Bảo tồn thảm thực vật thủy sinh tại phá Tam Giang - Cầu Hai

Thảm thực vật thủy sinh sống chìm (TVTSSC) là một trong ba hệ sinh thái biển điển hình tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Chúng có vai trò rất quan trọng đối với các loài thủy hải sản và tham gia vào quá trình điều hòa khí hậu.

Nghiên cứu, phân loại các loài TVTSSC tại phá Tam Giang - Cầu Hai. Ảnh: CÔNG TÍN

Ngôi nhà của sinh vật biển

Hơn 15 năm nay, PGS.TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế, đau đáu về những thảm TVTSSC tại vùng duyên hải miền Trung, đặc biệt tại phá Tam Giang – Cầu Hai. Cứ vào đến hè, khi thời tiết thuận lợi, thầy Tín cùng với các sinh viên lại đi tìm những thảm TVTSSC để đánh dấu, xác định diện tích, mật độ… của hệ sinh thái biển này. Bởi, nơi đây đóng vai trò rất quan trọng với hệ sinh thái biển, được mệnh danh là “ngôi nhà” của sinh vật biển.

“Các thảm TVTSSC được xem như là một rừng mưa nhiệt đới. Chúng cung cấp nơi trú ẩn, kiếm ăn và sinh sản cho sinh vật biển và đất liền; đảm bảo khả năng chống xói lở, bảo vệ đường bờ; hấp thụ chất dinh dưỡng, chất thải từ đất liền; cung cấp nguồn nguyên liệu và nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao”, PGS. TS. Hoàng Công Tín cho biết. Đặc biệt, các thảm TVTSSC đóng vai trò quan trọng trong hấp thụ khí CO2 từ khí quyển và chuyển hóa thành chất thực vật. Nghiên cứu của ThS. Cao Văn Lương, Học viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào năm 2019 chỉ ra rằng, khoảng 33 tỷ tấn CO2 (chiếm khoảng 75% lượng khí thải trên thế giới) được lưu trữ trong các bể ngầm chứa carbon xanh của các hệ sinh thái này. Mỗi ha TVTSSC có thể giữ một lượng CO2 gấp đôi so với mỗi ha rừng mưa.

Quan trọng là thế, tuy nhiên thảm TVTSSC tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cũng từng trải qua những biến động lớn, tưởng chừng khó để phục hồi. Tổng diện tích thảm TVTSSC ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã giảm đến 1.200ha (từ 2.200ha còn 1.000ha) trong 15 năm (từ 1996-2010), trung bình mỗi năm giảm khoảng 80ha. Nguyên nhân gây suy giảm diện tích thảm TVTSSC bao gồm các nguyên nhân tự nhiên như bão, ngập lụt, nông hóa thủy vực, lấp - mở cửa đầm phá và các nguyên nhân do con người như hoạt động phát triển kinh tế, nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản không hợp lý…

“Các hoạt động đô thị hóa, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt phát thải nhiều tác nhân ô nhiễm vào đầm phá như các chất ô nhiễm hữu cơ, các hợp chất của nitơ và photpho, dầu mỡ, các vi khuẩn gây bệnh… đóng góp vào làm giảm chất lượng môi trường nước, gây bất lợi cho sự phát triển của thảm TVTSSC. Ngoài ra, việc khai thác quá mức, đánh bắt hủy diệt và phát triển nuôi trồng thủy sản cũng làm suy giảm đa dạng sinh học và diện tích phân bố thảm TVTSSC trong giai đoạn 1996 - 2010”, PGS.TS. Hoàng Công Tín phân tích.

Trước thực tế suy giảm diện tích thảm TVTSSC, từ những năm 2000 đến 2010, đã có một số dự án quốc tế về quản lý môi trường đầm phá như Dự án Việt Nam - Hà Lan “Quản lý tổng hợp vùng bờ biển Việt Nam” thực hiện ở ba điểm trình diễn Nam Định, Thừa Thiên Huế và Bà Rịa - Vũng Tàu; Dự án “Quản lý tổng hợp các hoạt động trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai” do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ trong giai đoạn 2005-2010... Cùng với sự nỗ lực từ chính quyền các cấp trong triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh, hiện diện tích thảm TVTSSC đạt khoảng 2.037ha.

Cần những hoạt động bảo tồn

Mặc dù thảm TVTSSC tại hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được phục hồi nhưng giờ đây hệ sinh thái này rất dễ bị tổn thương, đặc biệt do vấn đề về rác thải nhựa. Các hoạt động du lịch, dịch vụ được khai thác tại vùng đầm phá này đã phát thải nhiều chất nhựa vào đầm phá. Nhựa và các hạt vi nhựa bám vào TVTSSC, lắng đọng và phủ lên chúng…, ảnh hưởng bất lợi đến sự tăng trưởng và phát triển của thảm TVTSSC.

Cuối tháng 3 vừa qua, kỳ họp chuyên đề lần thứ 10 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thảo luận và thông qua Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030. Đề án xác định mục tiêu phát triển vùng Tam Giang – Cầu Hai thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á và trở thành “Công viên đầm phá Quốc gia” có vùng đất ngập nước, khu dự trữ môi trường sinh quyển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đó, theo PGS.TS. Hoàng Công Tín, việc bảo vệ các hệ sinh thái biển nói chung và thảm TVTSSC tại phá Tam Giang - Cầu Hai nói riêng là điều cần thiết. “Một số giải pháp hỗ trợ công tác quản lý hệ sinh thái nói chung và thảm TVTSSC nói riêng có thể cân nhắc như triển khai nghiên cứu xây dựng bản đồ phân vùng và ước tính diện tích thảm TVTSSC, đánh giá đặc điểm sinh thái, môi trường nhằm xây dựng các giải pháp bảo tồn hiệu quả; triển khai các nghiên cứu chi tiết về chất thải nhựa, và các tác động của chúng đến thảm TVTSSC ở vùng đầm phá và biển ven bờ nhằm tìm kiếm giải pháp thu gom và xử lý chất thải nhựa; tiếp tục thực hiện các hoạt động quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường đầm phá và biển ven bờ như kiểm soát chặt chẽ các hoạt động bảo vệ môi trường của các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ và du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải đổ vào đầm phá… Các hoạt động đó sẽ hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và thảm TVTSSC nói riêng, đóng góp vào quản lý và khai thác bền vững tài nguyên và môi trường vùng đới bờ”, PGS.TS. Hoàng Công Tín nhận định.

ĐĂNG TRÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/giu-gin-tham-thuc-vat-thuy-sinh-tai-pha-tam-giang-cau-hai-140742.html