Báo Trung Quốc giải mã tin đồn bủa vây đập Tam Hiệp

Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện lớn nhất của Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh dòng chảy sông Dương Tử. Nhưng ngay từ trước khi được xây dựng vào năm 1994, dự án đập Tam Hiệp đã bị phương Tây nghi ngờ và chỉ trích.

Đập Tam Hiệp xả nước. Ảnh: Global Times

Đập Tam Hiệp xả nước. Ảnh: Global Times

Trung Quốc đang “chiến đấu” với thảm họa lũ lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hơn 20 triệu người ở khu vực miền Nam.

Vào lúc 20h ngày 19/7, đợt lũ thứ hai trên sông Dương Tử đã đổ xuống đập Tam Hiệp.

Vậy dự án Tam Hiệp đóng vai trò như thế nào? Liệu đập Tam Hiệp có làm trầm trọng thêm tình hình lũ lụt năm nay? Đập Tam Hiệp có bị biến dạng, hoặc có nguy cơ vỡ hay không?

Phóng viên Global Times đã có bài phỏng vấn đại diện Tập đoàn Tam Hiệp để xóa bỏ những định kiến mà lâu nay phương Tây vẫn áp đặt lên công trình thủy điện quan trọng bậc nhất ở Trung Quốc.

Trận lụt năm nay tại Trung Quốc khiến nhiều người liên tưởng đến đợt “đại hồng thủy” năm 1998. Tuy nhiên, nếu không có đập Tam Hiệp, thì thiệt hại do lũ lụt sẽ đến mức nào?

Trong trận lụt năm 1998 trên sông Dương Tử, mực nước đo được tại trạm thủy văn Shashi ở Jingjiang – khu vực rủi ro cao nhất – đạt 45,22m, cao hơn 0,22m so với mức an toàn.

Tình hình ở Jingjiang căng thẳng đến mức 1 triệu binh sĩ và người dân địa phương đã được huy động để tham gia chống lũ.

Tuy nhiên, theo mô phỏng và tính toán, nếu đập Tam Hiệp đã được xây dựng trước năm 1998, thì mực nước tại trạm Shashi sẽ không vượt quá 44,5m, và lượng nước lũ tại khu vực Chenglingji – điểm thoát nước của hồ Động Đình – sẽ giảm từ 10,8 tỷ mét khối xuống còn 3,5 tỷ mét khối, giải phóng áp lực cho trung và hạ lưu sông Dương Tử.

Trong trận lụt năm nay, nếu không có đập Tam Hiệp, thì mực nước ở khu vực Chenglingji và Hukou sẽ vượt quá mức an toàn. Mực nước ở trạm thủy văn Hankou (Vũ Hán) cũng sẽ cao hơn mức hiện tại. Khu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử sẽ phải đối mặt với tình huống nghiêm trọng hơn.

Một số người cho rằng việc xả lũ liên tục của đập Tam Hiệp đã khiến cho tình hình lũ lụt ở trung và hạ lưu sông Dương Tử trở nên trầm trọng hơn. Điều này có đúng không?

Việc xả lũ là cách mà hồ chứa kiểm soát dòng chảy. Thông thường, hồ chứa sẽ xả nước chảy qua các đơn vị phát điện. Chỉ khi khối lượng dòng chảy vượt quá khả năng của các đơn vị phát điện, thì hồ chứa mới sử dụng các kênh xả lũ.

Tuy nhiên, việc mở cửa xả lũ không có nghĩa là hồ chứa không thực hiện chức năng phòng chống lũ.

Ví dụ, ngày 2/7, hồ chứa Tam Hiệp hứng lượng nước đổ về với tốc độ 53.000 mét khối/giây, trong khi lượng nước đổ ra có tốc độ 35.000 mét khối/giây.

Đập Tam Hiệp giúp giảm bớt áp lực lên hệ thống các sông hồ thuộc hệ thống phòng chống lũ ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, ví dụ hồ Bà Dương.

Đập Tam Hiệp mở cửa xả lũ ngày 19/7. Ảnh: Global Times

Nếu lũ tiếp tục đổ về, thì đập Tam Hiệp còn có thể điều chỉnh dòng lũ hay không?

Vai trò phòng chống lũ của đập Tam Hiệp chủ yếu liên quan đến khu vực Jingjiang, Chenglingji và lối thoát nước của hồ Động Đình.

Hồ chứa Tam Hiệp có sức chứa 22 tỉ mét khối nước, được thiết kế để ngăn chặn những đợt “đại hồng thủy” từ thượng nguồn sông Dương Tử. Hồ chứa cùng với đập Tam Hiệp có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng lũ vượt quá tầm kiểm soát.

Đập Tam Hiệp (chấm đổ) nằm ngăn giữa thượng lưu và trung lưu sông Dương Tử.

Tuy nhiên, nếu mưa lớn gây lũ lụt ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, thì các thành phố quanh khu vực này sẽ phải dựa vào hệ thống chống lũ của chính mình.

Trong bối cảnh đó, đập Tam Hiệp vẫn có thể tham gia hỗ trợ bằng cách giữ nước để giảm thiểu sức ép lũ lụt.

Một số phương tiện truyền thông ở nước ngoài thổi phồng “sự biến dạng” của đập Tam Hiệp, nói rằng đập có nguy cơ vỡ. Điều này có đúng không?

Đập Tam Hiệp hiện vẫn đang ở trong tình trạng tốt. Trong vài năm qua, không có bất cứ sự biến dạng nào được báo cáo trên đập Tam Hiệp, và cũng không có bất cứ rủi ro đáng chú ý nào khác.

Từ năm 1994 đến tháng 6 năm nay, cơ quan giám sát an toàn đã lắp đặt 12.000 thiết bị trong và xung quanh đập Tam Hiệp để giám sát độ biến dạng, độ thấm nước, động đất mạnh, thủy lực và động lực học. Ngoài các công nghệ và thiết bị giám sát tiên tiến, các đoàn chuyên gia vẫn thường xuyên tự kiểm tra tình hình đập Tam Hiệp.

Công trình đập Tam Hiệp vẫn hoạt động bình thường, an toàn và đáng tin cậy.

Một số người nói rằng dự án Tam Hiệp ảnh hưởng đến môi trường sinh thái dọc theo sông Dương Tử. Tập đoàn Tam Hiệp và các cơ quan chính phủ đã làm gì để bảo vệ môi trường xung quanh đập và dọc bờ sông?

Ngoài kiểm soát lũ, phát điện và điều hướng nước, một nhiệm vụ quan trọng khác của hồ chứa Tam Hiệp là kho lưu trữ chiến lược cho tài nguyên nước ngọt.

Dự án hiện đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và cải tạo hệ sinh thái dọc theo sông Dương Tử.

Cụ thể, dự án có thể giúp bổ sung nước ở hạ lưu. Từ năm 2003 đến nay, hồ chứa đã bổ sung khoảng 29 tỷ mét khối nước cho hệ thống sông ngòi thấp hơn.

Cá tầm được thả xuống hồ chứa Tam Hiệp. Ảnh: Global Times

Dự án cũng cung cấp các điều kiện tốt nhất cho sự sống và sinh sản của động vật hoang dã và cá nuôi ở sông Hoàng Hà bằng các điều chỉnh và kiểm soát lượng nước xả trong tháng Năm và tháng Sáu.

Ngoài ra, đập Tam Hiệp cũng giúp xử lý các sự cố ảnh hưởng đến chất lượng nước, hoặc khủng hoảng hàng hải.

Vì dụ, tháng 2/2014, hồ chứa Tam Hiệp đã xả nước xuống hệ thống sông ngòi thấp hơn, hạn chế hiệu quả sự xâm nhập của thủy triều muối tại cửa sông Dương Tử ở Thượng Hải.

Minh Hạnh

Theo Global Times

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/bao-trung-quoc-giai-ma-tin-don-bua-vay-dap-tam-hiep-1691705.tpo