Báo Trung Quốc: S-500 đe dọa nghiêm trọng mọi máy bay Mỹ

Xin giới thiệu bài tổng hợp các nhận định của báo chí Trung Quốc và nước ngoài về tổ hợp tên lửa phòng không Nga S-500

Bài viết của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Ryabov Kirill với tiêu đề trên. Bài đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 17/1/2020.

Cuối tháng 12/2019, đã có một số thông tin cập nhật được công bố về tiến độ chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không S-500.

Đến năm 2020, Nga đã có kế hoạch tiến hành các thử nghiệm sơ bộ tổ hợp phòng không này, và trong năm 2025, tổ hợp S-500 sản xuất hàng loạt đầu tiên sẽ được bàn giao cho Quân đội Nga.

Đương nhiên, những tin tức như vậy không thể không được đặc biệt chú ý. Các phương tiện truyền thông nước ngoài đã cho đăng nhiều bài báo rất thú vị về thông tin này.

Nhập khẩu Trung Quốc

Ngày 31 tháng 12 (2019), báo Sohu.com (Trung Quốc) cho đăng bài báo (nguyên văn) "原创 俄S500系统将测试,预计5年后交付,或成F35和F22的绝命杀手?" chuyên bàn về triển vọng của dự án S-500 Nga.

Ngay tiêu đề bài báo Trung Quốc trên đã nhấn mạnh mối đe dọa rõ ràng đối với máy bay hiện đại nước ngoài, còn trong nội dung- tác giả bài báo đã đặt ra nhiều vấn đề rất thú vị.

Sau khi xem xét các tính năng kỹ- chiến thuật nổi tiếng của tổ hợp, tác giả bài báo trên Sohu kết luận- tổ hợp S-500 là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tất cả các máy bay tiêm kích hiện đại của Mỹ.

Và tổ hợp tên lửa phòng không này sẽ được đưa vao trang bị cho Quân đội Nga ngay trong những năm sắp tới.

Đồng thời, tác giả cũng đề cập đến chủ đề xuất khẩu các phương tiện phòng không hiện đại đang có và sẽ có trong tương lai.

Trong thời gian cách đây không lâu, Trung Quốc đã mua một loạt các mẫu (vũ khí phòng không) hiện đại do Nga sản xuất, và vì thế, hiện đang có các cuộc tranh luận tại Trung Quốc về việc nước này có mua các tổ hợp tên lửa phòng không S-500 mới nhất của Nga hay không .

Nhưng lần này, theo tác giả, khó có hy vọng ký một hợp đồng như vậy (mua S-500) với Nga.

Như các quan chức Nga cao cấp Nga đã tuyên bố việc bán S-500 cho các nước thứ ba hiện không có trong kế hoạch của Nga. Có ba yếu tố (lý do) chính dẫn đến một quyết định như vậy.

Trước hết- đó là các tính năng và khả năng quá đặc biệt của tổ hợp. Nga không muốn một mẫu vũ khí như vậy lại có trong trang bị của nước ngoài, đấy là còn chưa nói tới khả năng các công nghệ (của S-500) rơi vào tay “thế lực thù địch”.

Lý do thứ hai khiến Nga không xuất khẩu- trước hết Nga cần phải trang bị cho Quân đội nước mình để đạt được những ưu thế mong muốn. Yếu tố (lý do) thứ ba- có liên quan đến những tính chất đặc thù của thị trường vũ khí.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 hiện có đã được một số khách hàng ưa chuộng, và trong một tình huống như vậy, việc tung ra một mẫu mới trên thị trường là không thích hợp.

Vì vậy, Trung Quốc khó có thể được mua tổ hợp S-500 của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc không cho rằng đấy là một lý do để bi quan. Trong quá khứ, Trung Quốc đã từng mua tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và đã dựa vào tổ hợp này để thiết kế chế tạo tổ hợp HQ-9 “made in China”.

Tác giả của Sohu cho rằng dựa theo mẫu S-400 mà Trung Quốc mới mua gần đây, ngành công nghiệp quốc phòng nước này cũng sẽ có thể tự chế tạo một tổ hợp tên lửa phòng không riêng có các tính năng ngang ngửa với S-500 Nga. Và như vậy, có thể không nhất thiết cứ phải nhập khẩu bằng được S-500.

Đánh giá của Trung Quốc

Ngày 7/1 (2019), trên trang mạng “Zhongguo Junwang”- cơ quan ngôn luận PLA xuất hiện bài báo có tiêu đề "俄新一代反导系统亮点何在 " (Ưu điểm của tổ hợp đánh chặn tên lửa Nga) nói về tổ hợp phòng không S-500.

Căn cứ vào các số liệu tiếp cận được, các chuyên gia Trung Quốc đã cố gắng đưa ra các đánh giá “sản phẩm” đầy triển vọng trên của Nga.

Tác giả bài báo gọi S-500 là tổ hợp thế hệ 5, được phát triển từ tổ hợp S-400 thế hệ 4 trước đó. Nó (S-500) có bán kính tác chiến vượt trội “người tiền nhiệm” (S-400)- lên tới 600 km và độ cao bắn hạ mục tiêu lên tới 180 km.

Nhờ vậy, S-500 sẽ có thể đối phó hiệu quả hơn nhiều (S-400) với các máy bay đối phương, trong đó có các mục tiêu ở cự ly lớn, đồng thời- S-500 cũng như giải quyết tốt các nhiệm vụ phòng thủ chống tên lửa.

Các tác giả Trung Quốc còn cho rằng S-500 cũng sẽ có thể tấn công các thiết bị vũ trụ ở quỹ đạo thấp.

Tờ báo Trung Quốc trên cho rằng tổ hợp tên lửa phòng không S-500 có ba ưu điểm rất đặc trưng đảm bảo hiệu quả tác chiến cao. Ưu điểm đầu tiên – đó là tên lửa của tổ hợp.

Tên lửa phòng không có điều khiển của S-500 hoạt động theo nguyên tắc nổ phân mảnh tiêu diệt mục tiêu nên đạt hiệu quả cao trong khi giá thành rất thấp.

Việc đánh chặn mục tiêu ở cự ly tối đa sẽ do tên lửa 77N6-N (tiếng Nga- 77Н6-Н ) đảm nhiệm- với độ cao đánh chặn tối đa của tên lửa này tới 70 km và độ chính xác trong khoảng 3 m.

Ưu điểm thứ hai- radar trong thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không mới. Tổ hợp này có một radar giám sát băng tần S là 91N6E, trạm radar ba tọa độ băng tần C là 96L6-TSP (96Л6-ЦП) và một radar điều khiển hỏa lực 77T6.

Ngoài ra còn có một hệ thống radar điều khiển bắn 76T6 đa năng. Việc sử dụng kết hợp tất cả các “sản phẩm” nói trên đảm bảo cho tổ hợp giám sát hiệu quả tình huống trên không ở tất cả các dải cự ly và độ cao.

Ưu điểm thứ ba- các phương tiện điều khiển tổ hợp hiện đại. Tổ hợp S-500 có xe chỉ huy 55K6MA và trạm điều khiển tác chiến 85Zh6 (85Ж6). Rất có thể, đây là những phiên bản hiện đại hóa của các phương tiện của những tổ hợp cũ.

Nhiệm vụ của các phương tiện này là xử lý dữ liệu và điều khiển hỏa lực. Tờ báo PLA cũng nhấn mạnh đến “những tính năng độc đáo” của các xe chỉ huy, nhưng không dẫn các thông số cụ thể.

Nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 10/1/020, tờ “Defense News” xuất bản bằng tiếng Anh đã cho đăng bài báo "West’s reluctance to share tech pushes Turkey further into Russian orbit " cùng thông tin về việc Nga có thể cung cấp các tổ hợp tên lửa phòng không cho Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.

Những thông tin như vậy được cung cấp từ một nguồn tin giấu tên ở Thổ Nhĩ Kỳ rất am hiểu các vấn đề tổ chức hệ thống phòng không (Thổ Nhĩ Kỳ).

Theo các số liệu của “Defense News”, những bất đồng gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Ankara đang bị đẩy ra ngoài quỹ đạo của NATO, và kết quả là, Ankara có thể sẽ quan tâm đến một sự hợp tác sâu rộng hơn với Nga.

Một số quốc gia (NATO) từ chối chia sẻ công nghệ và sản phẩm hiện đại với Thổ Nhĩ Kỳ vì những lý do chính trị, và vì thế Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế - đó chính là những quốc gia khác không có bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cách đây không lâu, các tiến trình như vậy đã dẫn đến việc ký kết hợp đồng cung cấp tổ hợp phòng không S-400 Nga cho Ankara và trong tương lai gần có thể xuất hiện một đơn đặt hàng tương tự với tổ hợp S-500 .

Nguồn tin của “Defense News” đã không bàn luận gì thêm về khả năng mua các hệ thống như vậy, mặc dù có lưu ý rằng mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch.

Một nguồn tin khác của Defense News làm việc trong lĩnh vực ngoại giao nhận định rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần phải nhanh chóng tiếp thu công nghệ và mua sản phẩm Nga- nếu như các nước khác từ chối cung cấp các công nghệ và sản phẩm đó.

Trong số các mẫu vũ khí và công nghệ cần thiết, nhà ngoại giao này có nói đến tổ hợp S-500.

Tuy vậy, cả hai nguồn tin nói trên không cung cấp thông tin cụ thể về các kế hoạch mua, đàm phán với các nhà cung cấp và v.v. Ngoài ra, họ cũng không nhắc tới những tuyên bố trước đó của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T. Erdogan về việc nước này đang xem xét khả năng mua S-500 trong tương lai.

Sự quan tâm hạn chế

Những tin tức mới nhất về việc S-500 bắt đầu được thử nghiệm và thời điểm đưa các tổ hợp phòng không vào trực chiến đã được dư luận nước ngoài chú ý. Nhưng tuy vậy, các phương tiện truyền thông nước ngoài không tỏ ra quan tâm đặc biệt đến những tin tức này, mà chỉ dừng lại ở việc cho đăng lại các thông tin từ Nga.

Tuy nhiên, một số tờ báo nước ngoài đã cố gắng hình dung triển vọng phát triển của mẫu vũ khí mới này của Nga, cũng như đánh giá tiềm năng xuất khẩu của nó.

Cũng như trước đây, những đánh giá như vậy luôn gặp một trở ngại khách quan- đó là thiếu thông tin. Ngành công nghiệp quốc phòng Nga không vội vàng công bố tất cả các dữ liệu quan trọng nhất về dự án S-500, và vì thế, rất khó đưa ra những nhận định chính xác.

Mặc dù vậy, cũng đã có khả năng đưa ra các dự báo sơ bộ căn cứ vào các thông tin tổng quát về các khả năng kỹ thuật và tiềm năng xuất khẩu của S-500.

Theo những thông tin chính thức mới nhất, trong năm nay (2020) tổ hợp tên lửa phòng không S-500 sẽ được thử nghiệm. Sau một vài năm, nó sẽ triển khai sản xuất hàng loạt, và vào năm 2025, Quân đội Nga sẽ tiếp nhận tổ hợp sản xuất hàng loạt đầu tiên.

Rất có thể, khi đó (2025) tất cả những sự kiện này sẽ trở thành lý do để các chuyên gia bàn luận sôi nổi hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng nước ngoài.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/bao-trung-quoc-s-500-de-doa-nghiem-trong-moi-may-bay-my-3395522/