Bảo tàng Báo chí Việt Nam trưng bày, tiếp nhận hình ảnh, hiện vật của nhà báo Wilfred Burchett

Chiều 16-5, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức trưng bày chuyên đề 'Nhà báo Wilfred Burchett, ấn tượng Hồ Chí Minh và câu chuyện nhà báo chiến trường' và tiếp nhận hiện vật tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Nhà báo Wilfred Burchett (sinh ngày 16-9-1911 tại Melbourne, Australia; mất ngày 27-9-1983 tại Sofia, Bulgaria), là một trong những tên tuổi lớn của làng báo trong thế kỷ 20. Từ thập niên 40, với tư cách phóng viên của tờ London Daily Express, ông đã đến Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ và khu vực Thái Bình Dương để có được những bài tường thuật, phân tích kịp thời về Chiến tranh thế giới thứ hai.

 Nhà báo Wilfred Burchett phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1964. Ảnh chụp lại.

Nhà báo Wilfred Burchett phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1964. Ảnh chụp lại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp nhà báo Wilfred Burchett và phu nhân tháng 5-1966. Ảnh chụp lại.

Nhà báo Wilfred Burchett phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 5-1966. Ảnh chụp lại.

Nhà báo Wilfred Burchett tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng cuốn sách "Đường tới tự do"" năm 1979. Ảnh chụp lại.

43 tuổi, nhà báo Wilfred Burchett đến Việt Nam và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc ngay trước trận Ðiện Biên Phủ và đã kịp thời đưa tin về thất bại của quân đội Pháp ở Việt Nam. Từ đó, trong suốt ba thập kỷ liền, dấu chân ông đã in trên nhiều vùng đất Việt Nam, suốt từ Bắc chí Nam.

Giữa thập kỷ 60, Burchett áo vải, khăn rằn, đạp xe trong rừng với cán bộ, chiến sĩ ta tại khu căn cứ miền Nam. Các bài báo, sách và phim của ông về Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn đến dư luận thế giới, góp phần làm dấy lên phong trào đấu tranh phản đối cuộc chiến phi nghĩa này.

Wilfred Burchett đã dũng cảm “nhảy vào lửa” như nhà báo Thép Mới đã từng nhận xét bởi từng trang viết của ông đều nhằm phản ánh sự thật về các cuộc chiến mà ông trực tiếp chứng kiến, cho dù điều này đi ngược lại quan điểm chính trị của phương Tây và cả chính phủ đất nước ông. Ông là người bạn trung thành của nhân dân Việt Nam, luôn ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, cho tới khi qua đời vào năm 1983. Ông đã gửi nhiều lá thư bày tỏ thái độ đối với sự thật cuộc chiến tranh Việt Nam tới các tổ chức, cá nhân nổi tiếng trên thế giới trong đó có Hội nhà báo quốc tế.

Nhà báo Hồ Quang Lợi tặng hoa họa sĩ George Burchett.

Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam tiếp nhận hiện vật từ gia đình nhà báo Wilfred Burchett .

Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam trao bằng chứng nhận của Hội Nhà báo Việt Nam cho gia đình nhà báo Wilfred Burchett .

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Trưng bày chuyên đề về nhà báo Wilfred Burchett do Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện một lần nữa kể với chúng ta câu chuyện một người bạn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đặc biệt là câu chuyện một nhà báo chiến trường đến từ phương Tây với lòng quả cảm, tài năng đã thực sự trở thành bất tử trong lòng nhân dân và các thế hệ nhà báo Việt Nam với những trang viết, tấm hình, thước phim gắn liền với lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Ban tổ chức đã lựa chọn gần 40 bức ảnh trong số hơn 200 file ảnh do gia đình nhà báo Wilfred Burchett cung cấp, trong đó có nhiều bức lần đầu tiên được công bố cùng nhiều tư liệu, bút tích gắn liền với những năm tháng hoạt động báo chí tại Việt Nam của Wilfred Burchett với tư cách một nhà báo chiến trường xông xáo, quả cảm và rất mực gần gũi, thân thiết với các cán bộ, chiến sĩ, đồng nghiệp làm báo Việt Nam.

Tại buổi lễ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng tiếp nhận nhiều hiện vật của các tổ chức, và cá nhân trao tặng. Con trai nhà báo Wilfred Burchett là họa sĩ George Burchett đại diện gia đình đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 3 cuốn sách quý đã xuất bản của nhà báo Wilfred Burchett về đề tài Việt Nam (Cuộc kháng chiến thứ hai của Việt Nam năm 1965, Việt Nam chiến thắng xuất bản năm 1970 và Đường tới tự do xuất bản năm 1978) và 1 tập bản thảo ghi lại những chuyến đi của Wilfred Burchett ở vùng giải phóng miền Nam Việt Nam từ năm 1963-1966 cùng với hơn 200 file ảnh của nhà báo Wilfred Burchett và một số tư liệu khác trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và sau khi Việt Nam thống nhất từ năm 1954-1983.

Nhà báo Trần Bá Lạn hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam một số bản thảo, bài giảng của cố nhà báo Quang Đạm, Hồng Chương từ năm 1977 đến năm 1989 và 10 cuốn sách: “Tâm tình từ con số 7”, NXB Văn hóa - Văn nghệ, năm 2017 của nhà báo Trần Bá Lạn.

Nhà báo Trần Mai Hưởng đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 và sách: "Năm tháng xa anh" của Nhà báo Trần Mai Hưởng, NXB Thông tấn xuất bản năm 2013.

Nhà báo Ngô Thảo hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 15 cuốn sách quý, được xuất bản trong kháng chiến chống Pháp của một số tác giả, tiêu biểu như: Tài liệu “Đại đội Kim Sơn” trên chiến trường Tây Bắc của NXB Vệ Quốc Quân, năm 1949; Kể chuyện Ninh Bình giết giặc”: của Lê Văn Nữa; Truyện ngắn: “Chính phủ Tạm vay” của Tô Hoài, NXB Văn Nghệ, năm 1951; Tập truyện ngắn: “Chuyện biên giới” năm 1954… và 1 cuốn sách “Thư chiến trường” của chính tác giả Ngô Thảo dịch, năm 2014).

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bao-tang-bao-chi-viet-nam-trung-bay-tiep-nhan-hinh-anh-hien-vat-cua-nha-bao-wilfred-burchett-574250