Bảo tồn nhà sàn truyền thống ở Tân Trào

Thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) có 187 hộ gia đình, trong đó 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày. Từ bao đời nay, nếp nhà sàn truyền thống luôn mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày ở tỉnh miền núi này.

Văn hóa dân tộc

 Ngôi nhà sàn được làm từ vật liệu bê-tông, sơn giả gỗ của người dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Ngôi nhà sàn được làm từ vật liệu bê-tông, sơn giả gỗ của người dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Trải qua thời gian, những ngôi nhà sàn bằng gỗ bị xuống cấp do nắng, mưa, mối mọt… mà nguyên vật liệu làm nhà sàn bằng gỗ lại ngày càng khan hiếm. Trước thực trạng này, nhiều hộ gia đình đồng bào Tày ở Tuyên Quang đã xây dựng nhà sàn bằng bê-tông giả gỗ. Với giá thành rẻ, thời gian sử dụng lâu dài, xây dựng nhà sàn bê-tông là một cách để bảo tồn nhà truyền thống một cách sáng tạo của đồng bào Tày trong tỉnh.

Năm 2012, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thôn Tân Lập được Nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà sàn bê-tông thay thế cho những nhà sàn bằng gỗ đã bị xuống cấp. Theo đó, hộ gia đình xây dựng mới được hỗ trợ 200 triệu đồng, hộ sửa chữa nhà được hỗ trợ 100 triệu đồng. Các nhà sàn được bảo tồn vẫn giữ kiến trúc nhà sàn truyền thống, đều được thiết kế ba gian, hai trái, năm hàng cột, mỗi hàng sáu cột, tạo thành 30 trụ bê-tông vững chãi làm điểm tựa cho ngôi nhà. Kèo, xà được xây dựng theo đúng nguyên mẫu nhà sàn gỗ. Toàn bộ vách bao quanh và cầu thang xây bằng gạch, sơn giả gỗ. Ngoài ra, để thuận lợi hơn trong việc sinh hoạt, nhiều hộ dân trong thôn còn dùng gạch bưng một số chỗ ở tầng dưới để xây dựng công trình vệ sinh khép kín, tạo thêm phòng ở đối với gia đình có nhiều thế hệ sống chung. Việc cải tiến này cũng không làm mất đi nét truyền thống của ngôi nhà.

Trưởng thôn Tân Lập Ma Anh Tuấn cho biết, trong thôn đã có hơn 30 hộ làm nhà sàn bê-tông, trong đó có 11 hộ được hỗ trợ theo chương trình. So với nhà sàn bằng gỗ truyền thống, nhà sàn bê-tông có nhiều ưu điểm: Giá thành xây dựng rẻ hơn, chỉ khoảng 500 triệu đồng cho mỗi ngôi nhà, giảm một nửa so với làm nhà sàn bằng gỗ; thời gian sử dụng có thể lên đến hàng trăm năm, góp phần bảo vệ rừng, nhất là vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Trào có gần 50 ngôi nhà sàn bê-tông, vừa giữ được bản sắc của nhà sàn người Tày, vừa giảm kinh phí xây dựng và tiện lợi cho việc sinh hoạt cũng như tổ chức du lịch cộng đồng trên địa bàn. Với nhiều ưu điểm vượt trội, từ mô hình điểm ở xã Tân Trào, đến nay, việc xây dựng nhà sàn bằng bê-tông đã lan tỏa đến nhiều xã trên địa bàn trong tỉnh Tuyên Quang. Không chỉ có dân tộc Tày mà đồng bào các dân tộc thiểu số như Dao, Cao Lan, Sán Chay, Nùng… cũng xây dựng nhà sàn bê-tông mang bản sắc riêng của dân tộc mình, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các vùng quê trong tỉnh Tuyên Quang.

Bài và ảnh: HẢI CHUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37701002-bao-ton-nha-san-truyen-thong-o-tan-trao.html