Báo Thổ chỉ mục đích Nga đưa Su-57 đến Syria

Theo Yeni Safak, việc Nga hoàn thiện khả năng chiến đấu của Su-57 tại Syria là không thể phủ nhận nhưng đó không phải là tất cả.

Hoàn thiện Su-57

Tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Syria là môi trường thử nghiệm thực tế không thể tuyệt vời hơn đối với tiêm kích Su-57 cũng như các loại vũ khí khác.

Thông qua việc thử nghiệm này Nga sẽ hoàn thiện được khả năng chiến đấu của chúng cũng như quảng cáo sản phẩm mới của họ.

Tiêm kích Su-57 huấn luyện tại Syria.

Tuy nhiên, chuyên gia của Yeni Safak cũng nhấn mạnh rằng, đưa tiêm kích thế hệ thứ năm tới Syria chưa chắc đã là một quyết định khôn ngoan.

"Việc Kremlin đưa Su-57 tới Syria sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình bởi vì các phi công của Nga hiện nay chưa có kinh nghiệm thực tế đối với loại tiêm kích này. Hơn nữa sẽ rất không may nếu chúng gặp tai nạn ở chiến trường này", chuyên gia của Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Quyết định đưa Su-57 tới Syria là quyết định mạo hiểm, vì Su-57 là một máy bay thế hệ mới và đang trong quá trình hoàn thiện nên việc chúng sẽ xuất hiện trên hệ thống radar như thế nào cũng như khả năng chiến đấu thực tế và mức độ nguy hiểm ra sao đều là một ẩn số.

Mặc dù vậy, tờ báo này vẫn tin rằng, các mối đe dọa đối với Nga sẽ được Su-57 giải quyết. Bởi chúng sẽ mang theo tất cả các loại vũ khí tối tân nhất của Nga tới Syria và thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực tế.

Tìm kiếm khách hàng

Dù hoàn thiện khả năng của Su-57 trong môi trường thực chiến được cho là mục đích của Nga khi đưa chiến đấu cơ này đến Syria tuy nhiên theo Yeni Safak, có vẻ khôi hài khi dấn thân vào một cuộc chiến chỉ để có dịp huấn luyện, thử nghiệm nhưng đối với nước Nga, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Putin, điều này lại trở nên dễ hiểu.

Nga hiện nằm trong số 10 quốc gia quân sự hóa hàng đầu thế giới. Moscow cũng là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, với 27% thị phần toàn cầu. Năm 2017, Nga đã xuất khẩu một lượng vũ khí trị giá 15,7 tỷ USD, chiếm 5% sản lượng xuất khẩu các sản phẩm phi hàng hóa và 2,6% sản lượng xuất khẩu chung.

Các tên lửa Kalibr-NK phóng từ biển Caspian vào Syria có thể không được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu trước đó, bởi hiệp ước quốc tế chỉ cho phép Nga xuất khẩu phiên bản có tầm bắn ngắn hơn, khoảng 300km, như loại Nga bán cho Ấn Độ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, 26 tên lửa bắn vào các mục tiêu tại Syria lại có tầm bắn dài, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 2.000km hoặc hơn. Mặc dù Nga phủ nhận và Iran từ chối xác nhận 4 trong 26 quả tên lửa này rơi xuống Tehran nhưng nếu đúng 4 quả tên lửa bị rơi thì điều đó cũng không có gì bất thường đối với một loại vũ khí được thực chiến lần đầu tiên.

Tương tự, ngay cả khi đã xuất khẩu các máy bay chiến đấu Su-30 sang hàng chục quốc gia nhưng Nga vẫn chưa từng triển khai chúng trong thực chiến. Vì vậy, chiến dịch tại Syria chính là một cơ hội để thử nghiệm 4 chiến đấu cơ loại này.

Các máy bay ném bom tiên tiến Su-34 từng được sử dụng một cách hạn chế trong chiến dịch Gruzia nhưng phải tới Syria, chúng mới lần đầu tiên được thử nghiệm rộng rãi trong một cuộc chiến thực sự. Nga hiện đã điều 6 máy bay loại này tới Syria.

Một lợi ích của "các bài tập thực tế" là Nga có thể làm hình ảnh, tạo ra những video ấn tượng để quảng bá sản phẩm quốc phòng của mình.

Trong bối cảnh hiện nay, Nga đang đạt được những lợi ích này mà không gặp phải bất cứ rủi ro nào thì Su-57 lại tiếp tục xuất hiện. Và cũng như trường hợp của Su-30 và Su-34, tìm kiếm khách hàng từ việc thực chiến tại Syria được cho là mục đích lớn nhất của Nga.

Bởi hiện nay tiêm kích tàng hình này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều khách hàng nước ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng mua Su-57 nếu thương vụ F-35 với Mỹ không thuận buồm xuôi gió.

Trong khi đó, Ấn Độ không chỉ hợp tác với Nga phát triển phiên bản nội địa của Su-57 mà 2 quốc gia này còn đang có kế hoạch xuất khẩu tiêm kích Su-57 đến Brazil và một số khách hàng bí ẩn tại Đông Nam Á.

Clip Su-57 huấn luyện tại Syria

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/bao-tho-chi-muc-dich-nga-dua-su-57-den-syria-3369547/