Bão số 9 suy yếu thành áp thấp, mưa lớn ở nhiều nơi

Trưa nay (25.11), bão số 9 (Usagi) đã đổ bộ vào Vũng Tàu rồi suy yếu thành áp thấp, nhiều tỉnh, thành lân cận và cả TP.HCM đang mưa rất lớn, cây đổ...

13h25:

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở Khánh Hòa, Ninh Thuận

Trưa nay, một số nơi thuộc Khánh Hòa, Ninh Thuận có mưa to đến rất to như: Khánh Phú 81,8mm; Khánh Nam 67,6 mm; Phượng Hoàng 44,8mm (Khánh Hòa); Ma Nới 87mm (Ninh Thuận).

Trong 3 giờ tới, khu vực này tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng từ 20-50mm. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng có nguy cơ xảy ra tại vùng trũng thấp ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đặc biệt là huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải (Ninh Thuận), Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo là cấp 1.

13h:

TP.HCM mưa gió lớn

Mưa vẫn xối xả, gió giật mạnh tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Một số tuyến đường ven biển bị ngập cục bộ, ngổn ngang cành cây bị gió cuốn. Tầm nhìn bị hạn chế nên chỉ có xe buýt hoạt động, các phương tiện khác đều hạn chế lưu thông.

Trung tâm TP.HCM dù đã ngớt mưa nhưng gió còn khá mạnh, nhất là tại quận 7, 9 và huyện Nhà Bè. Ở chung cư The Eratown (quận 7) do nằm gần sát bờ sông, gió hú, giật từng cơn liên tục khiến cây cối ngả nghiêng; nhiều thùng rác, ghế nhựa bay lăn lốc.

Chiếc thuyền bị sóng đánh chìm ở Vũng Tàu. Video: VNE

Trao đổi với phóng viên Dân Trí lúc 12h30 trưa nay, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia xác nhận, bão số 9 bắt đầu đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre (trọng tâm là Vũng Tàu) và đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

12h20:

Mưa lớn ở nhiều nơi

Theo Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, bão khi đi áp sát đất liền thì xuống thành áp thấp nhiệt đới. Sáng nay tại Vũng Tàu có gió cấp 7, Cần Giờ gió cấp 6. Lúc 11h30, gió vẫn còn duy trì cấp 6 trên 2 địa điểm này, tổng lượng mưa tính đến thời điểm này tại Vũng Tàu là 76,5mm, Cần Giờ 63 mm.

Áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền ảnh hưởng đến các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đến Bến Tre, Tiền Giang, Long An, gió phổ biến cấp 5, giật cấp 6. Mưa sẽ tiếp tục từ giờ sang tới sáng mai, tổng lượng mưa các tỉnh này từ 100-180mm.

Triều tại TP.HCM đang xuống, cao nhất dưới báp động.

12h10:

Tại TP.HCM:

Tại TP.HCM, nhiều khu vực mưa trắng trời. Càng gần về thời điểm bão số 9 ập vào bờ, lượng mưa càng lớn. Theo Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, lượng mưa trong chiều và tối nay tại TP.HCM từ 100-200mm, khả năng gây ngập hàng loạt tuyến đường.

Người Sài Gòn co ro trong mưa trước thời điểm bão số 9 đổ bộ vào đất liền.

Mưa lớn khiến tầm nhìn bị hạn chế, người đi xe máy phải bật đèn giữa ban ngày.

11h30:

Nhiều thuyền đánh cá bị sóng đánh vỡ và cuốn trôi ở Bình Thuận

Theo VNE: Ảnh hưởng của cơn bão số 9, tại bờ biển Rạng, phường Hàm Tiến, TP.Phan Thiết đã xảy ra tình trạng biển xâm thực. Sóng cao 2-4m kết tấn công dữ dội vào khu vườn dừa gần nhà thờ Rạng. Nơi đây tập trung phần lớn ghe thuyền đánh cá của phường Hàm Tiến.

Bờ biển bị sạt lở làm sập tường rào của vườn dừa nhà thờ Rạng, gần chục cây dừa sát mép biển bị trốc gốc ngả đổ. Ghe thuyền đang neo buộc dọc các vườn dừa bị sóng lớn đánh vào, giật ra xa. Nhiều cây dừa cũng bị trốc gốc ngã đổ.

Theo thống kê ban đầu của UBND phường Hàm Tiến, có 31 phương tiện bị thiệt hại. Trong đó, 25 chiếc bị hư hỏng nặng do va đập, 6 chiếc bị sóng lớn giật đứt dây neo kéo đi mất tích.

Nhiều thuyền đánh cá ở Bình Thuận bị đánh vỡ. Nguồn: VNE

11h:

Khánh Hòa sáng nay mưa lớn. Chưa kịp khắc phục xong hậu quả của sạt lở khiến 20 người chết, hàng chục căn nhà đổ sập, thì hôm nay nhiều nơi ở TP.Nha Trang, TP.Cam Ranh, huyện Cam Lâm, Khánh Sơn, quốc lộ 1 bị ngập sau mưa. Trong đó, đại lộ Nguyễn Tất Thành bị ngập sâu khiến các xe đi từ Nha Trang đến sân bay Cam Ranh không thể đi được, phải vòng lại quốc lộ.

Đại lộ Nguyễn Tất Thành (Nha Trang) ngập, người dân dắt bộ. Nguồn: VNE

10h50:

Tại Bà Rịa- Vũng Tàu

Ở thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gió giật mạnh khiến cây xanh gãy đổ, xe máy bị thổi trượt dài trên đường.

Xe máy bị gió thổi trượt dài trên đường.

Tại TP.Vũng Tàu hiện tại có mưa lớn, gió giật rất mạnh. Một số tuyến đường như Thùy Vân, Hoàng Hoa Thám... đã có cây đổ. Ảnh: Yêu Vũng Tàu

Nhiều tuyến đường ở TP.Vũng Tàu ngập sâu trong nước. Ảnh: Yêu Vũng Tàu

Mưa lớn gây ngập trên đường phố Vũng Tàu. Nguồn: VNE

TP.HCM có mưa nặng hạt kèm gió mạnh

Nguồn: Zing

Lúc 10h30, một số khu vực ở TP.HCM bắt đầu có mưa nặng hạt. Gió thổi mạnh gây khó khăn cho người chạy xe máy. Trời âm u khiến người điều khiển ôtô, xe máy phải bật đèn khi di chuyển.

10h20:

Tại Bà Rịa- Vũng Tàu:

Chỉ ít giờ nữa, bão số 9 sẽ đổ bộ vào đất liền. Ngay lúc này, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khá vắng xe.

9h57:

Gió giật mạnh, cây cối gãy đổ, thuyền hư hỏng

Theo Zing: Phan Thiết, Vũng Tàu đang có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho khu vực Trung Bộ với vũ lượng 200-300 mm.

Lúc 9h30 sáng nay, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết hồi 8h cùng ngày, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km.

Trong khi đó, Bình Thuận đã có những thiệt hại đầu tiên do bão số 9. Tại đảo Phú Quý có một tàu công suất 707 Cv bị hư hỏng và 1 chiếc xuồng 20 CV bị chìm. Ở Hàm Tiến cây cối gãy đổ, 15 thuyền bị hư hỏng do bị sóng đánh va vào nhau.

9h35, tại Tiền Giang:

Tại Tiền Giang, từ sáng nay đã bắt đầu có mưa kèm gió lớn.

Trong đêm 24 rạng sáng 25.11, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh đã đi thị sát và kiểm tra công tác phòng chống bão số 9. Hơn 7.000 người dân sống ven biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông) đã di dời đến nhà người quen, khách sạn, nhà nghỉ tại thị xã. Hàng trăm người dân khác không có điều kiện đã đến trú ẩn tại trạm y tế xã.

Người dân đến nơi tránh trú an toàn khi bão số 9 sắp đổ bộ. Ảnh: Báo Ấp Bắc

9h25:

Tâm bão đang cách đất liền Bà Rịa - Vũng Tàu 30km

Khu vực huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cúp điện. Ông Đặng Thanh Minh - Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc đang trực tiếp thị sát ở biển Bình Châu cho biết, nơi này đang có gió mạnh, sóng biển cao, tạo bọt trắng xóa, mịt mù.

Ông Trần Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin: Tâm bão số 9 đang cách đất liền Bà Rịa - Vũng Tàu 30km và có dấu hiệu đi chậm lại.

Theo thông tin dự báo mới nhất, tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền vào khoảng 12h mà tâm điểm là khu vực huyện Đất Đỏ và huyện Xuyên Mộc.

Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng tâm bão đi vào thành phố Vũng Tàu, nên cần theo dõi sát các bản tin dự báo thời tiết.

"Dự báo bão sẽ vào lúc 12h và kéo dài tới 15h hoặc hơn. Sau khi bão vào đất liền, hoàn lưu bão cũng rất nguy hiểm. Người dân cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để kịp thời ứng phó", ông Cường cảnh báo.

9h05:

Tại Bến Tre:

Ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho PV Dân Việt biết, trên địa bàn tỉnh có mưa nhỏ, gió không quá mạnh và cũng chưa có thiệt hại.

9h:

Mưa lũ gây ngập, cuốn trôi đường ray

Tại Ninh Thuận:

Một lãnh đạo ngành đường sắt cho biết, từ tối qua xảy ra mưa lũ gây ngập, cuốn trôi đường ray khiến giao thông bị đứt mạch.

“Mưa lũ ở Ninh Thuận gây ngập đường ray, xói mòn lớp đất chân đường ray khiến giao thông bị ảnh hưởng”, người này chia sẻ. Theo đó từ tối qua đến sáng nay, tất cả các tàu Bắc và Nam chạy đến khu vực Cà Ná, Hòa Tân bị ảnh hưởng. Ngành đường sắt đang lên phương án chuyển tải hành khách bằng đường bộ.

“Đợt này chúng tôi không biết khắc phục bao lâu vì hiện nay đường sắt qua khu vực đang bị ngập rất nặng. Trong khi đó, mưa lũ vẫn đang đổ từ trên núi xuống”, ông nói thêm.

Bà Nguyễn Thị Diệu Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho biết một số xã ở địa phương hiện đang bị ngập do hồ chứa nước Bà Râu xả lũ. "Tại các điểm ngập nặng chúng tôi bố trí lực lượng chốt trực để ứng phó khi có sự cố xảy ra. Tại các điểm ngập ở khu vực đường sắt địa phương cũng bố trí lực lượng để phối hợp với ngành đường sắt để đảm bảo an ninh trật tự", bà Tuyết thông tin.

8h40:

10 tàu nhỏ bị chìm ở Phan Thiết

Theo VNE: Bình Thuận từ đêm qua và sáng 25.11 cũng có mưa lớn. Tại khu vực Nam Bình Thuận gồm thị xã La Gi, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của tâm bão Usagi sáng nay có gió mạnh cấp 6, 7. Đường phố thị xã La Gi vắng vẻ, ít người ra đường.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Bình Thuận, đến sáng nay toàn tỉnh có 10 chiếc tàu nhỏ đang neo đậu tại cảng Phan Thiết bị chìm do sóng lớn. Tại Phú Quý, một số thuyền neo đậu tại cảng bị đứt neo, lực lượng chức năng phải đưa lực lượng buộc lại.

8h20: Vũng Tàu mưa lớn, gió giật mạnh. Các tuyến phố thưa thớt người đi lại, mưu sinh. Nhiều cửa hàng đóng cửa, chỉ một vài quán mở đón khách. Chủ tiệm bán đồ ăn sáng trên đường Phạm Hồng Thái nói rằng trời sáng sớm êm dịu, gió chưa dữ dội nên ông mở cửa đón khách. "Tôi sẽ ngưng bán khi trời chuyển xấu", ông nói. Nguồn: Zing

8h15, tại Bình Thuận: Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cho biết, thành phố Phan Thiết đang có mưa to và gió khá mạnh, sóng biển gần bờ cao khoảng 3m. Hiện, đoàn công tác vẫn đang tiếp tục kiểm tra, chưa ghi nhận thiệt hại gì.

Clip hiện trường: Bão số 9 đang cách Vũng Tàu 30 km

7h50:

Bão số 9 cách Vũng Tàu 30km, gió bắt đầu mạnh lên

Ghi nhận của PV Dân Việt tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mưa diễn ra theo từng cơn, những làn mây xám xịt trên bầu trời đang di chuyển rất nhanh theo hướng ra biển bởi gió và sức hút của xoáy bão. Trong khi đó, những ngọn cây cao vẫn đang rung lắc liên hồi.

Bãi trước biển Vũng Tàu, mưa gió ngày một lớn hơn. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

7h, tại TP.HCM:

Tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ mưa đang mỗi lúc một lớn kèm theo gió rít liên hồi. Nhiều người dân cho biết rất lo sợ khi bão đang áp sát đất liền.

Biển Cần (TP.HCM) giờ sáng nay. Ảnh: Pháp Luật TPHCM

Chính quyền địa phương cho biết, công tác di dời dân ở những vị trí xung yếu,có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn đã hoàn thành trong ngày 24/11. Hiện tất cả các điêm dân trú đều có lực lượng ứng trực để chăm lo sức khỏe, thức ăn, nước uống cho người dân.

6h30 sáng nay, huyện đảo Cần Giờ (TP.HCM) có mưa nhẹ kèm gió. Một số tiểu thương vẫn tranh thủ bày hàng ra bán. Nguồn: Zing

Theo Người Lao Động: 0h45 sáng nay, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu hứng những cơn mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 9. Trước đó khoảng 1 giờ, các con phố, bãi biển vẫn còn nhiều người qua lại nhưng một không khí căng thẳng bao trùm.

Hiện mưa đang mỗi lúc mỗi nặng hạt, gió giật liên hồi. Theo đó, người dân Vũng Tàu như căng mình hơn chờ bão dù trước đó khoảng 1 giờ đường phố vẫn còn khá nhộn nhịp, du khách qua lại vui vẻ, các khu vui chơi giải trí vẫn hoạt động.

Bây giờ, nhiều người đang cầu mong bão sẽ suy yếu dần trước khi vào đất liền.

Đường phố lúc này đã rất vắng, chỉ còn những chiếc taxi chạy trên đường. Người mua bán đang hối hả dọn hàng. Khu vực Bãi Sau và Bãi Trước, gió quật mạnh, dọc bờ biển đã gầm lên tiếng sóng cuộn đập vào bờ.

Sáng sớm nay, đường phố Vũng Tàu bắt đầu vắng tanh và mưa đang dần nặng hạt. Nguồn: Người Lao Động

Do ảnh hưởng từ bão số 9 gây mưa lớn, các tỉnh ở Nam Trung Bộ như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận,… có mưa to, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng thấp.

Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 2-3 giờ qua, một số nơi tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên có mưa to như: Cát Tiến 53,8mm; Chí Thạnh 42,8 mm; Hồ Mỹ Thuận 40,4mm. Nhiều nơi ở Khánh Hòa, Ninh Thuận cũng có mưa rất to như: Cam Thịnh Đông 71,8mm; Phước Đại 57,4 mm; Ba Ngòi 57,2mm; Ma Nới 43,4mm.

Cơ quan khí tượng nhận định những khu vực trên khả năng tiếp tục có mưa to với vũ lượng 40-70mm trong sáng nay. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng thấp của tỉnh Bình Định, Phú Yên. Trong đó, đặc biệt là huyện Phú Cát, Phù Cát, An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định; Tuy Hòa, Sơn Hòa, Sông Cầu thuộc tỉnh Phú Yên; các vùng trũng thấp khác như huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận; huyện Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, TP.Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h sáng nay (25.11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách Vũng Tàu khoảng 60km, cách Bến Tre 110km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11-12; sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16h ngày 25.11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Campuchia. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

TP.HCM: Ngày và đêm nay (25.11) có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy; nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12-13. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 5-7m, vùng gần bờ cao 2-4m.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.

Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100mm.

Từ đêm nay (25.11) đến đêm 27.11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).

Cảnh báo lũ: Từ nay đến 28.11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức báo động (BĐ) 2-BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.

Cần làm gì khi bão đổ bộ? Khi bão đổ bộ, bạn nên ở nhà, hoãn các chuyến du lịch và theo dõi thông tin trên đài phát thanh, báo chí. Nguồn: Zing

Nhóm PV

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bao-so-9-suy-yeu-thanh-ap-thap-mua-lon-o-nhieu-noi-933433.html