Bảo vệ bản quyền và quyền tác giả

Trong tuần qua, câu chuyện về bản quyền tác giả được dư luận dấy lên khi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổ chức họp báo công bố về số tiền bản quyền âm nhạc 58,3 tỷ đồng (trước thuế) thu về và chi trả các nhạc sĩ 49 tỷ đồng trong năm 2013, trong đó có nhạc sĩ nhận được tiền bản quyền lên tới gần 700 triệu đồng.

Việc thu tiền bản quyền âm nhạc của VCPMC cho thấy một phần trong những nỗ lực bảo vệ bản quyền tác giả tại Việt Nam đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực, phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích cho các tác giả và cộng đồng. Tuy nhiên, bảo vệ bản quyền tác giả ở Việt Nam còn ẩn chứa nhiều bất cập với tình trạng vi phạm khá phức tạp, phổ biến trong tất cả lĩnh vực văn hóa, khoa học - kỹ thuật, báo chí, truyền hình. Với những nước đang phát triển và hội nhập quốc tế như Việt Nam, hệ thống luật pháp chưa đồng bộ và chặt chẽ thì việc vi phạm bản quyền tác giả là điều dễ hiểu, nhất là khi công nghệ thông tin và in-tơ-nét đang ngày càng phát triển. Thực tế cho thấy, không chỉ có các cá nhân, đơn vị trong nước mà ngay cả cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cũng có nhiều vi phạm. Ðã có những doanh nghiệp nước ngoài tự ý lấy chương trình đã ký kết sử dụng với cơ quan truyền hình, sao chép và biên tập lại, sau đó cho quảng bá cùng thương hiệu của mình trên in-tơ-nét và các trang web không thu phí người xem. Ðiều đáng nói là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nêu trên thừa hiểu biết về các quy định bảo vệ bản quyền tác giả, nhưng họ vẫn vi phạm bởi cho rằng nhận thức của cộng đồng người Việt Nam về tác quyền còn đang ở giai đoạn phổ cập, cho nên đại đa số thường dễ dãi, chưa quan tâm lắm về quyền sở hữu trí tuệ. Cũng vì vậy, ý thức tôn trọng bản quyền của họ chỉ ở chừng mực nhất định, vẫn cố tình vi phạm luật về quyền tác giả. Ðó chính là rào cản cho việc thực hiện hiệu quả quyền tác giả ở Việt Nam hiện nay.

Ai cũng biết, việc sử dụng các tác phẩm, công trình, những "tài sản trí tuệ" của người khác mà không được sự cho phép của họ là hành vi thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng và bất chấp pháp luật cũng như đạo đức kinh doanh. Trong xu thế hội nhập quốc tế và tích cực thực thi việc bảo hộ bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ, ban hành các văn bản pháp luật, quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và các quyền liên quan, gần đây nhất là Nghị định số 131/2013/NÐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 10-2013 vừa qua. Bên cạnh đó, Việt Nam có trách nhiệm thực thi đầy đủ những công ước và các quy định luật pháp quốc tế về bảo hộ quyền tác giả mà chúng ta đã công nhận và tham gia.

Một hệ thống pháp luật được hoàn thiện cùng việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong bảo vệ bản quyền, xử lý nghiêm các vi phạm quyền tác giả, tuyên truyền nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và luật bản quyền trong xã hội đã và đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Làm tốt điều này sẽ góp phần giúp tăng cường sức mạnh răn đe của pháp luật, ngăn chặn và làm giảm thiểu những vụ việc vi phạm bản quyền tác giả, bảo vệ hiệu quả quyền tác giả với các công ty và cá nhân trước những vi phạm, nhất là của các cá nhân, tổ chức nước ngoài hay các công ty toàn cầu có thế lực và khả năng tài chính.

NGUYỄN HIỆP HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/item/22183102-bao-ve-ban-quyen-va-quyen-tac-gia.html