Bảo tồn phố cổ Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hóa: Hài hòa giữa mới và cũ

Dẫu trải qua không ít thăng trầm của lịch sử, nhưng chính bởi cái chất phố thị dân gian mà khu phố cổ Hà Nội luôn thích nghi để tồn tại trước những biến đổi của xu thế toàn cầu hóa.

 Góc phố Hàng Gai - Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Góc phố Hàng Gai - Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Bố trí lại cảnh quan kiến trúc
PGS.TS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam cho biết, từ nhiều năm nay, khu phố cổ Hà Nội thu hút được sự quan tâm của chính quyền, các chuyên gia trong nước, quốc tế và đặc biệt là của người dân. Hiện tại, khu phố cổ đã được bố trí lại cảnh quan kiến trúc để phù hợp hơn với công năng.
Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, khu phố cổ hiện nay được khoanh vùng lại trên diện tích khoảng 105ha, bao gồm địa giới hành chính của 10 phường nằm trên 79 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Toàn khu có 112 di tích lịch sử - cách mạng kháng chiến và tín ngưỡng tôn giáo, nhiều di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đặc biệt trong số các di tích có 14 di tích thờ các vị tổ nghề thủ công truyền thống của Thăng Long Hà Nội. Những đặc trưng về một phố thị dân gian đã mang lại sự “độc tôn” cho phố cổ Hà Nội mà nhiều khu phố cổ của các nước trên thế giới không có được.

Người ta nói rất nhiều đến việc cảnh quan kiến trúc khu phố cổ Hà Nội đang bị “tổn thương” do những tác động của con người từ nhu cầu về phát triển thương mại – dịch vụ - du lịch... Nhưng, nhiều người lại không để ý rằng khu phố cổ Hà Nội đang được giữ gìn rất tốt. Rất nhiều khu phố cổ của Thái Lan, Singapore, Malaysia... đã bị xóa sổ trong thời đại toàn cầu hóa.
KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội.

Theo số liệu khảo sát của TS Saori Kishihara (Đại học Tokyo – Nhật Bản), từ đầu những năm 2000 đến nay, cảnh quan kiến trúc trong khu phố cổ Hà Nội đã được bố trí lại, những công trình cao tầng và khách sạn mọc lên nhiều hơn. Các cửa hàng thương mại – dịch vụ theo hình thức kinh doanh mới đã thay thế các cửa hàng bán sản phẩm thủ công truyền thống trước đây. “Việc thay đổi về cách bố trí cảnh quan kiến trúc để phù hợp với nhu cầu cuộc sống của người dân là tất yếu, nhưng cần phải hợp lý về thiết kế kiến trúc, đảm bảo sự hài hòa giữa cái mới và cái cũ, mà ở đó người dân vẫn có thể khai thác được những giá trị kinh tế để phục vụ cuộc sống” - TS Saori Kishihara nói.
Thích ứng xu thế toàn cầu
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, những năm gần đây, khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội ngày càng nhiều. Năm 2017, Thủ đô đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế thì có đến trên 70% du khách tập trung vào khu phố cổ. Ngoài ra, còn khoảng 15 – 16 triệu lượt khách trong nước, đa phần du khách khi đến với Hà Nội đều không bỏ quan cơ hội trải nghiệm và tham quan, mua sắm tại khu phố cổ.
Những năm qua, TP đã đầu tư nguồn lực tài chính lớn để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhiều công trình trong phố cổ. Thời gian gần đây, công tác đầu tư, cải tạo đã có sự tham gia tích cực của người dân và các tổ chức DN. Nếu như trước năm 2007, 100% kinh phí cải tạo, nâng cấp đều dựa vào nguồn ngân sách của TP, từ năm 2010 trở lại đây nguồn ngân sách của TP chỉ còn khoảng 20%, 40% lấy từ ngân sách quận và 40% còn lại là sự đóng góp của người dân và DN.
“Với khu phố cổ Hà Nội, những thay đổi về cảnh quan kiến trúc, thay đổi về thiết kế đô thị là để thích ứng với xu thế toàn cầu hóa. Tuy nhiên, phần đô thị truyền thống trong phố cổ Hà Nội vẫn giữ được cái “hồn – cốt” của nó” - KTS Trần Huy Ánh nhận xét.

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bao-ton-pho-co-ha-noi-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-hai-hoa-giua-moi-va-cu-326595.html