Bảo tồn văn hóa từ các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng

Những câu lạc bộ, nhóm văn nghệ quần chúng được tự thành lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chẳng những đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, mà còn góp phần bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc.

Câu lạc bộ hát then, đàn tính xã Tình Húc, huyện Bình Liêu tập luyện bên suối.

Đến nay, chưa có thống kê về số lượng các CLB, các nhóm văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh, chỉ biết rằng các câu lạc bộ này đang tồn tại với nhiều hình thức rất đa dạng. Có CLB chịu sự quản lý của cơ quan, tổ chức nhà nước như CLB Yêu tiếng hát dân ca quê hương thuộc Cung Quy hoạch hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh, có CLB chịu sự quản lý của doanh nghiệp như các CLB biểu diễn nghệ thuật thuộc Tập đoàn Tuần Châu, đội nghệ thuật dân tộc Diệu âm Yên Tử sơn của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, các đội biểu diễn rối nước của Khu du lịch làng quê Yên Đức và của Khu du lịch Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều). Riêng Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh cũng đã thành lập và hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho 8 CLB, Chi hội Văn nghệ dân gian TP Hạ Long đã thành lập và quản lý 3 CLB văn nghệ dân gian.

Các câu lạc bộ văn nghệ, đội nhóm văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh đang phát triển một cách nở rộ. Thậm chí, ở các thôn đều có các CLB văn nghệ, có thôn, khu có tới 3 đội văn nghệ quần chúng, trong đó có đội hát chèo. Trên địa bàn TX Quảng Yên, hiện có khoảng 30 đội, nhóm, CLB văn nghệ quần chúng. Tại TX Đông Triều các CLB đã khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Hiện toàn thị xã duy trì 175 CLB văn hóa văn nghệ, trong đó có 33 CLB hát chèo hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Ở một số huyện miền Đông, có nhiều CLB đàn hát dân ca. Riêng huyện Bình Liêu, tất cả các xã, thị trấn đều có các câu lạc bộ văn nghệ dân gian. Đấy là chưa kể ở các thôn, các trường học như: CLB Văn nghệ Trường cấp 2, 3 Hoành Mô, CLB Văn nghệ Trường THPT Bình Liêu, CLB Hát then thôn Chang Nà (xã Tình Húc), CLB Văn nghệ thôn Khe Mó (xã Húc Động), CLB Thôn Lục Ngù (xã Húc Động) và nhiều CLB của các thôn, bản khác. Trong khi đó, tại huyện Tiên Yên có 3 CLB hát then - đàn tính ở các xã Hà Lâu, Phong Dụ, Điền Xá; 2 CLB hát soóng cọ tại các xã Đại Dực, Đại Thành và 1 CLB văn nghệ dân gian, 1 CLB hát đối dân tộc Dao tại xã Đông Ngũ.

TP Móng Cái cũng đã coi trọng việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó tập trung xây dựng các thôn, khu văn hóa; đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở khu dân cư đi vào chiều sâu. Mỗi năm, thành phố tổ chức trên 300 chương trình văn nghệ; duy trì hoạt động của 15 đội văn hóa, văn nghệ cấp xã, phường; 99 đội, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng. Một số câu lạc bộ văn nghệ dân gian tiêu biểu, như: CLB Hát cửa đình xã Vạn Ninh, CLB Hát nhà tơ hát cửa đình xã Quảng Nghĩa, CLB Hát đối thôn Bắc (xã Vạn Ninh).

Các CLB, đội văn hóa văn nghệ quần chúng đã tạo nòng cốt cho các hạt nhân tích cực để từ đó tập hợp được những người cùng sở thích; đề ra quy định tiêu chuẩn hội viên, quy chế hoạt động, bầu ban chủ nhiệm, kế hoạch hoạt động, duy trì hoạt động, hỗ trợ cơ sở vật chất như kinh phí, mời giao lưu, trình diễn. Những thành viên CLB bằng cái tâm của mình đã tập trung khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bản sắc văn hóa địa phương. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, TX Ðông Triều đã mở hàng chục lớp hát chèo, mỗi lớp có từ 35 đến 60 học viên tham gia. Các huyện Bình Liêu, Tiên Yên cũng đã mở nhiều lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho học sinh, thanh, thiếu niên nhằm tạo dựng hạt nhân phong trào xây dựng các CLB văn nghệ dân gian trong thời gian tới.

Đội Nghệ thuật dân tộc Diệu âm Yên Tử sơn biểu diễn.

Mô hình CLB văn nghệ đã góp phần phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, bảo tồn văn hóa nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, ngoài các CLB các đội nghệ thuật thuộc doanh nghiệp ra, hầu hết các CLB phải tự lo bằng nguồn xã hội hóa, từ các nhà hảo tâm yêu thích văn nghệ và tự đóng góp như kiểu xã viên hợp tác xã. Các CLB biểu diễn chủ yếu là tự hát cho nhau nghe, không mấy khi có nơi đặt hàng.

Cấp kinh phí hàng năm duy trì hoạt động cho các câu lạc bộ văn nghệ dân gian cấp xã thì dường như chỉ có ở Bình Liêu làm được. Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Di sản văn hóa phi vật thể của người Tày, người Dao, người Sán Chỉ ở Bình Liêu rất phong phú. Chúng tôi xác định di sản muốn lưu giữ và phát triển được thì phải thông qua các CLB. Mỗi CLB văn nghệ dân gian cấp xã trong huyện, chúng tôi đều hỗ trợ hoạt động 30 triệu đồng/năm. Nguồn kinh phí này được trích ra từ ngân sách của huyện. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát, động viên khích lệ các CLB hướng dẫn các CLB xây dựng ra quy chế hoạt động bài bản, nghiêm túc. Dù tự nguyện đi nữa vẫn phải xây dựng các quy chế bài bản. Và các CLB này sẽ được tạo điều kiện sinh hoạt tại các nhà văn hóa xã.

Để các CLB hoạt động có hiệu quả, đúng định hướng, thời gian tới, cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các đội văn nghệ, ngành văn hóa cũng như chính quyền địa phương như ở huyện Bình Liêu và TX Đông Triều đã làm được trong thời gian qua.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201810/bao-ton-van-hoa-tu-cac-cau-lac-bo-van-nghe-quan-chung-2405258/