Bảo tồn và phát triển tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ

Nằm trong chuỗi sự kiện Festival Chí Linh - Hải Dương 2023, sáng 29/9, tại Di tích lịch sử - Danh thắng Quốc gia Đền Mẫu Sinh diễn ra Liên hoan thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Dự Liên hoan thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong khuôn khổ Fesstival Chí Linh - Hải Dương 2023 có các nghệ nhân, thanh đồng đạo quan, thủ nhang đồng đền, đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Minh Thắng, Trưởng Ban tuyên giáo TP Chí Linh cho biết: “Ban tổ chức đã chuẩn bị chu đáo công tác từ quảng bá, tuyên truyền đến trang hoàng sân khấu và các nghi thức đàn lễ anh linh tố hảo”.

Liên hoan diễn ra trong 2. Ngày 29/9, tại Đền Mẫu Sinh sẽ có 6 thanh đồng tham gia diễn xướng. Ngày 30/9, tại đền Thánh Hóa có 9 nghệ nhân ưu tú và thanh đồng diễn xướng, 3 thanh đồng khác tham gia diễn xướng tại Đền Mẫu Sinh.

Các giá hầu đồng gắn với các nhân vật lịch sử và tôn vinh công lao của Đức Thánh Mẫu Thạch Bàn, Đức Thánh Phi Bồng-Hiệu Thiên Thiên Đế đã có công âm phù hộ quốc, bảo trợ cho nhân dân được khang cường, mùa màng tươi tốt.

Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt mang sắc thái nguyên thủy và có chiều dài lịch sử hàng nghìn năm. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được cộng đồng sáng tạo và trao truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện quan điểm về ứng xử giữa con người với con người, con người và thiên nhiên, trong đó đề cao vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong cuộc sống gia đình và xã hội.

Những người đứng giá hầu đồng được gọi chung là thanh đồng - người trực tiếp thực hành nghi lễ hầu đồng. Thanh đồng Vũ Quốc Đoàn, thủ nhang của Linh Sơn Bảo Điện trình diễn hầu giá: Đức Thánh Trần, chúa Nguyệt Hồ, Quan đệ nhất tại liên hoan.

Dàn nhạc của từng thanh đồng cùng những lời hát văn góp phần làm nên thành công cho từng giá hầu.

Đền Sinh Mẫu là di tích có từ lâu đời, nằm ở thôn An Môn, xã Lê Lợi. Di tích thờ Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên và Đức Thánh Mẫu Thạch Linh.

Hàng trăm năm nay, việc thực hành tín ngưỡng được nhân dân địa phương nơi đây thực hiện theo đúng đặc trưng của tín ngưỡng này, đó là nghi thức hầu đồng, hát văn.

Người dân làng An Mô (Chí Linh) còn truyền dạy cho nhau nghề hát văn để phục vụ cửa đền của quê hương. Hiện nay, làng An Mô có hàng trăm người dân biết hát văn, trong đó có hàng chục người làm nghề hát văn phục vụ các cửa đền, cửa phủ. Ngoài phục vụ cửa đền quê hương, cung văn nơi đây còn đi khắp các đền, phủ trong và ngoài tỉnh để phục vụ các nghi thức hầu đồng, lễ thánh.

Nghề hát văn đã trở thành một một nghề để giúp người dân nơi đây mưu sinh. Nghề hát văn ở An Mô cũng đang được các cấp chính quyền và ngành chức năng có kế hoạch xây dựng trở thành làng nghề để phát triển du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách thập phương.

Với giá trị nổi bật, được coi là một phương thức quan trọng đối với các cộng đồng để thể hiện ký ức lịch sử, bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết và đáp ứng nhu cầu tâm linh, năm 2016, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong ảnh Nhà sử học Lê Văn Lan và GS.TS Trương Quốc Bình (ngoài cùng bên phải) dâng hương tại Đền Mẫu Sinh.

Bảo tồn và phát triển tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ.

Tuấn Tuấn/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/bao-ton-va-phat-trien-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-post1049325.vov