Báo Trung Quốc nhận định Mỹ chống Nga đến cùng

Phân tích về mối quan hệ Nga-Mỹ, tạp chí Trung Quốc nhận định 'chỉ cần Putin cầm quyền, Mỹ sẽ phản đối Nga đến cùng'.

Sự bi quan của Trung Quốc

Tạp chí Hòa bình và Phát triển của Trung Quốc mới đây có bài viết phân tích về mối quan hệ Nga-Mỹ, trong đó nêu ra nhận định "chỉ cần Putin cầm quyền, Mỹ sẽ phản đối Nga đến cùng".

Theo tạp chí Trung Quốc, sau khi ông Putin lần thứ 4 được bầu làm Tổng thống Nga, cho dù là ông Donald Trump hay người khác lên làm Tổng thống Mỹ, quan hệ Nga-Mỹ trong 6 năm tới đều khó có thể thoát khỏi lời nguyền “không có tồi tệ nhất, chỉ có tồi tệ hơn”.

Nguyên nhân được chỉ ra là do nhà lãnh đạo Nga tuy bày tỏ mong muốn cải thiện lại quan hệ với Mỹ, nhưng với tiền đề: Một là Mỹ thừa nhận thực tế Crimea thuộc về Nga, đồng thời xóa bỏ trừng phạt kinh tế; hai là Mỹ phải tôn trọng Nga, chung sống bình đẳng với Nga; ba là Mỹ không coi là Nga kẻ thù.

Tổng thống Mỹ D. Trump (trái) và Tổng thống Nga V. Putin tại Helsinki ngày 16/7

Tổng thống Mỹ D. Trump (trái) và Tổng thống Nga V. Putin tại Helsinki ngày 16/7

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng dù ai cầm quyền ở Mỹ, cả 3 điều kiện trên đều khó đạt được, đặc biệt là Quốc hội và các chính quyền Mỹ dường như đã hình thành nhận thức chung – chỉ cần Putin cầm quyền, Mỹ sẽ phản đối Nga đến cùng.

Từ cuối năm 2017 đến nay, Mỹ đã đưa ra 4 báo cáo chiến lược – báo cáo chiến lược an ninh quốc gia, báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân, báo cáo về các mối đe dọa toàn cầu, báo cáo quốc phòng, trong đó đều coi Trung Quốc và Nga là đối thủ cạnh tranh.

Theo đánh giá của tạp chí Trung Quốc, những năm gần đây, Nga và Mỹ dường như đi 2 con đường hoàn toàn khác nhau về chính trị, lợi ích chung ngày càng ít, mâu thuẫn và bất đồng liên tục tăng lên, trong rất nhiều vấn đề đã đạt đến mức độ “như nước với lửa”.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ rất nhiều biện pháp chính sách đối nội và đối ngoại của người tiền nhiệm Obama, nhưng trước áp lực của Quốc hội, ông Trump đã ký sắc lệnh duy trì tất cả các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Sau đó, Bộ Tài chính Mỹ căn cứ phán quyết trừng phạt đối với Nga do Thượng viện và Hạ viện đưa ra vào tháng 7/2017, vào ngày 30/1/2018 đưa ra Báo cáo Điện Kremlin, tuyên bố sẽ đưa 114 chính trị gia, trừ Tổng thống Putin, từ Thủ tướng Medvedev đến các bộ trưởng trong đó có Ngoại trưởng Sergei Lavrov, lãnh đạo lưỡng viện trong Quốc hội, văn phòng tổng thống, thị trưởng thành phố Moscow và 96 doanh nhân vào danh sách trừng phạt.

Ông Trump không thể "bẻ lái" xu hướng quan hệ Nga-Mỹ vì Tổng thống Putin tiếp tục tại nhiệm?

Hành động này của Mỹ dường như đã ngăn cản con đường trao đổi quan chức ngoại giao các cấp giữa Mỹ và Nga, ngừng tiến hành hợp tác kinh tế thương mại với các doanh nghiệp chủ yếu của Nga. Mức độ trừng phạt này cũng là hiếm thấy trong lịch sử thế giới, nhưng không loại bỏ khả năng Mỹ còn bổ sung thêm biện pháp trừng phạt khác trong tương lai.

Vì vậy, khả năng Nga và Mỹ cải thiện quan hệ về chính trị và ngoại giao trong vài năm tới là rất nhỏ, trái lại có thể rơi vào cục diện bế tắc lặp lại giữa trừng phạt và chống trừng phạt, kiềm chế và chống kiềm chế kéo dài.

Đối đầu quyết liệt

Theo tạp chí Trung Quốc, quân sự là lĩnh vực mà Nga và Mỹ cạnh tranh trực tiếp và quyết liệt nhất, từ đối đầu Xô-Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đến đối đầu Nga-Mỹ hiện nay, hai bên luôn muốn áp đảo đối phương hoặc ít nhất duy trì sự cân bằng chiến lược trên cơ sở hủy diệt nhau.

Tháng 9/2017, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ đạt được sự nhất trí, chi tiêu quân sự năm 2018 tăng lên đến 692 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm trước đó.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-trung-quoc-nhan-dinh-my-chong-nga-den-cung-3362046/