Bảo tồn bền vững di sản văn hóa Cố đô Huế không thể tách rời bảo tồn cảnh quan thiên nhiên gắn liền với dòng Hương

Đó là khẳng định của TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tại Hội thảo quốc tế với chủ đề 'Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương'.

Ngày 20/3/2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì và phối hợp với Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng, Đại học Waseda, Nhật Bản tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương” tại Khách sạn Sài Gòn Morin, thành phố Huế.

Hội thảo nhằm báo cáo và đánh giá kết quả chương trình hợp tác nghiên cứu về cảnh quan văn hóa và môi trường sinh thái lịch sử tại các lăng mộ Hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với lưu vực thượng nguồn sông Hương, giai đoạn 2014-2018 gồm: lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức, đặc biệt là khu vực lăng Gia Long và vùng phụ cận.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Văn Phúc.

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định “Cảnh quan thiên nhiên luôn được xem là thành tố quan trọng trong cơ cấu không gian kiến trúc nói chung và trong không gian một di sản vật thể nói riêng. Đối với Quần thể di tích Cố đô Huế – khu di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam, thì yếu tố cảnh quan thiên nhiên lại càng có ý nghĩa quan trọng.”

Thông qua các tham luận như “Bảo vệ cảnh quan hai bên bờ sông Hương gắn liền với hệ thống di tích thời Nguyễn” của TS Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, “Vai trò của cảnh quan sinh thái đôi bờ sông Hương- đô thị sinh thái thành phố di sản Cố đô Huế” của GS Đặng Văn Bài… cùng các tham luận của các chuyên gia Nhật Bản như GS-TS Satoh Shigeru- Viện nghiên cứu Đô thị và Vùng; GS Hirai Yukihiro- Đại học Komazawa, ông Furukawa Naoaki- Đại học Tokyo Metropolitan, các nhà khoa học đã chia sẻ kết quả nghiên cứu của hai bên về những giá trị, đặc điểm, vai trò và tiềm năng của cảnh quan văn hóa và môi trường lịch sử - sinh thái tại khu vực lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương, đặc biệt là những quan điểm về bảo vệ vụng đêm cảnh quan văn hóa nhằm bảo vệ tính toàn vẹn, duy trì và phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử tại các di tích này.

Kết quả của hội thảo sẽ được xem xét bổ sung vào hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới, một bước tiến nhằm bảo vệ toàn diện hơn các giá trị của di sản vắn hóa Huế.

GL |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/b%E1%BA%A3o%20t%E1%BB%93n%20b%E1%BB%81n%20v%E1%BB%AFng%20di%20s%E1%BA%A3n%20v%C4%83n%20h%C3%B3a%20c%E1%BB%91%20%C4%91%C3%B4%20hu%E1%BA%BF%20kh%C3%B4ng%20th%E1%BB%83%20t%C3%A1ch%20r%E1%BB%9Di%20b%E1%BA%A3o%20t%E1%BB%93n%20c%E1%BA%A3n