Bảo vệ cán bộ dám đột phá, vì lợi ích chung

1. Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3-1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh cần phải chấn chỉnh việc làm 'cầm chừng', 'phòng thủ', 'che chắn', giữ 'an toàn' trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… Từ đó người đứng đầu Đảng ta yêu cầu có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII và đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh với việc xử lý hình sự nhiều cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao thì đâu đó xuất hiện “vi rút trì trệ”. Biểu hiện cao độ của sự trì trệ là nhiều việc lẽ ra phải được giải quyết ở cấp dưới nhưng cấp dưới, cấp cơ sở không giải quyết, mà dồn lên cấp trên, thậm chí lên đến cấp Chính phủ. Có thể thấy rõ thực trạng này trong giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; việc xử lý các dự án thua lỗ, chậm tiến độ... Mới nhất là khi một số vụ án liên quan đến ngành Y tế được phát hiện, xử lý thì sau đó việc tổ chức đấu thầu, đấu giá mua sắm thuốc chữa bệnh, sinh phẩm và trang thiết bị y tế bị đình trệ; việc hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị y tế tiên tiến từ nguồn lực xã hội gần như “đóng băng”.

Hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên nói rằng: “Bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”. Từ đó biện minh rằng, sở dĩ họ sợ sai không dám làm là vì cơ chế. Ở thời điểm này cơ chế có thể đúng, nhưng ở một thời điểm khác có thể sai. Vì thế “không làm gì thì có thể bị khiển trách, làm rồi có thể vướng lao lý”?!

Xét cho cùng, bản chất cơ chế, chính sách là đúng nhưng cái không đúng là không ít người lợi dụng cơ chế để “bắt tay dưới gầm bàn”, “đi đêm”, móc ngoặc làm những việc khuất tất để phục vụ cho lợi ích cá nhân, một nhóm người. Vì thế không thể đổ cho cơ chế. Nếu là cơ chế, tại sao nhiều cán bộ, công chức, viên chức chấp nhận nghèo chứ không tham nhũng và càng không thể nói số đó không hiểu luật, mà họ có đạo đức, có danh dự, có tự trọng...

Thực tiễn đó đòi hỏi giải quyết tình trạng “vi rút trì trệ” âm ỉ trong các cơ quan công quyền, đồng thời với việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Tuy nhiên phải hiểu rằng, dám làm, dám đột phá, không có nghĩa là làm ẩu, làm liều, càng không phải là vi phạm pháp luật. Dám đột phá, dám chịu trách nhiệm chính là thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của người “đứng mũi chịu sào” không lùi bước trước khó khăn và luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro khi không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không tư lợi mà lấy lợi ích chung lên hàng đầu.

Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm là thực tế không thể phủ nhận và càng không cho phép được kéo dài. Để khắc phục tình trạng này, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” vào đời sống. Trong đó tập trung rà soát những bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể, ưu tiên những việc ảnh hưởng đến số đông: Đầu tư công, tài chính, giáo dục, y tế… theo hướng rõ ràng hơn, minh bạch hơn; cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân. Việc này cần làm thường xuyên, liên tục để làm sao phải chặt chẽ trong quản lý, có tính răn đe, giáo dục; không để người xấu lợi dụng nhưng cũng tạo sự yên tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Quy định phải cụ thể, càng cụ thể thì càng làm chỗ dựa tin cậy cho những hành vi dám đột phá vì lợi ích chung diễn ra mạnh mẽ, lấn át sự trì trệ.

Cùng với đó, để khuyến khích tinh thần dám đột phá, đương đầu với khó khăn thì cách đánh giá cán bộ cũng cần được triển khai phù hợp; xóa tư tưởng làm việc “cầm chừng” trong một bộ phận công chức, viên chức. Cách đánh giá cần phải giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin rằng nếu mình vào việc vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng, sẽ không gặp rắc rối.

Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng để thúc đẩy cán bộ dám đột phá là tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải thật sự có tâm trong ứng xử với cấp dưới, luôn biết nghĩ đến tập thể, cá nhân nhận việc mới, việc khó trước rồi mới nghĩ đến việc mình được lợi gì từ đó; có tầm trong lãnh đạo, điều hành, quyết đoán nhưng không chuyên quyền và phải là trung tâm đoàn kết của cơ quan, đơn vị… Nếu không, tình trạng “mũ ni che tai” sẽ cản trở sự phát triển của đơn vị, địa phương.

Ngoài ra, để bảo vệ cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung cần đẩy mạnh cơ chế kiểm tra, giám sát trong Đảng một cách thực chất. Trong đó, tập thể phải là “bệ đỡ” cho tinh thần trách nhiệm của cá nhân người cán bộ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Phúc Lợi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/1052560/bao-ve-can-bo-dam-dot-pha-vi-loi-ich-chung