Bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống

Trong những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nói chung, miền núi nói riêng đã tổ chức thành công các lễ hội truyền thống, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Một trong những trò diễn được nhân dân xã Vạn Xuân (Thường Xuân) thể hiện tại lễ hội Nàng Han năm 2019.

Chùa Mèo nằm trên địa bàn xã Quang Hiến (Lang Chánh), được xây dựng từ thế kỷ XIII và gắn liền với những sự kiện chống ngoại xâm của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Năm 2005, chùa Mèo được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, được UBND huyện Lang Chánh lấy ngày 6, 7 tháng giêng hàng năm làm ngày lễ hội truyền thống và trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn của nhân dân các dân tộc trong huyện cũng như du khách thập phương.

Hàng năm, lễ hội Chùa Mèo được khai mạc với nhiều chương trình đặc sắc, nhằm tái hiện những nét văn hóa mang đậm dấu ấn truyền thống, trong đó phần dâng hương và lễ tế được thực hiện theo nghi lễ cổ truyền. Phần hội được diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, như: Bắn nỏ, tung còn, đẩy gậy, kéo co... đây là hoạt động quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng, không chỉ góp phần giáo dục con người về tính tập thể, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh... mà còn góp phần lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo ở địa phương. Cũng tại huyện Lang Chánh, lễ hội Chá Mùn của đồng bào dân tộc Thái được xem là một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng quan trọng, với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng bình yên... Lễ hội cũng là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống đi kèm với các trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo như, ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo, múa sạp, khua luống, cồng chiêng, múa cây bông...

Đối với đồng bào Thái ở xã Vạn Xuân (Thường Xuân), thì những nét đẹp văn hóa của dân tộc lại được gửi gắm qua lễ hội Nàng Han được tổ chức vào ngày 16-2 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào 16 xứ Thái Mường Chiềng Ván xưa (nay thuộc thôn Lùm Nưa), nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng biết ơn đến nàng Han và những người anh hùng đã quên mình xả thân vì sự bình yên, hạnh phúc của bản làng. Trong đó, tục chơi hang Mường phản ánh lệ tục cổ, mang đậm tín ngưỡng phồn thực, cầu con, cầu của, cầu cho mùa màng tốt tươi, quốc thái bình, dân an...

Có thể thấy, nhu cầu tổ chức lễ hội đã lan tỏa ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhất là việc gắn lễ hội văn hóa với du lịch, tâm linh. Và, mỗi địa phương khi tổ chức lễ hội đều có những nét riêng, độc đáo, gắn với truyền thống của mỗi vùng, miền để ngày càng nâng cao các giá trị lịch sử văn hóa, tôn vinh công trạng của danh nhân được thờ, để nhân dân hiểu rõ giá trị của di tích, kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, từ đó thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội, làm cho lễ hội ngày càng văn minh, thật sự trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương.

Bài và ảnh: Gia Bảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/bao-ton-phat-huy-cac-le-hoi-truyen-thong/106589.htm