Bảo tồn di chỉ khảo cổ trước nguy cơ xóa sổ

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức) là một trong những di chỉ quan trọng nhất về cuộc sống người Việt cổ. Song, toàn bộ di chỉ lại đang nằm trong phần đất để xây khu đô thị. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang đề xuất với thành phố tìm biện pháp bảo tồn di chỉ khảo cổ này.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức) là một trong những di chỉ quan trọng nhất về cuộc sống người Việt cổ. Song, toàn bộ di chỉ lại đang nằm trong phần đất để xây khu đô thị. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang đề xuất với thành phố tìm biện pháp bảo tồn di chỉ khảo cổ này.

Tên Vườn Chuối từ lâu đã quen thuộc và hết sức quan trọng đối với giới khảo cổ học nói riêng, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa cổ nói chung. Năm 1969, mặc dù đất nước trong thời kỳ chiến tranh, nhưng Nhà nước vẫn cho tiến hành một đợt nghiên cứu khảo cổ đầu tiên tại đây. Những phát hiện ban đầu cho thấy, nơi đây từng là địa bàn cư trú quan trọng của người Việt cổ. Lòng đất khu Vườn Chuối chứa đựng nhiều bí ẩn lịch sử. Bởi vậy, từ đó đến nay, đã có tám cuộc khai quật khảo cổ. Ðợt khai quật khảo cổ gần đây nhất là năm 2014.

Những kết quả khai quật cho thấy, khu vực Vườn Chuối là một phức hợp, gồm nhiều di chỉ khảo cổ, trên diện tích rộng 19.000 m2. Theo các nhà khoa học, phức hợp di chỉ này phản ánh quá trình sinh sống, phát triển của cư dân Việt cổ. Tại đây có ba tầng văn hóa liên tiếp từ văn hóa Ðồng Ðậu (1500-1000 năm trước Công nguyên (TCN), văn hóa Gò Mun (1000 đến 500 năm TCN) cho đến văn hóa Ðông Sơn (500 TCN đến 200 sau Công nguyên) và có cả dấu tích thời Bắc thuộc. Tám lần khai quật với diện tích khoảng 300 m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 29 ngôi mộ tiền sử; gần 50 hiện vật gốm vỡ và nguyên vẹn; 216 hiện vật bằng đồng; 11 hiện vật bằng sắt; hơn 1.000 hiện vật bằng gỗ và nhiều hiện vật bằng xương. Ðó là chưa tính số lượng hiện vật tại các di chỉ Gò Mỏ Phượng, Gò Chùa Do, Gò Chiền Vậy, Gò Rền Rắn cũng nằm trong phức hợp này.

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Huy, rất hiếm di tích nào chứa đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người rất sớm trên địa bàn Hà Nội, cũng như nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sử, sơ sử như phức hợp di chỉ Vườn Chuối.

Mặc dù di chỉ khảo cổ Vườn Chuối có tầm quan trọng như vậy, nhưng năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây đã đưa toàn bộ diện tích khu di chỉ vào dự án do Công ty cổ phần Xây dựng Thăng Long 9 làm chủ đầu tư, thuộc Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Khi san lấp mặt bằng phục vụ dự án, người ta đã làm phát lộ nhiều ngôi mộ tiền sử, đồng thời phá hủy một phần di chỉ, làm hư hại nhiều hiện vật khảo cổ trên bề mặt di chỉ. Sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào TP Hà Nội, nhiều quy hoạch phải rà soát lại khiến dự án Thăng Long 9 bị đình trệ. Ðến năm 2016, UBND thành phố Hà Nội cấp phép cho việc triển khai dự án trở lại. Sở dĩ, có tình trạng di chỉ bị "bỏ rơi" là do khu vực này chưa được làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích, dù là cấp quốc gia hay thành phố. Khi tỉnh Hà Tây được sáp nhập về TP Hà Nội, khu đất đã được bàn giao cho phía doanh nghiệp.

Trước kiến nghị của một số nhà khoa học, ngày 5-12, Ban quản lý Di tích, danh thắng Hà Nội cùng đại diện chính quyền đã đến kiểm tra hiện trường di chỉ. Ðoàn kiểm tra đã ghi nhận, hiện tại, chính quyền địa phương không có biện pháp quản lý gì đối với di chỉ. Tại khu vực di chỉ, đã có nhiều doanh nghiệp san gạt, đổ phế thải xây dựng, canh tác nông nghiệp.

Sau khi xem xét, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long 9 và UBND huyện Hoài Ðức tổ chức bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng di chỉ như hiện nay để có quyết định chính thức trong việc bảo tồn. Trong quá trình cải tạo, xây dựng khu vực khác, nếu phát hiện khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, chủ dự án phải tạm ngừng thi công, thông báo và giao nộp cho UBND huyện Hoài Ðức theo quy định của pháp luật. Chủ dự án cần phối hợp các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất phương án bảo tồn di chỉ Vườn Chuối. UBND huyện Hoài Ðức tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng công trình ở các khu vực liên quan đến di chỉ để có biện pháp xử lý nếu phát hiện các di vật, hiện vật… Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất thành phố cho phép sưu tầm tư liệu, hồ sơ khai quật di chỉ Vườn Chuối, khảo sát hiện trạng, tổ chức tọa đàm khoa học đánh giá giá trị, hiện trạng và đề xuất phương án bảo tồn di chỉ. Thời gian thực hiện từ tháng 12-2017 đến quý I- 2018.

Tuy có phần muộn màng, nhưng với những đề xuất kể trên của Sở Văn hóa và Thể thao, có thể hy vọng di chỉ khảo cổ quan trọng bậc nhất của Hà Nội sẽ thoát khỏi nguy cơ bị xóa sổ.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34973302-bao-ton-di-chi-khao-co-truoc-nguy-co-xoa-so.html