 trạm bơm để xử lý. Hơn 500 người của đơn vị thoát nước rải đều các quận, huyện, túc trực 24 giờ trong ngày. Hàng chục xe cẩu, xe tải, xe hút, máy bơm... được huy động chống ngập.

* Theo Cục Quản lý công trình thủy lợi, đến chiều 24-11, trong khu vực ảnh hưởng bão số 9 có chín hồ đang xả lũ: Ayun Hạ (Gia Lai) xả 5 m3/giây; Ea Soup Thượng xả 10 m3/giây; Krông Buk Hạ xả 10 m3/giây; Buôn Yông (Đác Lắc) 5 m3/giây; Suối Dầu xả 35 m3/giây, Cam Ranh xả 10 m3/giây, Tà Rục (Khánh Hòa) xả 16 m3/giây; Tân Giang (Ninh Thuận) xả 10 m3/giây; Trà Co (Ninh Thuận) xả 5 m3/giây.

* Ngày 24-11, mực nước sông Cửu Long và sông Sài Gòn lên mạnh do triều cường. Hôm nay 25-11, tại một số trạm chính như Tân Châu, Mỹ Thuận, Châu Đốc, Cần Thơ và Phú An, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn tiếp tục lên có khả năng vượt BĐ3 từ 0,05 đến 0,12 m. Triều cường kết hợp mưa lớn của hoàn lưu cơn bão số 9 tạo ra nguy cơ cao xảy ra ngập lụt trên diện rộng ở khu vực hạ lưu sông Cửu Long và sông Đồng Nai - Sài Gòn.

* Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các khu vực bị ảnh hưởng mưa và bão số 9, hiện còn hơn 450 nghìn héc-ta lúa chưa thu hoạch. Cụ thể, khu vực Tây Nguyên đã thu hoạch 88% diện tích lúa mùa, còn 17,8 nghìn héc-ta. Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ thu hoạch được 66% diện tích, còn khoảng 43,7 nghìn héc-ta. Khu vực Đông Nam Bộ mới thu hoạch được 21%, còn 75 nghìn héc-ta. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã thu hoạch được 55% diện tích lúa thu đông, còn lại 328 nghìn héc-ta.

* Tại Phú Yên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ngày 24-11, các khu dân cư ven biển tại TP Tuy Hòa đã bị triều cường kèm sóng biển uy hiếp. Chính quyền địa phương nỗ lực vận động người dân đi tránh trú ở những nơi an toàn. Khu dân cư Bạch Đằng, phường 6, TP Tuy Hòa có 40 hộ dân đang sinh sống. Đến tối 24-11, chính quyền đã vận động 11 hộ dân ở nơi nguy hiểm nhất chuyển về nhà người thân tránh bão.

* TP Tuy Hòa (Bình Định) có ba khu dân cư xung yếu là: xã Bình Ngọc, khu vực xóm Rớ (phường Phú Đông), khu phố Bạch Đằng (phường 6) và thôn Long Thủy (xã An Phú). Từ chiều 23-11, thành phố đã cắt cử các lực lượng túc trực sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng cứu với mưa bão.

* Tại Khánh Hòa, do ảnh hưởng của bão số 9, ngày 24-11, trên địa bàn tỉnh có mưa nhỏ đến vừa. Hiện các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đạt mức chứa từ 50% đến 60% so với dung tích thiết kế. Riêng một số hồ như: Hoa Sơn, Tà Rục, Suối Dầu, Cam Ranh đạt dung tích chứa hơn 70%, đang được các đơn vị quản lý điều tiết, chủ động hạ thấp mực nước nhằm bảo đảm an toàn công trình và hạn chế ngập lụt vùng hạ du khi có mưa lớn.

* Đến sáng 24-11, tỉnh Tiền Giang đã kêu gọi toàn bộ tàu, thuyền đánh bắt ven bờ vào trú bão an toàn. Khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ khác của tỉnh đều hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão và đang giữ liên lạc thường xuyên với đất liền. Công tác ứng phó bão số 9 tại Tiền Giang cơ bản hoàn tất.

* Tại Đồng Nai, đã chỉ đạo di dời hơn 300 hộ dân nuôi cá ở hai làng bè trên sông Đồng Nai, đoạn thuộc địa phận xã Hiệp Hòa và phường Long Bình Tân. Còn tại khu vực trên sông La Ngà, lòng hồ Trị An, nơi có hơn 300 hộ dân sinh sống, nuôi cá bè đã di dời lên bờ.

* Tại Long An, chiều 23-11, UBND tỉnh Long An có công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ, triều cường, yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng túc trực thường xuyên. Chủ động thông báo và hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa; có kế hoạch di dời, sơ tán dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

* Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến trưa 24-11, toàn tỉnh có gần 5.000 tàu đã vào bờ an toàn, số khác đang hoạt động ngoài vùng nguy hiểm. Số người phải sơ tán là hơn 97.000 người, trong đó sơ tán tại chỗ gần 40.000 người, sơ tán tập trung hơn 25.000 người.

* Tại tỉnh Bến Tre, chiều 24-11, ba huyện ven biển là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú đã tiến hành di dời hơn 24.000 hộ dân đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng của tỉnh đã liên lạc 3.106 tàu, thuyền của tỉnh trên biển, di chuyển tránh bão và hiện có 1.246 tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu. UBND tỉnh đã cho phép học sinh nghỉ học, tạm ngừng các hoạt động tại khu du lịch, giải trí trên địa bàn.

* Đến 23 giờ ngày 24-11, toàn tỉnh Bình Thuận không xảy ra sự cố, thiên tai nào gây nguy hiểm, các lực lượng vẫn trực sẵn sàng ở tất cả các tuyến, các vùng xung yếu. Các địa phương trong tỉnh có gió nhẹ, thời tiết có nơi mưa nhỏ hoặc không mưa. Vẫn an toàn khi bão đổ bộ.

Riêng tại TP Phan Thiết, khu vực phường Hàm Tiến từ Khu du lịch (KDL) Biển xanh đến KDL Làng Tre khoảng 1 km, do ảnh hưởng của sóng to, gió mạnh đã gây sạt lở sâu vào đất liền từ 5 đến 10 m, vào tới ranh giới đất của các cơ sở. Riêng từ KDL Làng Sen đến KDL Rạch Dừa, khoảng 1,5 km tuy được chủ cơ sở gia cố bằng kè túi vải (Geotube) dọc ven biển, tuy nhiên sóng mạnh, khả năng gây hư hỏng rất cao.

UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, gió mạnh, sóng lớn tại các vùng ven biển, vùng dễ bị sạt lở, ngập lụt để chỉ đạo, có biện pháp bảo đảm an toàn.

* Chiều 24-11, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 9 và một số công trình thủy lợi trọng yếu.

Những ngày qua, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Ninh Thuận đã chuyển cho cơ sở 4.400 áo phao cứu sinh, 20 chiếc phao bè cứu sinh, 5 nghìn bao cát… để sẵn sàng ứng phó với cơn bão và mưa lũ.

Ngoài việc chỉ đạo 2.062 tàu thuyền, di chuyển 229 lồng bè nuôi thủy sản neo đậu an toàn, các lực lượng vũ trang đã giúp chằng chống 1.145 nhà ở của người dân tại các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, TP Phan Rang - Tháp Chàm và sơ tán 177 hộ với 446 người dân, tài sản ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận đã cho hơn 50 nghìn học sinh THPT và THCS nghỉ học ngày 24-11.

Hủy, lùi giờ nhiều chuyến bay do bão số 9

Ngày 24-11, hai hãng Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific (JP) cho biết, do ảnh hưởng bão số 9, để bảo đảm an toàn, hai hãng phải hủy và lùi giờ khai thác nhiều chuyến bay đến, đi từ sân bay Cam Ranh (Nha Trang) và Liên Khương (Đà Lạt). Theo đó, VNA lùi giờ cất, hạ cánh sáu chuyến bay giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Nha Trang, chậm từ 40 phút đến 2,5 giờ trong ngày 24-11. Hãng JP hủy hai chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt sáng cùng ngày. Trong khi đó, phía Vietjet khẳng định, đến 17 giờ ngày 24-11, kế hoạch khai thác các chuyến bay đến các sân bay trên của hãng vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38353602-bao-so-9-do-bo-cac-tinh-thanh-pho-tu-binh-thuan-den-ben-tre.html