​Bảo tồn làng cổ, đô thị cổ: Người dân phải hiểu được giá trị nơi mình đang sống

VH- Từ thực tế đã và đang diễn ra tại mỗi di sản đô thị cổ, làng cổ hiện nay, đại diện chính quyền và Ban quản lý (BQL) các làng cổ, đô thị cổ ở Việt Nam đã có buổi tọa đàm về những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý bảo tồn và phát huy các di sản này.

Buổi tọa đàm “Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn và phát huy di sản đô thị cổ - làng cổ Việt Nam”, do Cục Văn hóa thuộc Cơ quan Văn hóa Nhật Bản, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đại học Nữ Chiêu Hòa phối hợp cùng Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Trung tâm QLBTDSVH) vừa mới tổ chức cuối tuần qua tại TP Hội An.

Thi công trùng tu một ngôi nhà cổ ở Hội An

Thách thức chồng áp lực

Hàng loạt những vấn đề khó khăn mà các địa phương có di sản đang gặp phải đã được nhận diện và nêu “đích danh”.

Các di sản làng cổ, đô thị cổ Việt Nam hiện đang phải chịu nhiều áp lực ghê gớm từ các tác động của điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội khiến các di tích xuống cấp, không gian, cảnh quan bị biến dạng như: Lũ lụt, mối mọt. Nhu cầu phát triển, thay đổi chủ sở hữu, nhu cầu cải tạo không gian, đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng. Áp lực của phát triển đô thị hóa, phát triển kinh tế du lịch, gia tăng mật độ dân số...

Thách thức trong công tác quản lý bảo tồn di tích được đại diện các làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, Đông Hòa Hiệp, Khánh Sơn đều đề cập đến: Thiếu nguồn vốn đầu tư; khan hiếm nguồn vật tư, vật liệu; nguồn nhân lực hạn chế. Những bất cập về kỹ thuật công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ trong tu bổ di tích, tiêu chuẩn chưa được chuẩn hóa...

Đặc biệt, khó khăn trong việc lồng ghép giữa bảo tồn và phát huy, làm thế nào để hòa hợp, không mâu thuẫn giữa việc đảm bảo nguyên tắc, tính chân xác trong bảo tồn trùng tu di tích với đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hiện đại cho người dân bản địa, lợi ích cộng đồng.

Thấy gì từ Hội An?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết, kinh nghiệm ở Hội An trong việc giải quyết bài toán trên là phải luôn gắn bảo tồn với quá trình phát triển, nhu cầu thiết yếu của người dân. Theo ông Trung, không có sự bảo tồn nào mà không mang lại lợi ích, chia sẻ lợi ích cho người dân, đó có thể là lợi ích về tinh thần, hoặc lợi ích về kinh tế. Nếu không mang lại, không chia sẻ được lợi ích cho người dân thì công tác bảo tồn sẽ khó thực hiện được. Muốn như vậy thì bảo tồn phải liên kết với phát triển du lịch chứ không thể đơn độc một mình. Điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác công, tư trong vấn đề bảo tồn, phải có mô hình quản lý thích hợp.

Tuy nhiên, ông Trung cũng đặt vấn đề, dường như mối liên kết giữa ngành du lịch và bảo tồn hiện vẫn còn chưa chặt chẽ lắm. “Cụ thể nhất là ở những hội thảo về bảo tồn, trùng tu thì ít thấy đại biểu ngành du lịch tham gia và ngược lại, cái nào du lịch tổ chức cũng khó tìm thấy đại diện ngành bảo tồn di sản đến dự”, ông Trung thẳng thắn chia sẻ.

Đại diện BQL làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, Đông Hòa Hiệp cũng trao đổi về những kết quả tích cực, mô hình quản lý phù hợp trong phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) mà các di sản này đã nhận được dựa trên sự hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản.

Nếu không có mô hình quản lý tốt thì việc phát triển du lịch cũng có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn, chẳng hạn như gia tăng du khách sẽ tạo áp lực về biến đổi cảnh quan, ảnh hưởng môi trường. Dựa vào đặc thù của mỗi làng cổ, JICA sẽ hỗ trợ những mô hình để phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch, qua đó phát triển DLCĐ. Tăng trưởng kinh tế cao khiến các làng nghề truyền thống có thể biến mất, đồng thời dẫn đến sự suy thoái tài nguyên du lịch, văn hóa ở các làng cổ-đô thị cổ. Việc xây dựng mô hình quản lý phù hợp được áp dụng trong DLCĐ; thiết lập một hệ thống quản lý để thường xuyên bắt kịp những thay đổi, từ đó đưa ra các giải pháp kịp thời khắc phục những khó khăn và sự suy thoái của môi trường du lịch là điều mà các dự án do JICA hỗ trợ tại 3 làng cổ này đang triển khai.

Trước khi người dân tham gia vào những hoạt động về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản làng cổ, đô thị cổ để làm du lịch thì điều trước tiên làm sao để người dân ở đó phải hiểu được giá trị của làng cổ, của di tích nơi mình đang sống. Đó là điều kiện tiên quyết để có thể đạt đến mục tiêu bảo tồn. (Ông Hiroyuki Toyoki, Giám đốc Kỹ thuật, Ban Di sản văn hóa, Cơ quan Văn hóa Nhật Bản)

Phải giải quyết cho được bài toán: Bảo tồn gắn với nhu cầu của người dân

Những bất cập, lúng túng trong công tác quản lý bảo tồn di tích ở làng cổ, đô thị cổ hiện nay một phần cũng xuất phát từ thực tế hiện tại là hệ thống văn bản pháp quy chưa phù hợp, thậm chí còn chồng chéo, gây khó khăn cho công tác trùng tu di sản.

Ông Phạm Phú Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết, bảo tồn di tích còn rất nhiều vấn đề cần xây dựng hoàn thiện cả về lý thuyết tu bổ bảo tồn, hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách, nâng cao nhận thức cho những người làm công tác bảo tồn, giải quyết bài toán mâu thuẫn làm thế nào cân bằng giữa bảo tồn và phát triển... Vấn đề bảo tồn cần đồng thuận của cả chính quyền và người dân - những người trực tiếp sinh sống, tương tác trong những ngôi nhà, ngôi làng và đô thị cổ.

Kinh nghiệm từ việc huy động cộng đồng cùng tham gia trùng tu, bảo tồn ở khu di sản sống phố cổ Hội An nhận được nhiều sự quan tâm của đại diện các làng cổ và các chuyên gia Nhật Bản. Trước tiên Hội An đánh giá khoa học, phân loại chi tiết di tích, trên cơ sở này ban hành quy chế về việc trùng tu, bảo tồn và trong đó có quy định cụ thể, chi tiết về cơ chế hỗ trợ các chủ nhà cổ, các di tích trùng tu, các quy định về thủ tục, nguyên tắc trong trùng tu đối với từng loại hình di tích… Quy chế này như một quy hoạch công khai, một quy ước cộng đồng để người dân được tham gia và là cơ sở để xử lý những vi phạm.

Ông Hiroyuki Toyoki, Giám đốc Kỹ thuật, Ban Di sản văn hóa, Cơ quan Văn hóa Nhật Bản cho biết, quá trình gìn giữ, bảo tồn các đô thị cổ, làng cổ ở Nhật Bản cũng gặp rất nhiều khó khăn như Việt Nam. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, theo ông Hiroyuki Toyoki, vấn đề có tính mấu chốt là các quy định văn bản pháp lý phải có tính thích hợp, nhận diện những ưu tiên cho công tác bảo tồn. Các đô thị cổ, làng cổ ở Việt Nam đều là di tích sống nên phải giải quyết cho được bài toán bảo tồn gắn với quá trình phát triển, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân… Những kết quả trong công tác bảo tồn nhà cổ ở Hội An là kinh nghiệm quý vì ở Nhật Bản ít mô hình khu di sản sống như thế này. Sự thành công của Hội An là đã đưa những đặc trưng của địa phương mình lên phát triển thu hút du khách và xây dựng được quy chế bảo tồn.

Theo ông Hiroyuki Toyoki, trước khi người dân tham gia vào những hoạt động về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản làng cổ, đô thị cổ để làm du lịch thì điều trước tiên làm sao để người dân ở đó phải hiểu được giá trị của làng cổ, của di tích nơi mình đang sống. Đó là điều kiện tiên quyết để có thể đạt đến mục tiêu bảo tồn. Đồng thời cần có sự kết nối giữa 3 bên chính quyền - người dân - Công ty du lịch để cùng phân tích, đánh giá và đưa ra được phương án tối ưu nhất công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

KHÁNH CHI

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/bao-ton-lang-co-do-thi-co-nguoi-dan-phai-hieu-duoc-gia-tri-noi-minh-dang-song