Bảo tồn di sản tại đô thị

Chỉ trong một thời gian ngắn, 18 di sản nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh đã lần lượt biến mất, trong đó có thể kể đến di tích lịch sử Ba Son, cầu Ba Cẳng trên kênh Hàng Bàng, Nhà đèn Chợ Quán, cầu Nhị Thiên Ðường, thương xá Tax,...

Mặc dù đây không phải là thông tin mới, nhưng câu chuyện về sự biến mất của các di sản ở đô thị với những con số thống kê đáng giật mình đã trở thành chủ đề nóng tại cuộc hội thảo "Di sản đô thị TP Hồ Chí Minh và Nam Bộ trong quá trình đô thị hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững" vừa diễn ra ngày 18 - 10 tại TP Hồ Chí Minh.

Có thể thấy rằng lịch sử hình thành, phát triển của đô thị luôn gắn với sự xuất hiện của các di sản có tính biểu trưng cao về lịch sử và văn hóa. Không chỉ giữ vai trò lưu giữ "ký ức của đô thị" và gắn kết cộng đồng, các di sản còn góp phần tạo dựng hình ảnh, thương hiệu, biểu tượng của đô thị. Tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, di sản tại các đô thị đang đóng góp một vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, đô thị trong sự vận động không ngừng, ở mỗi giai đoạn lại đòi hỏi những quy mô, diện mạo mới đáp ứng kịp thời yêu cầu của đời sống. Nhưng cũng từ đây, xung đột trong công tác bảo tồn di sản và phát triển của mỗi đô thị bắt đầu nảy sinh và ngày càng trở nên gay gắt hơn. Bởi việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, xây dựng các khu đô thị mới giải quyết chỗ ở cho dân cư,... tất yếu dẫn đến việc phải dỡ bỏ những công trình xây dựng không còn phù hợp. Quá trình đó đã khiến không ít di sản buộc phải tháo dỡ, lấy mặt bằng cho các công trình xây dựng mới.

Quy luật của sự phát triển không cho phép giữ lại mọi giá trị của quá khứ, và theo thời gian, các giá trị mới sẽ được tạo dựng và tôn vinh. Tuy nhiên, không nên lấy lý do đó để tùy tiện xóa bỏ các di sản mà cần có giải pháp để bảo vệ các di sản một cách hiệu quả nhất. Thực tế thời gian qua, có những di sản buộc phải dỡ bỏ vì yêu cầu khách quan, có tính cấp bách, song cũng có những di sản vẫn có thể tiếp tục tồn tại, và tiếp tục phát huy vai trò trong đời sống hiện đại, nhưng do công tác quản lý lỏng lẻo cùng sự thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm của một số người mà không ít di sản đã bị xâm hại, tàn phá một cách nghiêm trọng. Tình trạng này có thể bắt gặp tại nhiều đô thị như Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh,... Từ đây đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc ứng xử đối với các di sản ở đô thị. Cụ thể, ngành chức năng cần sớm hệ thống, đánh giá, phân loại các di sản, trên cơ sở đó tham mưu với các cơ quan liên quan trong việc lập kế hoạch, xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản một cách phù hợp, tránh việc "bảo tàng hóa di sản". Trong trường hợp di sản buộc phải phá hủy để phục vụ những lợi ích lâu dài hơn thì cũng cần có thông tin, hình ảnh, tư liệu giới thiệu về di sản tại công trình mới xây dựng, như là cách để lưu giữ và nhắc nhớ trong cộng đồng.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản tại đô thị phải được xác định là trách nhiệm của cả cộng đồng. Trong công tác quản lý nhà nước cũng như hoạch định chính sách, chiến lược phát triển của mỗi đô thị cần tạo được sự hài hòa giữa phát triển và gìn giữ các di sản theo quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Chỉ có như vậy, sự phát triển của từng đô thị mới thật sự bền vững, từ đó góp phần hình thành những đô thị giàu bản sắc, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống và đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/42072402-bao-ton-di-san-tai-do-thi.html