Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Óc Eo - Ba Thê

Óc Eo là nền văn hóa thuộc Vương quốc Phù Nam, một quốc gia cổ hình thành vào loại sớm nhất ở Đông Nam Á. Những hiện vật phát hiện được của nền văn hóa Óc Eo chứa đựng ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật, góp phần làm sáng tỏ quá trình mở mang khai phá vùng đất Nam Bộ của người Việt.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) An Giang Trương Bá Trạng cho biết, trong số hàng trăm di tích văn hóa Óc Eo được phát hiện khắp ĐBSCL, mật độ di tích tìm thấy khá dày ở tỉnh An Giang. Hiện nay, 84 di tích văn hóa Óc Eo (đã được kiểm kê) nằm ở 10 huyện, thị xã trong tỉnh.

Trong đó, có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh. Khu di tích Óc Eo - Ba Thê là địa chỉ nổi bật ĐBSCL, được nhiều nhà khoa học đánh giá là “khám phá khảo cổ học lớn ở Đông Nam Á”, với nhiều cứ liệu cụ thể, tôn chỉ liên quan trực tiếp đến lịch sử - văn hóa của các quốc gia cổ đại đầu tiên ở Đông Nam Á.

Triển lãm bảo vật quốc gia thuộc văn hóa Óc Eo

Theo Ban Quản lý Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, những thành tựu của khảo cổ học minh chứng Óc Eo - Ba Thê là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo của Vương quốc Phù Nam. Giá trị của di sản văn hóa Óc Eo vô cùng to lớn, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nền văn hóa Việt Nam.

Vào cuối thế kỷ XIX, các nhà khảo cổ tìm thấy khá nhiều tài liệu mang đặc trưng văn hóa Óc Eo, như: Bia khắc chữ Phạn, đền tháp cổ, tượng thần Bà La Môn giáo, tượng Phật giáo, sọ người, dụng cụ bằng đá, di tích thành phố…

Trong số đó, tượng thần Vishnu của Bà La Môn giáo đã chuyển hóa thành tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu (tượng bà Chúa Xứ ở TP. Châu Đốc) và Đức Phật (tượng Phật bốn tay ở chùa Linh Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Đây là nét độc đáo, sự hòa hợp văn hóa từ thuở xưa cho đến ngày nay trên vùng đất An Giang.

Không gian phân bổ của nền văn hóa Óc Eo rất rộng, trong đó Óc Eo - Ba Thê An Giang được xác định là vị trí quan trọng trong khu vực. Thời gian qua, tỉnh An Giang tăng cường nguồn lực đầu tư, cùng các cơ quan khoa học tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn di tích; ban hành nhiều chủ trương, chỉ thị về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho Khu di tích văn hóa Óc Eo, về: Kết cấu hạ tầng cơ sở, hệ thống giao thông nối liền các di tích, đồ án quy hoạch văn hóa Óc Eo; phối hợp cơ quan khoa học trong nước, quốc tế tổ chức nhiều cuộc khai quật, thám sát di tích, hội thảo, tọa đàm, viết và phát hành hàng chục đầu sách, ấn phẩm các loại có liên quan... nhằm nâng cao nhận thức, sự chung tay, góp sức của cộng đồng dân cư địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của nền văn hóa Óc Eo, bởi họ cũng chính là chủ nhân thực sự của di sản này (5.000 hiện vật được người dân trong và ngoài tỉnh tự nguyện hiến tặng).

Toàn tỉnh hiện có 88 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 8 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia (đều thuộc văn hóa Óc Eo). Phát huy giá trị Di tích văn hóa Óc Eo của các thế hệ đi trước, nhận thức sâu sắc giá trị từ hiện vật của nền văn hóa đặc biệt này, trong nhiều năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn sưu tầm, khảo cổ, nhằm phát hiện, lập hồ sơ công nhận.

Những cổ vật, di vật, di tích kiến trúc cổ được khai quật và phát hiện của văn hóa Óc Eo chứa đựng ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật; như một cột mốc để xác định giai đoạn phát triển, nghiên cứu đối với nền văn hóa rực rỡ ở ĐBSCL.

Ngoài ra, các cổ vật được công nhận còn có giá trị kinh tế rất cao, là tiêu điểm thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu khoa học, đặc biệt tác động mạnh đến yếu tố chiêm ngưỡng, khám phá của du khách gần xa. Đây là những tài sản quý giá, là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, kinh tế - văn hóa của địa phương.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê có sức hút đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước khi nghiên cứu về lịch sử - văn hóa của vùng đồng bằng hạ lưu sông Mekong, cũng như với lịch sử Đông Nam Á cổ đại. Tỉnh An Giang cần có kế hoạch, giải pháp tổng thể trong quản lý, bảo tồn, tôn tạo để phát huy giá trị di tích Óc Eo - Ba Thê, hướng đến tầm vóc di sản văn hóa của nhân loại.

Đồng thời, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ giá trị của di sản, quy định Luật Di sản văn hóa, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa, để người dân tích cực tham gia, hỗ trợ bảo vệ, phát huy giá trị di tích, nhất là hiến tặng hiện vật văn hóa Óc Eo.

MINH THƯ

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-oc-eo-ba-the-a372533.html