Bảo vệ biên giới quốc gia là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân

Dự án Luật Biên phòng Việt Nam được các đại biểu Quốc hội khóa XIV thảo luận, cho ý kiến trong các kỳ họp trước đây. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương hoàn chỉnh dự án luật theo đúng tiến độ.

Trong chương trình của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận và thông qua dự luật này. Là dự luật có nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia (BGQG), trong đó có những quy định mới. Do đó, để bạn đọc hiểu thêm về dự luật, chúng tôi có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, dự án Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV lần này có ý nghĩa, tầm quan trọng như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng: Dự án Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV lần này là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các chủ thể nói chung, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nói riêng có hành lang pháp lý toàn diện, đầy đủ trong thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam lần này quy định đầy đủ, toàn diện về chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Đặc biệt, quy định rõ nhiệm vụ biên phòng tại Điều 5, đó là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị thực thi nhiệm vụ biên phòng; đồng thời pháp điển hóa nhiều quy định của điều ước quốc tế và pháp luật trong nước về quản lý, bảo vệ BGQG, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng.

PV: Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam lần này quy định BĐBP có chức năng “chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”, quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng: Xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, việc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực biên giới giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới là hết sức cần thiết để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tại khoản 2, Điều 12, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định: BĐBP có chức năng “chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” hoàn toàn có cơ sở lý luận, thực tiễn.

Thứ nhất, các nghị quyết của Đảng (Nghị quyết số 11-NQ/TW; Thông báo số 165-TB/TW; Nghị quyết số 33-NQ/TW) và văn bản pháp luật hiện hành (Luật BGQG; Luật An ninh quốc gia; Luật Quốc phòng; Pháp lệnh BĐBP) đều xác định BĐBP là lực luợng nòng cốt, chuyên trách chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ BGQG; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Hiện nay, có 10 văn bản dưới luật (9 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ), đặc biệt, Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm “chỉ đạo BĐBP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an tham mưu cho Bộ Quốc phòng đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, biển, đảo"; đồng thời quy định các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an có trách nhiệm “phối hợp với BĐBP nắm tình hình... và đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới đất liền, biên giới biển và hải đảo theo quy định của pháp luật".

Thứ hai, trải qua hơn 61 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, BĐBP luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG; tình hình an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển luôn giữ vững và ổn định, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Bên cạnh đó, BĐBP luôn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về an ninh quốc gia, ma túy, mua bán người... góp phần quan trọng ổn định tình hình ở khu vực biên giới, vùng biển, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thứ ba, quá trình xây dựng luật cần quán triệt và thể chế nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, cơ quan phối hợp để làm rõ trách nhiệm của các chủ thể khi thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới.

Từ những vấn đề trên, dự thảo luật quy định BĐBP có chức năng “chủ trì duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” là có cơ sở, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

PV: Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định: “BĐBP có quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. Theo đồng chí, quy định như vậy có chồng chéo với các lực lượng khác không?

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng: Tôi cho rằng, quy định như vậy là không chồng chéo với các lực lượng khác, vì: Trước hết, phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về kiểm soát xuất, nhập cảnh là gì? Đó là hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm chứng người và giấy tờ xuất, nhập cảnh của đơn vị kiểm soát xuất, nhập cảnh đối với người ra hoặc vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Công tác quản lý kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu là một hình thức bảo vệ Tổ quốc, gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập.

Thứ hai, các văn bản hiện hành (Nghị quyết số 11-NQ/TW; Thông báo số 165-TB/TW; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Pháp lệnh BĐBP...) đều quy định BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện thủ tục biên phòng và kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật để bảo đảm an ninh quốc gia, phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác, cụ thể:

Hiện nay có 7 văn bản dưới luật (5 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ) đều quy định: “BĐBP có nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển” và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam-Lào quy định: “BĐBP chủ trì phối hợp với các cơ quan... tại cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát, giám sát xuất cảnh, nhập cảnh đối với người, phương tiện; phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập".

Thứ ba, thực tế BĐBP đang trực tiếp kiểm soát xuất, nhập cảnh tại 117 cửa khẩu biên giới đất liền và 37 cửa khẩu cảng. BĐBP luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại cửa khẩu như: Hải quan, kiểm dịch, cảng vụ... trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định; tình hình an ninh, an toàn tại các cửa khẩu luôn ổn định, tạo điều kiện tốt nhất trong xuất, nhập khẩu, xuất, nhập cảnh cho cá nhân, tổ chức, tạo hình ảnh đẹp trong bạn bè quốc tế. Việc kiểm tra hàng hóa do hải quan chủ trì, còn BĐBP kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu là hoàn toàn phù hợp, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của hải quan.

Thứ tư, xét về mục đích kiểm tra, kiểm soát giữa BĐBP với hải quan là không trùng nhau: Hải quan kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phương tiện vận tải về thủ tục theo tờ khai hải quan; còn BĐBP kiểm tra, kiểm soát bảo đảm về mặt an ninh đối với hàng hóa, phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Thứ năm, luật hóa thẩm quyền của BĐBP trong việc "kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu" chỉ là phương thức bảo đảm để thực hiện quyền năng tố tụng, đó là phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà không vô hiệu hóa thẩm quyền của hải quan; đồng thời quy định như dự thảo luật bảo đảm chặt chẽ, là chính sách hữu hiệu để xử lý hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển vũ khí, ma túy... qua biên giới. Mặt khác, việc luật hóa thẩm quyền của BĐBP trong việc “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật...” không đồng nghĩa với việc thu thuế ở cửa khẩu, mà việc thu thuế ở cửa khẩu vẫn do lực lượng hải quan thực hiện.

Từ những vấn đề trên, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định “BĐBP có quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu” là hoàn toàn phù hợp, chặt chẽ, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với các lực lượng khác, nhất là đối với lực lượng hải quan.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

VIỆT ANH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-la-su-nghiep-cua-toan-dang-toan-dan-toan-quan-641181