Bảo tồn, trùng tu biệt thự theo 'vốn có' hay 'vốn cũ'?

Mấy hôm nay, dư luận ồn ào khi được mục sở thị biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - công trình trùng tu của dự án bảo tồn biệt thự mẫu.

Ảnh minh họa/INT.

Mấy hôm nay, dư luận ồn ào khi được mục sở thị biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - công trình trùng tu của dự án bảo tồn biệt thự mẫu trong khuôn khổ hợp tác giữa TP Hà Nội và vùng Ile-de-France (Pháp), quận Hoàn Kiếm và Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France (PRX) từ năm 2016 - được “tạm diện” “tấm áo mới”.

Cơ sự ồn ào này bắt nguồn từ thắc mắc vì sao “tấm áo” ấy không chỉ bị vàng quá đậm, mà còn có kẻ chỉ màu đỏ giả gạch lạ lẫm chứ không phải là màu vàng nhạt kẻ chỉ trắng như vốn thấy từ những biệt thự Pháp ở phố cổ Hà Nội? Rồi cả những ô cửa sổ trở nên kém duyên dáng vì không có gờ mi giống với lúc trước khi bảo tồn?

Tiếp sau đó, ồn ào được nối dài bằng những bàn luận mở rộng về thực trạng công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn bấy lâu nay luôn là chủ đề nói mãi, chê mãi mà vẫn không hết khúc mắc. Thường thì, có không ít ý kiến của dư luận đưa ra mang tính phát hiện và khá xác đáng, kịp thời nên được lắng nghe.

Thế nhưng, với biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, những ồn ào ấy vấp ngay phải ý kiến trao đổi của chuyên gia quốc tế - ông Emmanuel Cerise, chuyên gia Pháp giúp hỗ trợ chuyên môn cho dự án.

Ý kiến ấy gồm những lý lẽ có căn cứ từ kết quả chuyên gia đã thám sát chuyên môn kỹ càng về màu sắc sơn tường mặt ngoài và gờ mi một số cửa sổ cũng như sự so sánh, liên hệ với những công trình tương tự từng được xây dựng ở Pháp.

Đến giờ, kết luận cuối cùng về việc biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sẽ “diện áo” màu nào trong dự án bảo tồn này vẫn còn bỏ ngỏ. Song rõ ràng cách sớm trao đổi thẳng thắn của chuyên gia người Pháp ngay khi dư luận lên tiếng đã đem đến góc nhìn nhiều chiều cũng như gợi mở nhiều điều thú vị không chỉ về quá trình thực hiện trùng tu dự án, mà còn mở mang thêm về cách nghĩ cố hữu lâu nay.

Đó là cách nghĩ: Đã trùng tu là phải làm cho cũ kỹ, phủ màu sương khói mà quên mất rằng trùng tu là đưa nó về nguyên bản “vốn có” (như ban đầu) chứ không phải “vốn cũ” (bị thay đổi theo thời gian)...

Đồng thời, trao đổi cởi mở này còn góp phần thúc đẩy những đối thoại, phản biện thực sự sắc sảo, thuyết phục xuất phát từ sự hiểu biết có cơ sở chứ không chỉ bằng bình luận cảm tính thiếu nguồn dữ liệu (qua ảnh chụp) cùng cái liếc mắt nói theo đám đông; hoặc vì không thấy quen mắt, thuận mắt liền lớn tiếng chê không tiếc lời.

Tất nhiên, để thuyết phục hơn với công chúng còn cần lắm từ các đơn vị chủ trì dự án về việc trưng bày công khai kết quả nghiên cứu được chọn làm cơ sở trùng tu gốc cho dự án này.

Khi mọi việc đã tỏ tường thì dự án sẽ dễ dàng được đón nhận, từ đó mở ra chặng đường mới cho công tác bảo tồn, trùng tu hướng đến giá trị vốn có trên cơ sở nghiên cứu khoa học thuyết phục để phát huy hiệu quả.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-ton-trung-tu-biet-thu-theo-von-co-hay-von-cu-post634939.html