Bảo tồn, nhân giống nguồn gen sâm Ngọc Linh kết hợp tạo kế sinh nhai cho đồng bào Xơ Đăng

Mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cực cao mà còn rất phù hợp với tập quán, trình độ lao động sản xuất và với đặc trưng văn hóa của người Xơ Đăng.

Bên cạnh việc bảo tồn, nhân giống và phát triển cây sâm Ngọc Linh thì công ty Vingin đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn hộ dân đồng bào Xơ Đăng, cung cấp miễn phí hàng chục ngàn cây giống mỗi năm cho người dân phát triển, giúp thay đổi nhận thức của người dân trong việc quản lý bảo vệ rừng kết hợp trồng cây dược liệu, xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 hướng tới mục tiêu tất cả những người dân Việt Nam đều có thể sử dụng được các sản phẩm của sâm Ngọc Linh.

Nhân giống cây sâm Ngọc Linh.

Hiện nay, công ty đã tạo công ăn việc làm cho 15 tổ nhóm sản xuất với 410 người là công nhân tham gia trồng sâm và hơn 300 hộ dân với 20 thôn tại 3 xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lei của huyện Tu Mơ Rông bằng hình thức liên kết trồng sâm Ngọc Linh gắn với việc bảo vệ phát triển rừng.

Qua việc phát triển cây dược liệu quý của địa phương là cây sâm Ngọc Linh, công ty đã dần thay đổi tập quán phát nương làm rẫy của người dân, hướng người dân đến bảo vệ môi trường rừng để phát triển cây dược liệu, tăng thu nhập nhờ sâm Ngọc Linh.

Mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn rất phù hợp với tập quán, trình độ lao động sản xuất và với đặc trưng văn hóa của người Xơ Đăng là gắn bó với rừng, xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng, tăng thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trên thị trường, hiện 1kg sâm Ngọc Linh tươi gồm cả củ, lá với mỗi củ nặng một lạng có giá bán trên 120 triệu đồng. Sau 10 năm phát triển, công ty đã có doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/ha, hiện tại chưa cần khai thác bán củ, hàng năm người dân chỉ cần thu hạt gieo ươm bán cây sâm giống cũng đã có nguồn thu đáng kể.

Trong nhiều năm qua, công ty đã phối hợp với các nhà nghiên cứu khoa học đã nỗ lực nghiên cứu để tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe từ sâm Ngọc Linh và các loài thảo dược quý hiếm.

Lễ Vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi" do Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức tối 21/12 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Lễ Vinh danh nhằm ghi nhận sự đóng góp của các hộ gia đình, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu; từ đó phát triển các sản phẩm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện mục tiêu Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10/2021 Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Vinh danh vì sự phát triển Dược liệu Việt: "Tôn vinh ước mơ về một Việt Nam hùng cường".

Phú Chinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-ton-nhan-giong-nguon-gen-sam-ngoc-linh-ket-hop-tao-ke-sinh-nhai-cho-dong-bao-xo-dang-169231225154859335.htm