Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch

Du khách đến Ninh Bình không chỉ biết đến các địa danh du lịch nổi tiếng như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc -Bích Động, Nhà thờ đá Phát Diệm... mà còn biết đến một số làng nghề mỹ nghệ nổi tiếng của tỉnh.

Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống cần phải gắn với việc phát triển du lịch, để tạo sức hấp dẫn riêng đối với khách du lịch. Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 60 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) truyền thống, trong đó có 36 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 16 làng nghề chế biến cói, 5 làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, 4 làng nghề thêu ren, 5 làng nghề mây tre đan, 1 làng nghề sản xuất cốt chăn bông, 2 làng nghề bún, 2 làng nghề mộc, 1 nghề làng gốm mỹ nghệ. Hoạt động của các làng nghề này đã tạo việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động vùng nông thôn, đồng thời cũng tạo những nét riêng của các làng nghề để khách du lịch tìm hiểu, khám phá. Huyện Hoa Lư có hai làng nghề nổi tiếng là: Nghề thêu Văn Lâm và nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân. Thôn Văn Lâm là 1 trong 5 thôn của xã Ninh Hải nằm trên đường đi Tam Cốc - Bích Động. Đến nay thôn có 840 hộ với 1.200 lao động, trong đó số hộ tham gia làm nghề thêu truyền thống là 528 hộ, chiếm gần 63%. Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 15,18 tỷ đồng/20,7 tỷ đồng giá trị sản xuất của cả thôn. Các doanh nghiệp và tổ hợp sản xuất trong thôn ngoài tạo việc làm cho lao động trong thôn còn thu hút đông lao động ở các địa phương lân cận tham gia với thu nhập bình quân 800 nghìn đồng/người/tháng. Xã Ninh Vân với lợi thế núi đá vôi chiếm trên 32% diện tích đất tự nhiên của xã, nên ngoài nghề nông ở đây còn có nghề chế tác đá mỹ nghệ. Hiện nay trên địa bàn xã có 12/13 thôn làm nghề chế tác đá mỹ nghệ, trong đó có 5 thôn được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề TTCN, với 35 doanh nghiệp tư nhân và 435 hộ tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế tác đá mỹ nghệ. Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp đạt được từ chế tác đá của xã đạt trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp toàn xã. Làng nghề mộc truyền thống Phúc Lộc, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) được UBND tỉnh công nhận làng nghề năm 2006 với các sản phẩm chính là sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống, giá trị sản xuất từ nghề mộc chiếm 47% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn phường. Được biết hiện thành phố Ninh Bình đang tiến hành quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Ninh Phong với diện tích dự kiến là 23 ha, đã phê duyệt giai đoạn I là 10,09 ha, về cơ bản xây xong cơ sở hạ tầng giai đoạn I. Đã có 11 doanh nghiệp và 58 hộ kinh doanh thuê đất tại cụm, trong đó phần lớn các doanh nghiệp và hộ đều làm nghề mộc. Huyện Kim Sơn còn nổi tiếng với làng nghề rượu Lai Thành. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện số hộ thực hiện sản xuất rượu thủ công khoảng 1.500 hộ/3.300 hộ, chiếm 45% tổng số hộ dân của làng. Giá trị sản xuất công nghiệp thu được từ hoạt động sản xuất rượu đạt 35% giá trị sản xuất công nghiệp của xã. Để giúp khách du lịch có điều kiện được thưởng thức những đặc sản, hương vị truyền thống của quê hương, trong thời gian tới Sở Công thương sẽ phối hợp với UBND huyện Kim Sơn tiếp tục xây dựng, phát triển làng nghề sản xuất rượu Lai Thành đáp ứng tiêu chuẩn trở thành làng nghề sản xuất rượu thủ công. Ninh Bình có nhiều làng nghề TTCN truyền thống, song theo đánh giá của Sở Công thương thì phần lớn các làng nghề còn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, chưa bắt kịp với sự phát triển của thị trường, chưa kết hợp với việc phát huy các giá trị truyền thống để phát triển du lịch ngay tại làng nghề. Lý giải điều này, bà Đỗ Thị Giàn, Trưởng Phòng quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho rằng: Điểm yếu để phát triển làng nghề gắn với du lịch ở Ninh Bình là khâu tiếp thị; hướng dẫn viên tại các làng nghề còn thiếu lại yếu. Ở các địa phương chưa có Ban quản lý làng nghề. Để giữ gìn và phát triển các làng nghề cần gắn du lịch thông qua các hình thức xây dựng, tổ chức các tuyến du lịch gắn với làng nghề; phát triển thêm những làng nghề mới có triển vọng trên cơ sở phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Để thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề TTCN, trong thời gian tới Phòng quản lý công nghiệp (Sở Công thương) sẽ tổ chức đoàn tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương có nhiều và đa dạng các làng nghề như: Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng... Phối kết hợp với ban, ngành, các địa phương tăng cường đào tạo kiến thức marketing, kiến thức về kỹ thuật và thiết kế sản phẩm cho thợ thủ công; thực hiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất, thuế đối với các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làng nghề để nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến mục tiêu thu hút khách du lịch tham quan các làng nghề theo các tour: du lịch làng nghề.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=358707&co_id=30361