Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn chuyên nghiệp hơn

Trong hai ngày 27 và 28-5 tại xã Duy Phú (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) diễn ra Hội thảo Quốc tế Chiến lược đào tạo và nghiên cứu nhằm bảo tồn phức hợp khảo cổ tiểu vùng sông Mekong. Hội thảo có sự tham dự của Ông Antonio Alessandro - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, H. Duy Xuyên và đông đảo các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Một chuyên đề lớn được thảo luận trong hội thảo lần này chính là vấn đề bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Mỹ Sơn sau 20 năm tôn tạo đã thoát ra khỏi sự hoang tàn của chiến tranh.

Hội thảo được tổ chức nhân dịp khép lại giai đoạn I của Dự án Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu và bảo tồn di tích văn hóa, do Đại học Bách khoa Milano và Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam hợp tác thực hiện. Đồng thời, khép lại một giai đoạn hợp tác khảo cổ, trùng tu tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, mở ra một hướng đi mới trong tương lai. Nhiều thông tin được các diễn giả mang đến hội thảo là kết quả và những kinh nghiệm thu được từ quá trình triển khai công tác đào tạo và nghiên cứu, bảo tồn và khảo cổ thực tế tại Mỹ Sơn. Thực tế sau nhiều chương trình hợp tác được thực hiện 20 năm qua, Mỹ Sơn đã hoàn toàn bước ra khỏi tình trạng đổ nát, bước sang trang mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Thông qua các dự án hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, việc khai quật, bảo tồn và trùng tu trên cơ sở giữ nguyên giá trị gốc đã giúp các tháp và nhóm tháp: G, E7, K, L của Mỹ Sơn tìm lại hình hài trở thành những điểm nhấn trong hành trình khám phá Mỹ Sơn. Nói về kết quả thăm dò ở Thánh địa Mỹ Sơn đầu năm 2019, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý-Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết, từ sau những phát hiện của người Pháp trong thế kỷ trước thì Thánh địa Mỹ Sơn đã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Những gì còn thấy được ngày hôm nay chính là nhờ những nỗ lực khai quật, tu bổ của lực lượng chuyên gia. "Tháng 12-2018, Ban quản lý Mỹ Sơn và Viện khảo cổ học tiến hành thăm dò khu vực gần suối Khe Thẻ nằm đối diện khu tháp K. Trong số 5 hố thăm dò thì có 3 hố có vết tích nền móng kiến trúc. Chúng tôi đã so sánh những vết tích mới phát lộ này với những kiến trúc Chămpa ở những địa phương khác thì có những điểm tương đồng. Ngoài ra còn phát hiện một số mảnh ngói nằm rải rác xung quanh khu vực di tích được phát hiện", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý thông tin.

Sau khi nghiên cứu, nhóm các nhà khảo cổ thấy rằng khu vực thăm dò khảo cổ này có chứa những dấu tích kiến trúc có niên đại khoảng thế kỷ XI - XII. Trong khi đó nền móng thì lại có niên đại thế kỷ IX - X. Nhiều khả năng người Chăm đã cho xây dựng lại sau khi kiến trúc đầu tiên bị hư hại. "Điều thú vị này chúng tôi cũng đã phát hiện ở nhiều khu di tích khác và cho thấy rằng người Chăm thời xa xưa ở Mỹ Sơn có địa bàn sinh sống rộng hơn về thượng nguồn ở suối Khe Thẻ và nằm phía Tây Bắc của khu tham quan hiện nay. Chính vì vậy chúng ta cần mở rộng hơn nữa phạm vi nghiên cứu của di tích", ông Quý khẳng định.

Để bảo tồn Mỹ Sơn chuyên nghiệp hơn trong tương lai, các đại biểu khẳng định cần có sự chủ động phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn quốc tế và trong nước để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Ngoài ra, cần phải áp dụng những công nghệ mới để có thể xác định không gian cụ thể của di tích mà nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng thành công. Điều quan trọng nhất về nhân sự thì cần có sự tăng cường từ trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể triển khai và hỗ trợ cho nhau tích cực hơn, AICS đã thực hiện nhiều dự án, sự kiện trên lĩnh vực bảo tồn văn hóa tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, AICS đã tài trợ tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng để thực hiện các khâu đào tạo chuyên sâu nguồn cán bộ quản lý, giảng viên, cán bộ kỹ thuật và công nhân trong lĩnh vực trùng tu di tích, thiết kế, phục chế các hiện vật khảo cổ và kiến trúc cho các tỉnh khu vực miền Trung, đồng thời xây dựng một phòng thí nghiệm về trùng tu các hiện vật khảo cổ. Đối với Quảng Nam đã tổ chức được 3 lớp học gồm: lớp đào tạo kỹ thuật viên, lớp đào tạo giảng viên và lớp đào tạo công nhân kỹ thuật. Có 38 học viên tham gia lớp đào tạo kỹ thuật viên, từ nguồn lực này dự án đã lựa chọn ra 10 học viên xuất sắc để tham gia lớp đào tạo giảng viên. Với lớp đào tạo công nhân kỹ thuật, đã huy động được 36 học viên là người dân địa phương đang làm việc tại Mỹ Sơn hoặc sinh sống tại các vùng đất có di tích Chăm tham gia. Ông Maritino Melli hy vọng với những thành công bước đầu của dự án đào tạo nhân sự bảo tồn văn hóa Chăm sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa để Mỹ Sơn được hoàn thiện hơn trong tương lai, giúp bảo tồn giá trị văn hóa ngàn năm tuổi của nhân loại.

Tại hội thảo, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dành sự quan tâm, hỗ trợ trong suốt quá trình tôn tạo, phục dựng lại kiến trúc tại Mỹ Sơn. "Là Di sản văn hóa thế giới nhưng đã bị tác động nhiều trong chiến tranh, chúng tôi hy vọng những giá trị của Mỹ Sơn không chỉ dừng lại như hiện nay mà còn tiến xa hơn nữa. Để làm được điều đó rất cần các thế hệ kế cận, con người tâm huyết có chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo bài bản", ông Tân khẳng định. Ông Tân cũng hy vọng sau buổi hội thảo này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa với các tổ chức, chuyên gia văn hóa, khảo cổ quốc tế.

Đồng Dao

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_206955_.aspx