'Bảo tàng sống' của đô thị nghìn năm tuổi

Phố cổ Hà Nội mang nhiều giá trị văn hóa. Nhưng giải pháp nào để bảo tồn di sản văn hóa phố cổ Hà Nội? Câu hỏi này day dứt biết bao năm qua.

Kiến trúc phố cổ Hà Nội:

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những giá trị còn lại của phố cổ Hà Nội hiện nay là vô giá

Phát huy giá trị của di sản

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong khu phố cổ luôn được chú trọng, thông qua việc khôi phục các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, lễ hội truyền thống. Việc nghiên cứu, trình diễn nghề thủ công truyền thống được tổ chức tại các điểm di tích thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia…

Các hoạt động bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống, nghiên cứu, trình diễn nghề thủ công truyền thống được tổ chức tại các điểm di tích do Ban quản lý Phố Cổ quản lý đã thu hút được người dân và du khách quan tâm.

Theo GS, TS, KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam, không thể phủ nhận thành công của các dự án bảo tồn, tôn tạo và chỉnh trang khu Phố Cổ Hà Nội. Đó là kết quả hợp tác hiệu quả giữa chính quyền với cam kết chính trị mang tính chỉ đạo, dẫn dắt, nhà đầu tư với ý thức đóng góp xã hội bên cạnh mục tiêu lợi nhuận vừa phải và người dân với sự tham gia trực tiếp của mình vì lợi ích của cộng đồng.

“Nhiều di tích và không gian đô thị trong khu Phố cổ Hà Nội, sau khi tu bổ, tôn tạo đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu nghệ thuật, tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm giới thiệu nghề truyền thống gắn với phố nghề, làng nghề, góp phần phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội” - GS, TS, KTS Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh

Đề cập yếu tố bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khu phố cổ, PGS, TS Phạm Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng cho rằng, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời đại 4.0 sẽ có những thay đổi lớn so giai đoạn trước. Với sự hỗ trợ của công nghệ, cách thức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị sẽ có những cách làm mới hiệu quả, chính xác hơn và đặc biệt việc phát huy giá trị của di sản sẽ có nhiều cách tiếp cận mới hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nhiều hàng phố đặc trưng của phố cổ đang dần đánh mất bản sắc và khó quản lý. Hà Nội xưa từng có tới hàng chục phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”, mà tên phố gắn liền với những mặt hàng thủ công được các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh ngay tại chỗ. Ngày nay, các phố vẫn còn tên, nhưng dần mất đi đặc trưng bán riêng một loại hàng hóa, thay vào đó là các khách sạn, cửa hàng đồ lưu niệm na ná nhau trên mọi con phố. Điều này khiến khu phố cổ thay đổi mạnh mẽ.

Vì vậy, để cộng đồng cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ, theo Phó GS, TS Lương Tú Quyên, ĐH Kiến trúc Hà Nội, một trong những khó khăn thách thức lớn nhất của bảo tồn khu Phố cổ Hà Nội hiện nay là việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của xã hội.

Giữa bảo tồn các giá trị truyền thống với lợi nhuận kinh tế, yêu cầu tiện nghi của cuộc sống hiện đại là những mâu thuẫn khó có thể dung hòa qua các thời kỳ. Điều này có thể kể đến do nằm ở vị trí “đất vàng” tại khu vực trung tâm thành phố nên sức ép, sự quá tải về hạ tầng của quá trình đô thị hóa lên khu Phố cổ cao hơn bất cứ nơi nào.

Sự biến đổi nhanh chóng và đáng lo ngại của các công trình di tích trên các tuyến phố trung tâm sẽ ngày càng khó kiểm soát. Không gian kiến trúc cảnh quan các tuyến phố bị phá vỡ về tỷ lệ, đứt đoạn không liên tục, hình thái kiến trúc đặc trưng dần bị mai một là những thách thức lớn đối với của khu Phố cổ. Bên cạnh đó vẫn còn không ít công trình bị rơi vào quên lãng, không được để ý, chăm sóc suốt vài thập niên qua.

Đặc biệt, khu Phố cổ Hà Nội cũng phải đối diện với các vấn đề khác của một đô thị lớn trong thời đại hiện nay Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự quá tải, xuống cấp của hạ tầng đô thị. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục tìm kiếm cách tiếp cận phù hợp từ đó xây dựng các cơ chế phối hợp hành động hiệu quả.

Nhằm góp phần mang đến lợi ích hơn nữa cho khu Phố Cổ, KTS Nguyễn Quốc Thông cũng lưu ý cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, những chủ nhân của khu phố hiểu rõ về giá trị và trách nhiệm của chính mình trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu Phố cổ Hà Nội thích ứng với đời sống đương đại mà vẫn thể hiện được bản sắc truyền thống.

“Di sản khu Phố cổ Hà Nội” có một tiềm năng to lớn cho các hoạt động du lịch khai thác, phát triển nhanh và bền vững, điều này đã và đang được chính quyền, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch triển khai các hoạt động khai thác cho phát triển kinh tế, xã hội. Để phát huy hơn nữa thế mạnh này, cần tiếp tục huy động sự đồng thuận của cộng đồng nhân dân với các chính sách, kế hoạch đúng đắn phù hợp, từ đó góp phần xây dựng khu phố Cổ là “điểm đến, điểm hẹn, điểm nhấn” của du lịch Thủ đô.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, Thủ đô Hà Nội sẽ được phát triển trên nguyên tắc xuyên suốt là hài hòa, cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển, với các giải pháp quy hoạch theo định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử vốn có, đưa di sản trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập sức hấp dẫn cho Thủ đô.

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bao-tang-song-cua-do-thi-nghin-nam-tuoi-319776.html