Bảo tàng Thế giới cà phê đầu tiên Việt Nam hút khách với lối kiến trúc độc đáo

Ngày 23/11 vừa qua, Trung Nguyên Legend chính thức mở cửa đón khách tham quan Bảo tàng Thế giới Cà phê trong khuôn viên Dự án Thành phố Cà phê rộng hơn 45ha tại đường Nguyễn Đình Chiểu – phường Tân Lợi – TP Buôn Ma Thuột.

Quang cảnh bên ngoài Bảo tàng Thế giới cà phê đầu tiên tại Việt Nam

Các vị lãnh đạo có mặt tại buổi lễ khai trương Bảo tàng Thế giới Cà phê hôm 23/11

Bảo tàng Thế giới Cà phê không chỉ là điểm đến của cộng đồng yêu và đam mê cà phê trên toàn thế giới mà còn định vị lại giá trị của ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới, góp phần đưa ngành cà phê Việt Nam đạt được con số xuất khẩu cà phê 20 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê toàn cầu.

Là người đã đồng hành và luôn ủng hộ Dự án Thủ phủ Cà phê Toàn cầu từ những ngày đầu tiên, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển đã gửi thư chúc mừng Bảo tàng Thế giới Cà phê. Bà viết: “Mười năm trước, tôi và các đồng chí Lãnh đạo Quỹ Hòa Bình đã có mặt ở thung lũng xanh này và đã cùng anh Vũ khởi đầu ý tưởng xây dựng Buôn Ma Thuột là thủ phủ Cà phê. Ngày này, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk là điểm đến đầy ấn tượng bởi hương sắc cà phê mà sự đóng góp của Trung Nguyên là vô cùng ý nghĩa. Mười năm qua, Trung Nguyên đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách đế phát triển và đã có nhiều thành công, sự cố gắng đó rất đáng biểu dương khen ngợi. Tôi thật sự vui mừng khi biết hôm nay Trung Nguyên khánh thành Bảo tàng Thế giới Cà phê."

Bà Nguyễn Thị Bình hy vọng Bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ nhưng cũng là nơi đúc kết những gì đã làm được để có những bài học kinh nghiệm quí báu cho sự phát triển sắp tới. "Khoa học ngày nay đã minh chứng rằng Bảo tàng có ý nghĩa đóng góp to lớn nhất khi kết hợp được bảo tàng tĩnh và bảo tàng động. Tôi chúc Bảo tàng Thế giới Cà phê Trung Nguyên sẽ hòa quyện hôm qua, hôm nay và ngày mai vì sự nghiệp phát triển cà phê Việt Nam mà điểm nhấn là cà phê Trung Nguyên.”

Khu trưng bày hiện vật

Trên thế giới, có rất nhiều bảo tàng cà phê được thành lập ở các quốc gia như Brazil, Colombia, Ethiopia, Đức, Anh, Nhật Bản… nhưng Bảo tàng Cà phê thế giới ở Việt Nam là bảo tàng sống lớn nhất, độc đáo nhất, đặc sắc nhất và là một phần trong tổng thể của “Thủ phủ Cà phê Toàn cầu” đang được nỗ lực hiện thực hóa tại Buôn Ma Thuột.

Được biết, năm 1927, Erich Burg-cha của Jens Burg thành lập xưởng cà phê đầu tiên trên đường Eppendorfor, Hamburg (Đức) có tên gọi là Burg's Kaffee Rosterei. Năm 2007, Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã ghé thăm bảo tàng Jens Burg và trong suốt 3 năm tiếp theo, ông nung nấu quyết tâm đưa được hiện vật Bảo tàng Jens Burg về Việt Nam. Tâm huyết của ông Lê Nguyên Vũ đã khiến Jens Burg tin tưởng ông gặp đúng người “sống vì cà phê” kế tục bảo tàng. Tháng 9/2010, hơn 10.000 hiện vật bảo tàng cà phê của Jens Burg đã về đến Việt Nam và được đưa về làng cà phê Trung Nguyên ở Buôn Ma Thuột – thủ phủ cà phê.

Khu phục vụ khách du lịch

Bảo tàng Thế giới Cà phê là sự kết hợp giữa cảm hứng bản địa và triết lý kiến trúc của Trung Nguyên – thiết kế tối ưu các cấu phần của sự sống được định hình trên nền tảng xây dựng hướng đến là bảo tàng di sản văn hóa cà phê toàn cầu, điểm khác biệt và đặc sắc của bảo tàng chính là một bảo tàng sống về văn hóa cà phê toàn cầu và một bảo tàng ảo giới thiệu hình ảnh hiện vật liên quan đến cà phê của thế giới.

Trong nhiều năm làm việc với các chuyên gia bảo tàng quốc tế và Việt Nam, tất cả đều thống nhất mô hình bảo tàng cà phê thế giới phải là một mô hình bảo tàng chưa có trong tiền lệ trên thế giới; mang tính thời đại và kết hợp hài hòa với tính bản địa đặc sắc, đủ sức quyến rũ với thế giới; mang tính độc đáo của yếu tố Phương Đông. Biết bao nhiêu ý tưởng được hình thành, bao nhiêu bản vẽ đã ra đời để rồi một Bảo tàng Thế giới Cà phê đã thành hình với kiến trúc nương theo không gian quen thuộc đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên linh thiêng: Nhà dài. Đây là nơi ở chung của cả dòng họ, thường xuyên được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng gia thất.

Thiết kế của Bảo tàng Thế giới Cà phê là những ngôi nhà rông cao lớn và đẹp đẽ, toàn thân như một nét nhạc, như một tiếng chim vút lên giữa rừng, chỉ chực bay lên, uy nghi mà nhẹ nhõm, trang nghiêm mà thân tình.

Ông Nguyễn Hải Ninh – Phó Chủ tịch Thường trực Tỉnh Đắk Lắk

Đến dự Lễ khai trương, ông Nguyễn Hải Ninh – Phó Chủ tịch Thường trực Tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Sự kiện Khai trương Bảo tàng Thế giới Cà phê có thể được coi là một hoạt động mở màn cho Lễ hội Cà phê 2019. Bảo tàng Thế giới Cà phê là một công trình kiến trúc rất đặc biệt, khác biệt với cách sắp đặt trưng bày hiện vật mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Ede tại Buôn Ma Thuột. Nếu như mục tiêu của Tập đoàn Trung Nguyên Legend là đưa Việt Nam trở thành Thủ phủ Cà phê Toàn cầu thì mục tiêu của tỉnh Đắk Lắk là từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Chính vì lý do đó, tôi rất mong tỉnh Đắk Lắk sẽ đồng hành cùng Tập đoàn Trung Nguyên Legend cùng thực hiện mục tiêu chung: đưa Buôn Ma Thuột trở thành Thủ phủ Cà phê Toàn cầu – là điểm đến của những người yêu và đam mê cà phê trên toàn thế giới.

Hiện nay, giá trị ngành cà phê toàn cầu đạt hơn 100 tỷ USD, riêng xuất khẩu đạt 20 tỷ USD. Việt Nam tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới, sau Brazil nhưng kim ngạch xuất khẩu ước tính mỗi năm, chỉ mang về xấp xỉ 4 tỷ USD – chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam do chỉ xuất khẩu thô cà phê chưa qua chế biến. Các loại khác bao gồm cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu giữ mức thấp, tổng tỷ trọng 2 loại này chỉ ở mức trên dưới 5%. Tháng 10 năm 2018, Bộ NN&PTNT đề xuất 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia trong đó cà phê xếp thứ 2 chỉ sau lúa gạo. Những năm trở lại đây, cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu ngày càng tăng lên do Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến xuất khẩu loại cà phê chế biến trong đó phải kể đến sự đóng góp đáng kể của Trung Nguyên Legend – tập đoàn cà phê số 1 Việt Nam.

PV

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/du-lich/bao-tang-the-gioi-ca-phe-dau-tien-viet-nam-hut-khach-voi-loi-kien-truc-doc-dao-132748.html