Bảo tồn Dinh Thượng Thơ: Dấu hiệu tự hàn gắn vết thương

Xung quanh việc bảo tồn hay dỡ bỏ Dinh Thượng Thơ, đã có nhiều ý kiến trái chiều, gây chú ý trong giới kiến trúc, những người làm công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa và cả dư luận cộng đồng mạng.

Chỉ một thời gian rất ngắn sau khi đăng tải bản kiến nghị bằng 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp, nhóm các nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc yêu Sài Gòn đã nhận được gần 5.200 chữ ký ủng hộ việc giữ lại Dinh Thượng Thơ và đưa vào danh mục cần được bảo tồn nguyên trạng.

Phóng viên báo điện tử Dân Việt có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu lịch sử Trần Thị Vĩnh Tường (California - Hoa Kỳ) xung quanh câu chuyện này:

Trần Thị Vĩnh Tường tại Đại học Yale 5.2016. Ảnh NVCC

Thưa chị, điều gì khiến chị quyết định khởi xướng việc lấy chữ ký kêu gọi cộng đồng giữ lại Dinh Thượng Thơ?

-Tôi vừa về hưu tương đối có chút thì giờ thì nghe báo chí và người dân TP.HCM xôn xao là Dinh Thượng Thơ có thể bị đập bỏ. Tôi không muốn lỡ dịp làm "Người yêu Sè Goòng" nên vội lựa chọn thông tin từ giới kiến trúc, bảo tồn... làm thành bản nháp "kiến nghị", và đưa các bạn làm tiếp trước khi leo lên máy bay cho cuộc hành trình khác. Với chúng tôi, ai "khởi xướng" không quan trọng mà người dân trực tiếp chịu đựng mất mát mới là điều đáng nói.

Thế giới khao khát hòa bình, khao khát cái đẹp, khao khát được làm người tử tế. Vậy tôi đợi gì mà không phụ bạn bè để giữ lại Dinh Thượng Thơ?

Dinh Thượng Thơ, 59-61 Lý Tự Trọng, tên cũ là đường Gia Long. Ảnh tư liệu

Chắc hẳn với chị Dinh Thượng Thơ có nhiều kỷ niệm?

- Khác với Thương Xá Tax thời 8 tuổi mỗi sáng chủ nhật được mẹ cho tới ăn cà-rem, thì Dinh Thượng Thơ có kỷ niệm thời nữ sinh. Hôm tan trường Trưng Vương chúng tôi đang đạp xe ngang Dinh thì mưa ào tới. Cổng mở toang nhiều người chạy vào trú mưa, trên xe xích lô oằn oại một người đàn bà bụng bầu vượt mặt có vẻ sắp sanh. Chú xích lô còn trẻ quýnh quáng vì được dặn là chở tới nhà thương Hùng Vương tuốt trong Chợ Lớn.

Tôi chợt nhớ góc Lê Văn Duyệt - Hồng Thập Tự gần đường xe lửa có tiệm cháo vịt, tiệm bán bàn ghế, một nhà bảo sanh tư... cứ liều chở chị đến đó còn hơn để chị chết giữa đường... Bọn tôi tom góp được chút tiền dúi vào túi chị vì luôn nhớ câu “Con ơi, hãy nhớ đến những người đầu tang tóc rối...” trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng của thầy hiệu trưởng Hà Mai Anh. Một bạn tình nguyện dẫn xe xích lô đi, nhờ chúng tôi giữ giùm tập vở cho khỏi ướt chút quay lại lấy. Xấp bài đó là của một sinh viên trường kiến trúc, đẹp trai như cóc hay xấu trai như Trương Chi thì quên rồi nhưng “sinh viên” lúc đó là to chuyện lắm.

Từ góc nhìn của mình, chị có suy nghĩ như thế nào về việc quy hoạch phát triển thành phố trong xu thế hội nhập?

- Năm 1912, người Pháp chính thức “bảo hộ” Maroc, Algérie và Tunisie. Họ gọi bờ biển Saïdia và thành phố Chefchaouen ở xứ Maroc là “La Perle Bleue/Hạt Trai Xanh”, gọi Sài Gòn là “La Perle de l'Extrême-Orient/Ngọc Trai Viễn Đông” nhằm khoe thuộc địa Pháp lộng lẫy như ngọc trai và để ghi nhận sự có mặt của đế quốc Pháp trải từ Bắc Phi tới Viễn Đông. Thời điểm đó hai đế quốc Anh- Pháp đang tranh dành ảnh hưởng ở Ẩn Độ, Trung Hoa, châu Phi.

Hạt Trai Xanh Chefchaouen, Maroc - Photo credit: Jacob Shamsian, Insider.

Tết rồi, tôi ra Hà Nội được tặng cuốn Khu Phố Tây ghi lại kinh nghiệm rất quí báu người Pháp qui hoạch Hà Nội, Saigon “...Năm 1888 người Pháp đã đồng ý chi 220.000 franc để kết hợp tính hợp lý kiểu Phuơng Tây với nét duyên dáng Á Châu nhằm biến khu vực quanh bờ hồ thành một Paris thu nhỏ...

Năm 1897 Sài Gòn đã là một thành phố được hoàn thành, chỉ cần bổ sung và làm đẹp thêm... Trong khi đó, Hà Nội mới chỉ là một thành phố đang được phác thảo cần phải tạo dựng” (1). Sẵn đây xin giới thiệu Khu Phố Tây, tôi đọc với lòng biết ơn nhóm tác giả. Không rõ các bạn trường Kiến Trúc hay Nhân Văn đã soạn cuốn nào tương tự chưa?

“Quy hoạch phát triển thành phố trong xu thế hội nhập” là loại từ ngữ ...thời thượng. Quy hoạch chưa nên thân thì hội nhập với ai? Từ khi ông vua trẻ Jigme Khesar Namgyel Wangchuck xứ Bhutan không nói tới hội nhập mà chỉ muốn cho thần dân đạt chỉ số hạnh phúc “Gross National Happiness” (GNH) thì thế giới bắt đầu lưu ý tới chỉ số này đỡ điên đầu hơn GDP (chỉ số sản xuất) và HDI (chỉ số phát triển).

4.2016- Vua và hoàng hậu Bhutan tiếp hoàng tử William và công nương Kate Middleton. Photo credit: Samir Hussein/WireImage.

Điều mong muốn của chị khi nghĩ về hiện tình đất nước ?

- Nhà soạn kịch Jean Racine thế kỷ 17 ngắn gọn: “Muốn đi xa phải chăm sóc yên cương - Qui veut aller loin, ménage sa monture”.

Thử nhìn Singapore vừa được chọn làm nơi gặp gỡ lịch sử giữa tổng thống Trump – và Kim Jong Un ngày 12.06.2018, chính vì đảo quốc nhỏ bé Singapore đáp ứng tiêu chuẩn: Cơ sở hạ tầng hiện đại, an toàn, đã đón tiếp nhiều cuộc họp thượng đỉnh làm cầu nối phương Tây - châu Á về các hồ sơ ngoại giao trung lập và kín đáo giữ quan hệ ngoại giao với cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Triều Tiên.

Thử nhìn Indonesia: chấp nhận “không hận thù” quá khứ “350 năm thuộc địa -Hà Lan", khiến thế giới yên tâm đặt Indo vào trong tâm một chiến lược và chính sách lâu dài.

Người Indonesia tự tin không đập phá “kiến trúc thuộc địa Hà Lan”, trái lại coi đó như sự đa dạng của lịch sử và cũng đại diện cho sự phát triển của Indo đã đúc quần đảo thành một thực thể hành chánh duy nhất ngẩng mặt ra thế giới và hiên ngang đứng ở vị trí ngã ba hải lộ Đông Nam Á. Cho đến hôm nay cổng chốt ra vào châu Á hoàn toàn trong vùng biển của Indonesia. Đất nước thực sự kiểm soát từ Ấn Độ Dương qua Biển Đông là Indonesia, đố nước khác chen vào. Nếu eo biển Kra ở miền Nam Thái Lan có mở ra cũng không làm eo biển Malacca qua Indonesia và Malaysia thất sủng trái lại càng làm thế giới gắn bó với Indonesia để khỏi bị "bắt chẹt".

Xã hội Việt Nam may mắn: không phân chia giai cấp, chung tiếng nói chữ viết, không kỳ thị tôn giáo đến đổ máu như đang xảy ra ở Myanmar. Việt Nam không may chịu đựng chiến tranh hơn 9 nước Đông Nam Á nên nếu không thể thay đổi quá khứ thì nên bắt chước... Vua Hề Sác-Lô: bỏ rác rưởi lại đằng sau, một mình vung gậy tiến về phía trước.

- Dinh Thượng Thơ không phải tòa lâu đài xứ lạnh, mà tòa nhà để làm việc vùng nhiệt đới mà giá trị vượt lên tầm thẩm mỹ.

- Cũng giống như Indonesia: đau khổ hun đúc trong thời gian thuộc địa đã khiến Việt Nam thành một thực thể hành chính duy nhất.

- Dinh Thượng Thơ là di tích của Pháp nhưng sở hữu của Việt Nam. Đập bỏ vì "chưa được chứng nhận là di sản" không khác gì em bé sơ sanh bố mẹ không được ẵm về vì ông làng mắc nhậu chưa làm giấy khai sanh. Dinh Thượng Thơ “sinh” năm 1882 có phải em bé?

Từ nơi xa lúc nào tôi cũng cầu mong mọi sự tốt lành cho dân tộc Việt.

Xin cảm ơn chị Vĩnh Tường!

_____________

* Ghi chú: 1) Phan Phương Thảo, Khu phố Tây Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua Tư liệu địa chính, NXB Hà Nội, 2017

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/bao-ton-dinh-thuong-tho-dau-hieu-tu-han-gan-vet-thuong-875510.html