Bảo tồn và phát triển di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ

Sau thời gian khai quật khảo cổ, nghiên cứu khoa học, hiện di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ được xếp hạng là di tích cấp thành phố. Để có được danh xưng như vậy, đó là một quá trình lâu dài.

Di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ

Di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ

Là nền móng của những ngôi tháp Chăm

Trở lại di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), hố thiêng được lợp tạm mái tôn, các công nhân đang mang những bao cát đắp xung quanh, ngăn chặn nước mưa làm phá hỏng di tích. Các hiện vật được tìm thấy tại di tích này như tượng sư tử, bệ trụ trang trí voi, rắn thần... đã được mang về trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Phía ngoài, con đường dẫn vào di tích cũng đang được làm mới, khang trang hơn.

Hiện vật Siva múa đã được đưa về Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nhưng nơi phát hiện chúng hầu như vẫn chưa được nhiều người biết đến

Sau 2 lần khai quật, tháng 8-2018, nhóm chuyên gia Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và Bảo tàng điêu khắc Chăm một lần nữa khẳng định, khu di tích đền tháp Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy thuộc sông Cẩm Lệ. Di tích này có khả năng được quy hoạch với các cấp nền khác nhau với một đền tháp chính ở cấp nền trung tâm cao nhất, vây quanh là hệ thống tường bao, ngăn cách khu vực trung tâm với vùng ngoại vi. Căn cứ các hoa văn trang trí trên gạch di tích, các nhà nghiên cứu xếp niên đại vào khoảng thế kỷ X và được người Champa duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII.

Hiện trường khai quật

Khó ai có thể hình dung, di tích này được đánh giá có giá trị tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng. Đây cũng là di tích duy nhất cho đến nay trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng kiến trúc.

Theo ông Phan Công Hải, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, sau khi khai quật, các chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của tháp Phong Lệ với kỹ thuật xây cất, chạm khắc trên gạch truyền thống kỹ thuật Champa cũng như những tác phẩm điêu khắc đá mang kỹ thuật, đề tài nội dung tôn giáo truyền thống với phong cách thể hiện vừa có tính truyền thống, vừa manh nha dấu hiệu đột phá của một phong cách nghệ thuật mới là đóng góp sáng giá vào việc tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc tháp, nghệ thuật điêu khắc đá Champa trong tiến trình phát triển nền văn hóa này. Đây chính là tư liệu quý, những đóng góp mới cho việc nghiên cứu bản sắc văn hóa Champa, một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân tộc trong lịch sử.

Hố thiêng là di chỉ quan trọng nhất của toàn bộ khu di chỉ khảo cổ

“Việc tìm thấy “hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng tháp là một phát hiện mới, có ý nghĩa khoa học lớn trong quá trình khảo cổ, nghiên cứu đối với kiến trúc và nền văn hóa Chăm còn nhiều ẩn số. Đây là hố thiêng có kích thước lớn nhất trong các hố thiêng của đền tháp Chăm được phát hiện đến thời điểm này”, ông Hải cho biết.

Hiện việc bảo tồn và khai thác di tích có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Thuận lợi đầu tiên đó là di tích có điều kiện về không gian để bảo tồn và khai thác, quỹ đất lân cận còn nhiều được chính quyền thành phố phê duyệt bố trí gần 20.000m2 cho phạm vi bảo tồn phát huy giá trị di tích.

Không những thế, di tích nằm ngay trong một vùng có lịch sử văn hóa phong phú, có những danh xưng lễ hội ngành nghề truyền thống nổi tiếng, nằm ngay ở gần bờ sông và quốc lộ dễ kết nối các tuyến du lịch. Tuy vậy, phần trực quan còn lại của di tích khá ít ỏi, chỉ là phần nền móng, không phải là những kiến trúc trên mặt đất dễ dàng đập vào mắt người nhìn.

Phát triển các tuyến du lịch với di tích

Tại TP Đà Nẵng, ngoài tài nguyên thiên nhiên, môi trường, dịch vụ không ngừng được nâng cao thì hệ thống các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng chính là nét đặc trưng, làm phong phú thêm môi trường, sản phẩm du lịch trong dòng chảy của một đô thị hiện đại.

Hố thiêng tại di tích Chăm Phong Lê với cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất được che chắn bằng mái tôn

Việc đầu tư, tôn tạo khu di tích Chăm Phong Lệ sẽ có tác dụng đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, du lịch tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cùng với di tích Nghĩa Trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung), khu di tích này trong tương lai sẽ là một phần trong cụm các di tích lịch sử, văn hóa được liên kết để phát triển du lịch. Sau khi đề án được triển khai, địa phương sẽ hướng cộng đồng nhân dân sinh sống trong vùng quy hoạch cùng tham gia công tác bảo tồn di tích, từng bước đưa các giá trị kinh tế gắn với việc bảo tồn di tích thông qua các hoạt động du lịch, phát triển làng nghề truyền thống.

Hố thiêng cũng được đắp bao cát xung quanh để ngăn chặn nước mưa

“Các địa phương lân cận của làng Phong Lệ đều có những ngành nghề truyền thống, những sản phẩm nổi tiếng, bánh khô mè Cẩm Lệ, làng chiếu Cẩm Nê, làng đan tre Yến Nê,... Đây là nguồn lực có thể tổ chức trưng bày giới thiệu trong chương trình tham quan di tích Chăm Phong Lệ. Du khách sẽ trải nghiệm các loại hình văn hóa bản địa khác nhau không chỉ dừng lại ở hình ảnh trực quan”, ông Tiến nhìn nhận.

Vật liệu xây dựng di tích chủ yếu là gạch, đá và ngói....

Di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ sẽ là một địa chỉ hấp dẫn của Đà Nẵng mà ai đến đây cũng đều muốn ghé thăm. Bởi, ngay giữa lòng thành phố, du khách được chiêm ngưỡng một phần kiến trúc tổng thể của đền tháp với những đặc trưng nghệ thuật điêu khắc và tín ngưỡng của người Champa. Cùng với khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, đây có lẽ là điểm đến không thể thiếu trong chương trình tour của du khách trong nước và quốc tế trên địa bàn.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bao-ton-va-phat-trien-di-tich-khao-co-cham-phong-le-714872.html