Bảo tồn văn hóa các dân tộc Tuyên Quang

Là tỉnh có 22 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa truyền thống riêng, tỉnh Tuyên Quang luôn coi trọng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa ấy, góp phần làm phong phú nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Đến nay, các xã, thị trấn thuộc huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã thành lập được các câu lạc bộ (CLB) hát then, trong đó có 10 CLB hát then, đàn tính sinh hoạt đều đặn hằng tháng. Phòng Văn hóa - Thông tin và Trung tâm văn hóa huyện Na Hang triển khai nhiều giải pháp, giúp các CLB hoạt động hiệu quả và ổn định. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ đàn tính cho các CLB, mỗi chiếc đàn trị giá 700 nghìn đồng.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Yên Sơn Nguyễn Hồng Hải cho biết, những năm qua, Trung tâm văn hóa huyện trực tiếp tham gia hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho các CLB. Với 16 CLB của huyện Yên Sơn, cứ ba năm một lần huyện tổ chức Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật quần chúng. Hằng năm, trung tâm cử các thành viên trong CLB theo học các lớp biểu diễn, nâng cao chất lượng nghệ thuật do tỉnh tổ chức.

Các làn điệu then, cọi, sli, lượn cùng với cây đàn tính là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tày. Trong đó, hát then - đàn tính được coi là linh hồn trong nghệ thuật dân ca dân vũ. Từ bao đời nay, người Tày coi đàn tính là một phương tiện giao tiếp mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Người Dao có văn hóa truyền thống đặc sắc, phản ánh mọi mặt của đời sống, trong đó hát Páo dung và lễ cấp sắc là nét văn hóa đặc trưng. Nét độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của người Cao Lan là hát sình ca, trống tang sành. Tất cả những nét văn hóa của các dân tộc đều bắt nguồn từ đời sống lao động của người dân và hầu hết có mặt ở các lễ hội hay những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Ðể bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ấy, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang thường xuyên chỉ đạo và tạo điều kiện cho các huyện, xã và các cá nhân tham gia giữ gìn văn hóa cổ truyền của dân tộc. Nhiều CLB đàn hát dân ca đã duy trì hoạt động đều đặn, như: CLB hát then dân tộc Tày ở xã Tân An, huyện Chiêm Hóa; CLB hát sình ca xã Ðại Phú, huyện Sơn Dương… Ngoài ra, còn có các đội văn nghệ gia đình được thành lập, tiêu biểu như đội văn nghệ của gia đình nghệ nhân Sầm Văn Dừn, dân tộc Cao Lan ở xã Ðại Phú, huyện Sơn Dương; đội văn nghệ gia đình ông Bàn Kim Sơn, dân tộc Dao ở xã Sơn Phú, huyện Na Hang.

Năm 2012, Nghi lễ Then, Lễ hội Lồng tồng của người Tày tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2013, hát Páo dung và Nghi lễ Cấp sắc của người Dao Tuyên Quang tiếp tục được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bài và ảnh: HẢI CHUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35911902-bao-ton-van-hoa-cac-dan-toc-tuyen-quang.html