Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số: Nhận diện những thách thức

Những ngôi nhà truyền thống chứa tri thức bản địa, văn hóa, nếp sống dân gian của các dân tộc. Thế nhưng nhiều người lo ngại, nếu không sớm có những giải pháp tổng thể thì những nhà rông, nhà sàn, nhà trình tường, nhà đá… sẽ dần biến mất.

Cuộc sống yên bình dưới những mái nhà trình tường. (Ảnh VOV)

Cuộc sống yên bình dưới những mái nhà trình tường. (Ảnh VOV)

Dựng nhà rông bằng… bê tông, cốt thép

Từ xa xưa, người Hà Nhì thường sống trên những đỉnh núi cao, quanh năm mây phủ, gió lộng, khí hậu lạnh giá. Cũng bởi sinh sống ở vùng có nền nhiệt độ thấp, nên bao đời nay, đồng bào đã chọn cho mình những ngôi nhà trình tường “mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông” để sinh sống. Và những ngôi nhà trình tường đã trở thành một phần không thể thiếu trong nét văn hóa đặc sắc của người Hà Nhì.

Nhà trình tường của người Hà Nhì có nét độc đáo riêng về kiến trúc: Nhà hình vuông, vách đất dày 40 - 50cm, chân tường kè đá rất đẹp; 4 mái khép kín, cửa chính và cửa sổ đều nhỏ để tránh sương gió lùa, mưa tuyết. Vậy nhưng hiện nay, khi đến với các bản của người Hà Nhì không khó để thấy những ngôi nhà xây kiên cố với gạch, ngói và xi măng… đang dần thay thế những ngôi nhà trình tường truyền thống.

Nhà rông được coi là biểu tượng văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên, thể hiện giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống các đồng bào: Bana, Xơ Đăng, Jarai… Một ngôi nhà rông truyền thống được làm chủ yếu từ chính những vật liệu của núi rừng Tây Nguyên như cỏ tranh, tre, gỗ, mây… và được cất lên ở khoảng đất cao ráo nơi trung tâm của làng.

Đáng buồn thay, hiện nay, nhà rông truyền thống đang dần mai một. Phong trào xây dựng hàng loạt nhà rông văn hóa bằng bê tông, cốt thép chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân ở Tây Nguyên. Lý do được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa chỉ ra là phong trào đang thiếu giá trị văn hóa tinh thần hay “phần hồn” ẩn chứa bên trong những căn nhà bê tông, cốt thép ít nhiều mang hơi hướng hiện đại này. Đó là chưa kể, vào ngày nắng nóng, nhà rông xây bằng xi măng, lợp tôn rất nóng bức, ngột ngạt. Những căn nhà rông xây bằng xi măng, mái tôn, dập khuôn theo kiểu “hình nộm” đã làm mất đi phần nào “hồn” văn hóa đại ngàn.

Nhà sàn Tây Bắc là một trong những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Tày, Mường, Thái… Nhà sàn Tây Bắc được dựng trên các cột bằng gỗ đặt trên mặt đất. Kiến trúc nhà sàn chủ yếu được làm bằng các vật liệu tự nhiên của núi rừng như: gỗ, lá cọ lợp mái, tre, nứa… Nhà sàn là nơi thực hành các phong tục, nghi lễ, là nơi đón tiếp khách và tổ chức các sự kiện quan trọng của gia đình. Ngoài ra, các trưởng họ, trưởng làng có thể tới đây để trao đổi và bàn bạc với nhau về việc nước, việc làng. Việc người dân cư trú trên nhà sàn cũng được xem như một di sản văn hóa truyền thống của Tây Bắc nói riêng, Việt Nam nói chung.

Nhưng hiện tại, nhà sàn mái gianh hầu như đã đi vào quá vãng. Mái ngói cũng còn rất ít. Hầu hết, bà con tại các bản làng làm nhà sàn lợp mái tôn, mái fibro-xi măng…

Nhà rông lợp mái tôn.

Những ngôi nhà sàn mới.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật

Tại “Hội thảo Văn hóa 2022” vừa diễn ra tại Bắc Ninh ngày 17/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho hay, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị.

Trong đó, có thể nhận diện một số thách thức, biến đổi. Đó là sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người. Nhiều giá trị văn hóa vốn được xem là đặc trưng, là bản sắc độc đáo của các dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một như: kiến trúc, các lễ hội dân gian, phong tục tập quán truyền thống dần ít được thực hành, các sinh hoạt văn hóa dân gian như dân ca, dân vũ bị suy giảm, nhiều nhạc cụ dân tộc không còn được nhiều người dân tộc thiểu số am hiểu yêu thích...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Thứ nhất, tiếp tục đổi mới nhận thức trong công tác hoạch định chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong đó, đặc biệt phải chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, chất lượng lập pháp của Quốc hội về văn hóa; xem văn hóa là mục tiêu, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá của quá trình phát triển. Trong quá trình hoạch định chính sách cần xác định đúng các mục tiêu văn hóa cần đạt được và đánh giá đầy đủ tác động văn hóa trước khi ban hành các chính sách, pháp luật, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Thứ hai, tiếp tục rà soát văn bản, thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong đó cần ưu tiên xây dựng Chiến lược tổng thể về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đặc sắc đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Chú trọng xây dựng và phát triển số hóa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số để phục vụ cho công tác quản lý, khai thác.

Thứ ba, đổi mới công tác quản lý Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số. Nhà nước cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số; Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát một cách chủ động, thường xuyên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Cần tiếp tục đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.

Thứ tư, đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư, tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” và Dự án 9: “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc về các giá trị đặc sắc của văn hóa truyền thống của các dân tộc như là nền tảng tinh thần, là động lực, là nguồn lực nội sung cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; Cần tiếp tục cụ thể hóa các nội dung chính sách bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người (có số dân dưới 10.000 người) các dân tộc thiểu số tại các khu vực tái định cư dự án thủy điện liên thông, kết nối toàn diện với các chương trình, dự án có liên quan.

Nhiều tiêu chí chưa phù hợp dẫn tới sự mai một văn hóa bản địa

Cũng tại “Hội thảo Văn hóa 2022” nói về tiêu chí "cứng hóa" trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề mà Viện thực hiện một đề tài với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Qua thực tế nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Phương Châm nhận thấy rõ những hạn chế trong việc áp dụng một Bộ tiêu chí chung cho cả nước, cho tất cả các cộng đồng, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Phương Châm nêu dẫn chứng, nếu áp dụng một tiêu chí như tiêu chí nhà ở ba cứng (tường cứng, mái cứng, sàn cứng) mà Bộ Xây dựng và Chương trình nông thôn mới đưa ra như vậy thì các ngôi nhà truyền thống mang theo tất cả những tri thức bản địa, tri thức dân gian của các tộc người sẽ có nguy cơ biến mất dần.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm cũng nêu dẫn chứng tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp” trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua khảo sát nhiều địa phương, Phó Giáo sư nhận thấy rằng, những bức tường đá rêu phong rất đẹp bị phá bỏ hoặc là bị sơn chồng lên các màu sáng để cho đáp ứng tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp. Đây là một điều thực sự rất đáng tiếc.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-nhan-dien-nhung-thach-thuc-post462368.html