Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Ba Chẽ

Trong thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.

Phụ nữ các dân tộc của huyện Ba Chẽ thi nấu cơm gánh trong lễ hội đình Làng Dạ.

Về bảo tồn giá trị các di tích, danh thắng, huyện đã thực hiện quy hoạch đối với: Khu Văn hóa các dân tộc tại khu 7, thị trấn Ba Chẽ, di tích lịch sử đình Làng Dạ, di tích lịch sử Miếu Ông, Miếu Bà - Nam Sơn với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng. Huyện thực hiện cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ đối với: Di tích lịch sử khu căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của tỉnh Hải Ninh tại xã Lương Mông và xã Minh Cầm, di tích lịch sử Lò Sứ cổ với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Công tác trùng tu di tích cũng được huyện rất quan tâm, trong đó: Miếu Bà được trùng tu năm 2014 với diện tích nhà Miếu 58,52m2, tổng kinh phí đầu tư hơn 1,9 tỷ đồng; Miếu Ông được trùng tu năm 2015 với diện tích nhà Miếu 175m2, tổng kinh phí đầu tư 6,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Hiện nay, huyện đang triển khai thi công xây dựng bờ kè chống sạt lở tại khu vực Miếu Ông.

Việc trùng tu tôn tạo di tích luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ về kinh phí, vật chất của các ban, ngành, nhân dân và du khách. Các di tích lịch sử danh thắng ở Ba Chẽ đã hình thành tuyến điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận gồm: Tuyến du lịch tâm linh (Di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà, chợ trung tâm Ba Chẽ và các điểm phụ trợ di tích Lò Sứ cổ, dòng sông Cổ Ngựa); tuyến du lịch tổng hợp (Chợ trung tâm Ba Chẽ; Di tích lịch sử - văn hóa căn cứ địa cách mạng Hải Chi (đình Làng Dạ) và các điểm phụ trợ trung tâm tổ chức hoạt động văn hóa các dân tộc (Quảng trường 4/10), thác Khe Lạnh, thác Khe Lùng, trang trại Trà Hoa Vàng). Các tuyến điểm nói trên đã thu hút một lượng lớn du khách.

Về văn hóa phi vật thể, hàng năm huyện đều tổ chức thành công các lễ hội: Đình Làng Dạ; Lồng Tồng; Miếu Ông-Miếu Bà; Trà hoa vàng, thu hút hàng chục nghìn lượt du khách. Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: “Chúng tôi chủ trương tổ chức các lễ hội theo hướng vui tươi, lành mạnh, bảo tồn các giá trị văn hóa nhưng đảm bảo tiết kiệm. Ví dụ lễ hội đình Làng Dạ vừa rồi chúng tôi lồng ghép tổ chức “3 trong 1” cùng với sự kiện xã Thanh Lâm đón nhận quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và lễ trồng cây đầu năm”.

Lễ hội đình Làng Dạ, nghi thức dựng cây nêu đầu năm và các trò chơi dân gian.

Huyện đã mở 9 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể với tổng số 538 học viên. Đó là các lớp hát đối của dân tộc Dao Thanh Y tại xã Nam Sơn, lớp thêu thổ cẩm của dân tộc Dao Thanh Phán tại xã Đồn Đạc, lớp hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chay tại xã Thanh Lâm, lớp thêu thổ cẩm của dân tộc Dao Thanh Y tại xã Nam Sơn, lớp hát đối của dân tộc Dao Thanh Phán tại xã Đồn Đạc, lớp hát Then đàn tính của dân tộc Tày tại xã Đạp Thanh, lớp truyền dạy đan lát bằng mây, tre, lá cọ tại xã Đạp Thanh, lớp truyền dạy thêu thổ cẩm của dân tộc Sán Chay tại xã Thanh Sơn, lớp học tiếng dân tộc Dao Thanh Phán cho cán bộ, công chức, viên chức trong huyện. Huyện còn phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Trong đó, đoàn còn thu thập được từ các nghệ nhân một số tư liệu có liên quan như: Sách làm Lễ Phùn Vòng, sách so tuổi đám cưới của tộc người Dao Thanh Y và Thanh Phán. Huyện cũng mời Hội VNDG Quảng Ninh về nghiên cứu nhà ở truyền thống, trang phục dân tộc, lễ hội, nghi lễ lập bàn thờ cổ, lễ cấp sắc, cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán sản xuất nông nghiệp, phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện sưu tầm tại 8 xã, thị trấn về trang phục, đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất truyền thống của các dân tộc Dao, Sán Chay.

Thầy mo thực hiện nghi thức dựng cây nêu đầu năm.

Đến nay, huyện đã thành lập 8 CLB văn hóa phi vật thể như: CLB hát Đối của dân tộc Dao Thanh Y tại Nam Sơn, CLB hát đối của dân tộc Dao Thanh Phán tại Đồn Đạc, CLB thêu thổ cẩm của dân tộc Dao Thanh Y tại Nam Sơn, CLB thêu thổ cẩm của dân tộc Dao Thanh Phán tại Đồn Đạc, CLB hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chay tại các xã Đạp Thanh, Thanh Lâm và Thanh Sơn, CLB Hát then đàn tính của dân tộc Tày tại Đạp Thanh, CLB thêu thổ cẩm dân tộc Sán Chay tại Thanh Sơn. Các câu lạc bộ cùng với nghệ nhân dân gian đã thực hành truyền dạy lễ cấp sắc, lễ lập bàn thờ cổ của người Dao, lễ cưới, lễ tang ma của các dân tộc cơ bản thực hiện theo nếp sống văn hóa, văn minh, bảo tồn các trò chơi dân gian.

Hàng năm, huyện Ba Chẽ cử các đội nghệ nhân tham gia trình diễn trang phục dân tộc và lễ cấp sắc của dân tộc Dao Thanh Y tại lễ hội Carnaval Hạ Long, ngày Hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc và giải thể thao các dân tộc; phối hợp với huyện Bình Liêu tổ chức giao lưu các CLB hát dân ca các dân tộc Dao, Tày, Sán Chay. Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện còn tổ chức cho các em học sinh mặc trang phục dân tộc vào buổi chào cờ thứ 2 hàng tuần và mặc vào các ngày lễ lớn, lễ kỷ niệm; trình diễn trang phục dân tộc, thi gói bánh coóc mò, bánh gù, đẩy gậy, kéo co, tung còn; tổ chức phiên chợ vùng cao thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia.

Về tri thức dân gian, huyện khai thác các kinh nghiệm khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp cổ truyền: thuốc chữa bệnh dạng uống, ngâm, tắm, xoa bóp... Trung tâm Y tế huyện đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; duy trì vườn thuốc Nam tại các trạm y tế, tổ chức điều tra trên địa bàn huyện có nhiều loại cây thuốc quý như: Ba kích tím, nấm linh chi, quế, kim ngân hoa, nhân trần, địa liền, sâm cau.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã luôn nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, nhất là các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể được các giảng viên, học viên hưởng ứng nhiệt tình. Chị Vi Thị Tuyến, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian huyện Ba Chẽ, cho biết: Đặc biệt lớp truyền dạy hát then đàn tính tại xã Đạp Thanh mặc dù thời tiết diễn biến thất thường song các giảng viên, học viên chăm chỉ học tập. Các giảng viên đa số ở tuổi cao niên tuổi đời từ 65 đến 70, các loại hình này tồn tại chủ yếu trong trí nhớ, song các giảng viên soạn giảng giáo án kỹ lưỡng trước khi giảng dạy. Từ đó giúp nhân dân nâng cao nhận thức giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201903/bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-o-ba-che-2434287/