Bảo tàng Phú Xuyên – Nơi lưu giữ nỗi đau và bất khuất

Không chỉ giữ vai trò nhạc trưởng, mà còn hiến tặng đất đai ông Lâm Văn Bảng, người cựu tù Phú Quốc đã khởi xướng tổ chức nhóm lửa, lập lên bảo tàng Phú Xuyên ngay trên đất nhà mình.

Giờ đây bảo tàng chiến sỹ cách mạng (CSCM) bị địch bắt tù đày nằm ở thôn Nam Quất, xã Nam triều, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội đã có thương hiệu, trở thành một phần máu thịt của các cựu tù Phú Quốc phía Bắc, và là một địa chỉ đỏ gắn với mảnh đất Phú Xuyên giàu truyền thống cách mạng.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt các bạn tù hằng năm tại bảo tàng Phú Xuyên.

Nhớ lại thời kì 1985-1990, khi cơ ngơi vừa thành hình hài, trên một số báo Trung ương có viết về “phòng truyền thống tư nhân” của ông Lâm Văn Bảng, người cựu tù Phú Quốc khởi xướng tổ chức nhóm lửa, lập lên bảo tàng ngay trên đất nhà mình.

Đây cũng là thời khắc cao điểm của xã hội đang nhìn nhận các CSCM bị địch bắt tù đày thời chống Mỹ ở phía Bắc gặp rất nhiều khó khăn, do cách nhìn méo mó xô lệch, nhiều đồng chí đang công tác bị “săm soi” được tổ chức gọi lên, gợi ý “ưu tiên” cho nghỉ hưu, nghỉ mất sức trước tuổi, làm cho anh em không khỏi chạnh lòng, bởi không chỉ làm cho anh em bị khốn khó về miếng cơm manh áo mà nỗi đau tinh thần cũng âm ỉ nhân lên.

Cảm giác bị “cầm tù” trong hòa bình đã len lỏi vào không ít những người từng một thời trai trẻ đã dốc lòng theo cách mạng, tôi rèn thành các pháo đài thép trong địa ngục trần gian Phú Quốc của quân thù, nay lại bị “ cất vó” làm cho trắng đen lẫn lộn vàng thau, nhiều đồng chí khi qua đời chế độ trắng tay, còn bao điều trăn trở không nói được ra lời.

Phải tới năm 2009, sau vài lần lắng nghe tiếng nói của anh Tư Sang và các cựu tù, Ban bí thư Trung ương Đảng cho tổ chức hội thảo thì sự thật nỗi đau và bất khuất của những con người còn hơn cả thép gang này mới được lộ sáng ra. Ngày 27/4/2012, tin vui báo điềm lành truyền đi trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, Nhà nước quyết định tặng danh hiệu anh hùng LLVTND cho các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang “ vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc” thì anh em mới được thở phào nhẹ nhõm.

Sự kiện này cũng đã lấy đi nhiều giọt nước mắt mặn mòi của những mái đầu muối tiêu, bởi những năm tháng tuổi trẻ hàng vạn chiến sỹ yêu nước bị chôn vùi, đày đọa nơi địa ngục trần gian Phú Quốc, nơi dễ đến, khó về này. Nay tin vui tới mà lòng như “Khô mộc phùng xuân”, lại rạng ngời niềm vui mãn nguyện, để thanh thản sống nốt phần đời còn lại. Và luồng gió mát ấy cũng thổi vào bảo tàng CSCM bị địch bắt tù đày Phú Xuyên thêm một “ hạng sao” mới.

Theo các bạn tù thạo tin và báo chí đã viết, từ năm 1985 -1995 là thời kì nhóm Đảng viên Lâm Văn Bảng là các cựu tù Phú Quốc phía Bắc đã manh nha ý tưởng sáng lập ra, sau 10 năm được các bạn tù hưởng ứng, cơ ngơi có hồn cốt. Từ năm 1995 – 2006 các anh Ba Cao (Long An), Chu Hữu Ngọc, Nguyễn Trọng Dư (Hà Nội) , Út Long, Sáu Hiền (TP Hồ Chí Minh) đã bay từ nam ra bắc nhập cuộc cùng nhóm anh Lâm Văn Bảng quyết tâm đẩy nhịp độ phòng truyền thống nên bảo tàng. Với sự cố gắng của những cái đầu tâm huyết, cháy bỏng không mệt mỏi.

Năm 2006, phòng truyền thống này đã được nâng cấp, đổi thành Bảo tàng CSCM bị địch bắt tù đày Phú Xuyên. Đây là một bảo tàng tư nhân nói về tù đày, do những người tù cách mạng lập ra độc nhất vô nhị trên thế giới. Với các con số kì tích biết nói rất đáng nể gồm 4000 kỉ vật, hiện vật, tài liệu quý, 13.800 tờ thông tin nói về bảo tàng, 1.000 tập thơ nói về người cựu tù chiến thắng, 2.000 cuốn sách viết tri ân và nói về nơi giữ lửa. Tổng kết sau 10 năm nâng cấp thành Bảo tàng đã thu hút 26.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, 967.000 người xem trực tuyến qua trang mạng của bảo tàng...

Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà văn, nhà báo trong nước tìm về khai thác viết bài, làm cho bảo tàng thành một điểm tựa, điểm sáng để các nhà hảo tâm ký gửi niềm tin, trao đồng tiền, bát gạo nhờ các CSCM tù đày chuyển tới đồng đội nghèo, các chiến sỹ nơi biên cương hải đảo Trường Sa thân yêu, với số tiền lên tới cả tỷ đồng, trong đó có nửa tỷ xây nhà tình thương, tình nghĩa. Nhờ việc làm ý nghĩa cho đời, bảo tàng đã thu hút được một đội quân kế thừa hùng hậu, tình nguyện tham gia phục vụ theo nguyên tắc 4 tự : “ tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm”, gồm 15 cán bộ nhân viên, 25 tình nguyện viên thường trực tiếp khách.

Đã có nhiều lượt đoàn đại biểu công an, tập thể quân đội, CCB, nhà trường tới giao lưu “tiếp lửa truyền thống” và đón tiếp các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an, các bộ ngành tới thăm, đã để lại trong lòng các đại biểu một ấn tượng sâu sắc về cách nhìn khách quan hơn, thật không hổ thẹn cho mỗi CSCM bị địch bắt tù đày chúng ta.

Với sự cố gắng không mệt mỏi để giữ lửa cho các bạn tù, của các nhóm anh em tham gia xây dựng bảo tàng qua nhiều thời kỳ, công đầu tiên anh em bạn tù đánh giá phải kể đến cựu tù Lâm Văn Bảng, ông không chỉ giữ vai trò nhạc trưởng, mà còn hiến tặng đất đai để bảo tàng có địa điểm cắm bền gốc sâu rễ trong lòng bạn tù và nhân dân.

Để chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người bạn tù thủy chung khi còn tại vị , hàng năm vẫn tìm về đây tổ chức gặp mặt anh em từng sống chết bên nhau thời trẻ trai 18, đôi mươi xuân đời, giữa bầy sói dữ nơi địa ngục trần gian Phú Quốc, với các đòn thù kinh hoàng từ đục răng, móc mắt, luộc người trong chảo nước sôi, đóng đinh vào thân thể, nướng người trên lửa, thủ tiêu, chôn sống hàng loạt anh em, đẩy người tù đến bờ vực của tử thần. Phần lớn anh em còn sống sót đều mang thương tật, di chứng suốt đời.

Mỗi lần gặp nhau, anh Tư Sang không quên chuyện cũ, lại bùi ngùi thao thiết hâm nóng các câu chuyện xưa đầy cảm động, không có giới hạn ngăn cách “vua tôi”. Anh Tư đã cởi lòng nói “ thôi thì cái nghiệp tù đã vận vào chúng mình rồi, giờ có muốn rũ ra cũng không được, còn ai nghĩ và đối xử với mình thế nào thì lịch sử sẽ đối xử với họ như thế”.

Chúng tôi hiểu anh Tư thương các bạn tù lắm, anh đã làm hết sức mình cho anh em để được bù đắp cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng vẫn chưa thành hiện thực, nên anh chưa thể yên lòng được. Anh em bạn tù nói với tôi “Công anh Tư với các cựu tù cách mạng lớn lắm, chưa bao giờ nguội lạnh với anh em, công anh Bảng cũng một mười, một chín. Vì không có anh Bảng thì không có ngọn lửa thánh thiện và sân chơi, chỗ nói này đâu”.

Tôi chợt nhận ra một điều mới lạ cũng rất công bằng thánh thiện: “Tại sao Ban liên lạc CSCM bị địch bắt tù đày phía Bắc và toàn quốc lại không đề nghị Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho ông Lâm Văn Bảng nhỉ?”.

Khi mà trên ngực ông Bảng đã ánh lên những chiến công ,danh hiệu mới, là người được mời đại diện cho các bạn tù yêu nướcđi dự lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, là công dân ưu tú của Thủ đô năm 2014, được Nhà nước tặng huân chương lao động hạng 3, thành tích của ông cũng là thành tích của tất cả các bạn tù yêu nước chúng ta. Nó chính là nốt nhạc son trong bản hòa âm phức điệu, để lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập bảo tàng CSCM bị địch bắt tù đày Phú Xuyên (11/06/2006 - 16/11/ 2016) mãi vang vọng cùng thời gian, thời đại.

Nhà văn Nguyễn Nam Đông/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/bao-tang-phu-xuyen-%e2%80%93-noi-luu-giu-noi-dau-va-bat-khuat-p42292.html