Bảo tồn rừng lim xanh 100 tuổi đầu nguồn biên giới Việt - Lào

Gần hai thập kỷ qua, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn đã bảo tồn, phát triển 60ha lim giống ở khu vực Ngã Đôi.

 Mỗi năm có khoảng 50 - 60 vạn cây giống ra đời từ rừng lim Ngã Đôi. Ảnh: Thanh Nga.

Mỗi năm có khoảng 50 - 60 vạn cây giống ra đời từ rừng lim Ngã Đôi. Ảnh: Thanh Nga.

Rừng cây triển lãm

Trạm bảo vệ rừng Ngã Đôi, trực thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn (viết tắt là công ty lâm nghiệp Hương Sơn) đặt ở đầu nguồn dòng suối Trưng – nơi cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng nghìn hộ dân hạ lưu xã Sơn Kim I, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Nơi đây thường xuyên có 2 cán bộ thường trực chăm sóc, bảo vệ, phát triển 60 ha rừng cây bản địa nguyên sinh và tái sinh.

Năm 1989, rừng Ngã Đôi bắt đầu ngưng khai thác, chuyển sang khoanh nuôi, bảo vệ. Tuy nhiên, phải đến năm 2004, công ty xây dựng khu rừng thành vùng sinh cảnh đặc biệt để chăm sóc, nuôi dưỡng thì hệ thực vật ở đây mới sống lại đúng nghĩa “rừng vàng” vốn có.

Theo ông Trần Trung Anh, Phó phòng Lâm nghiệp của công ty, sở dĩ Ngã Đôi được chọn phát triển thành rừng cây giống bởi điều kiện đất đai, thời tiết ở khu vực này rất thích hợp cho cây lim sinh trưởng, phát triển.

Sau khi công bố quy hoạch, ngoài việc đầu tư công, của cho công tác chăm sóc, hàng tuần, hàng tháng, công ty phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý các vụ việc xâm hại rừng.

“Trước đây người dân vẫn có thói quen cần cây gỗ làm nhà hay dựng chuồng bò, chuồng lợn là vào rừng Ngã Đôi chặt gỗ. Tuy nhiên, sau một vài lần cơ quan chức năng tuyên truyền, xử phạt hành chính, thậm chí khởi tố về tội “khai thác rừng trái phép”, bà con đã thay đổi nhận thức. Khoảng 6 năm trở lại đây, rừng Ngã Đôi nói riêng, xã Sơn Kim I nói chung gần như không còn bóng dáng lâm tặc”, ông Đoàn Doanh Tuyên, Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Hương Sơn nói.

Khu rừng này được bảo vệ, phát triển thành khu rừng "triển lãm". Ảnh: Thanh Nga.

Tháng 10/2016, toàn bộ lâm phần (gần 20.000ha) do Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn quản lý ở 3 xã Sơn Kim I, Sơn Hồng, Sơn Tây (huyện Hương Sơn) được Tổ chức quản lý rừng bền vững (GFA) thẩm định, cấp chứng chỉ cho các dịch vụ hệ sinh thái, như dịch vụ lưu giữ các bon, lưu giữ nước sạch, phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất…

Công ty cũng là 1 trong 4 đơn vị đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC. Riêng 60ha rừng Ngã Đôi, nhờ được “bảo tồn” nghiêm ngặt đã trở thành khu “rừng triển lãm”, đẹp như tranh, có một không hai ở tỉnh Hà Tĩnh.

“Qua quá trình chọn lọc, mật độ cây rừng hiện tại ở Ngã Đôi đạt từ 800 - 1.000 cây/ha; chủ yếu là các loài cây bản địa quý hiếm, như: lim xanh, dổi, sến, mỡ, dẻ… Trong đó, tỷ lệ lim xanh chiếm khoảng 20%; tỷ lệ cây có đường kính 50 - 70cm chiếm khoảng 10%. Trữ lượng gỗ bình quân đạt 150 - 180 m3/ha”, ông Trần Trung Anh thông tin.

Chốt chặn ngay cửa rừng để ngăn chặn người dân xâm hại. Ảnh: Thanh Nga.

Điểm đặc biệt ở khu rừng này là phát triển đồng đều toàn bộ diện tích và có đủ 5 tầng tán của một khu rừng tự nhiên, gồm: Tầng cây bụi, tầng cây nhỡ, tầng tái sinh, tầng cây cao và tầng vượt tán.

Anh Nguyễn Đình Xuyên, công nhân Trạm bảo vệ rừng Ngã Đôi chia sẻ, năm 2000 anh bắt đầu nhận công tác tại Trạm. Hàng ngày, ngoài việc tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng, nhiệm vụ chính của anh là sẻ phát dây leo, cây bụi, tạo không gian thông thoáng cho rừng giống phát triển.

Tròn hai thập kỷ ăn, ngủ với rừng, chứng kiến từng cây lim, cây dổi “trưởng thành”, bây giờ với anh Xuyên nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ rừng không chỉ là miếng cơm, manh áo mà còn để thỏa niềm đam mê.

Vô giá

Khi chúng tôi ngỏ ý định giá giá trị của khu rừng, cả chủ rừng và cán bộ kiểm lâm đều cười, bảo: “Rừng này vô giá”.

Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ, phát triển gần 20.000ha rừng ở các xã Sơn Hồng (9.600ha); Sơn Tây (3.800ha) và Sơn Kim I (6.500ha), huyện Hương Sơn. Trong đó, 19.100ha là rừng tự nhiên, diện tích còn lại là rừng trồng và đất trống.

Cái vô giá mà ông Trần Trung Anh phân tích, đó là giá trị to lớn trong công tác phòng hộ, từ phòng hộ đầu nguồn nước, phòng hộ đất đai, chống xói mòn đến giữ ổn định môi sinh, môi trường.

Hơn nữa, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc gìn giữ, phát triển những rừng cây gỗ lớn như Ngã Đôi sẽ góp phần rất lớn điều hòa không khí, giảm nhiệt cho “chảo lửa” các huyện phía Tây Hà Tĩnh. Đồng thời, duy trì, phát triển nguồn gen quý hiếm của các loài cây bản địa, đặc biệt là lim xanh.

Đối với công tác nhân giống, khoảng tháng 11 dương lịch hàng năm, công nhân Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn tiến hành sẻ phát, trải bạt dưới gốc cây để thu gom, tuyển chọn hạt giống. Bình quân mỗi năm có khoảng 50 - 60 vạn cây giống ra đời từ rừng cây cây bản địa này.

Tuy nhiên, số lượng cây giống sản xuất ra chưa thương mại hóa được mà chủ yếu phục vụ tái sản xuất của công ty. Nguyên nhân được xác định là do chi phí sản xuất cây giống lớn, trong khi giá bán thấp nên thu không đủ bù chi.

Hàng trăm cây lim giống từ 20 - 30 tuổi được bảo vệ như "báu vật". Ảnh: Thanh Nga.

“Chúng tôi đã bảo tồn được rừng lim giống, song việc phát triển nó cần có sự chung tay của Nhà nước. Với đơn giá hỗ trợ như hiện nay (200.000 đồng/ha), rất khó để đảm bảo đời sống cho công nhân bảo vệ rừng”, Lãnh đạo công ty lâm nghiệp Hương Sơn nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, để gia tăng giá trị của rừng tự nhiên, tỉnh Hà Tĩnh, Trung ương cần xem xét, hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm của dịch vụ hệ sinh thái, đặc biệt là dịch vụ lưu giữ các bon của rừng, góp phần giúp công ty có thêm nguồn thu để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và xây dựng rừng.

Thanh Nga

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bao-ton-rung-lim-xanh-100-tuoi-dau-nguon-bien-gioi-viet--lao-d260092.html