Bảo vệ cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Để cây cầu Tân Vũ - Lạch Huyện luôn được vận hành trong trạng thái tốt nhất, đội ngũ cán bộ, công nhân viên Công ty Bắc Nam đã ngày đêm túc trực điều tiết giao thông, duy tu bảo dưỡng.

Rửa bụi bám để bảo đảm cầu Tân Vũ - Lạch Huyện luôn sạch đẹp

Vui buồn nghề gác cầu

Cuối tháng 8/2018, tại khu điều hành của Xí nghiệp Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) dự án Tân Vũ - Lạch Huyện thuộc Công ty Bắc Nam, đang tất bật chuẩn bị phòng chống cơn bão số 4. Trên thành cầu Tân Vũ - Lạch Huyện những thiết bị đo gió được vận hành, cập nhật thường xuyên để báo về đơn vị chỉ huy. Máy móc, thiết bị, barie, biển hiệu được tập trung sẵn sàng cho các tình huống.

Là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam được xây dựng ở vùng cửa biển Hải Phòng thường xuyên có gió thổi ngang uy hiếp người, phương tiện đi qua, nên khi bão về, việc đo gió được các công nhân liên tục thực hiện, cập nhật. Ông Đàm Văn Dũng, cán bộ Công ty Bắc Nam cho biết: “Quá trình đo nếu phát hiện tốc độ gió 15m/giây chúng tôi sẽ tham mưu với các cơ quan chức năng cấm xe máy qua cầu, từ 20m/giây trở lên sẽ tham mưu cấm toàn bộ phương tiện qua cầu”.

Ngày 2/9/2017, Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện nối nội thành Hải Phòng với đảo Cát Hải (huyện Cát Hải dài 15,6 km) trong đó có hạng mục cầu vượt biển dài 5,44 km, bề mặt 16m, thiết kế 4 làn xe chạy được khánh thành và đưa vào sử dụng. Công ty Bắc Nam - một đơn vị có kinh nghiệm quản lý, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng giao thông được lựa chọn để quản lý, bảo trì cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam này.

Đứng bên những thiết bị hiện đại, anh Đỗ Xuân Mạnh, kỹ sư cầu đường của Công ty Bắc Nam cho biết: “Đây là máy toàn đạc điện tử, nó là một thiết bị quang học điện tử đa năng được sử dụng để khảo sát công trình. Nguyên tắc vật lý để đo chiều dài khoảng cách là dựa trên sóng cực ngắn (microwave) và tia hồng ngoại để đưa tín hiệu, được phát ra từ cục bán dẫn nhỏ nằm bên trong đường quang học của máy. Phản chiếu bằng lăng kính phản xạ hay đối tượng được khảo sát, chúng tôi sử dụng máy này để kiểm tra, theo dõi và quan trắc chuyển vị, biến dạng nhỏ nhất của cây cầu. Bên cạnh đó, chúng tôi phải sử dụng máy thủy bình để kiểm tra cao độ của cầu thường xuyên”.

Ông Phạm Quang Rực, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý, BDTX dự án Tân Vũ - Lạch Huyện cho biết, do đặc thù công tác quản lý, bảo dưỡng trên tuyến đường này có cả cầu, nên Công ty phải trang bị những thiết bị chuyên dụng như: Xe thang kiểm tra bản đáy của bản mặt cầu và hệ thống dầm cầu vượt biển; ca nô để tiếp cận, kiểm tra các kết cấu phần dưới, thực hiện các công việc dưới nước; bộ sào có chia vạch hoặc thiết bị dò để đo cao độ lòng sông và các hố xói cục bộ; thang dùng để tiếp cận các kết cấu phần dưới và nhiều vị trí kết cấu nhịp mà không thể tiếp cận bình thường được; máy toàn đạc điện tử để kiểm tra, theo dõi và quan trắc chuyển vị, biến dạng; máy thủy bình để kiểm tra cao độ; bộ thiết bị lặn để kiểm tra dưới biển; xe chuyên dụng đặc biệt chuyên kiểm tra cầu lớn.

Đi qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, nhiều người chứng kiến cảnh những người thợ vắt vẻo trên thành cầu tỉ mẩn kiểm tra từng con ốc hoặc dấu vết bất thường. Bởi ở cây cầu vượt biển, mặt và lan can cầu dễ bị những tác động của thời tiết cực đoan và không khí có độ mặn cao ảnh hưởng tới những kết cấu bằng sắt của cầu, nên việc kiểm tra phải tiến hành thường xuyên hàng ngày từ những chi tiết nhỏ nhất. Theo chu kỳ hàng tuần, hàng tháng những thiết bị hiện đại khác được đưa vào sử dụng như: xe thang kiểm tra bản đáy của bản mặt cầu và hệ thống dầm cầu vượt biển được huy động để kiểm tra hoàn bộ hệ thống dầm cầu vượt biển.

Không chỉ kiểm tra những phần trên bề mặt cầu, một nhiệm vụ khác không kém phần vất vả, nguy hiểm là kiểm tra phần trụ cầu nằm sâu dưới biển. Những người thợ quản lý cầu Tân Vũ - Lạch Huyện phải được học và trang bị những bộ đồ lặn chuyên dụng. Hàng tháng họ phải lặn xuống biển, kiểm tra bất cứ dấu hiệu nào bất thường của hệ thống trụ cọc, ghi chép đầy đủ bất cứ dấu hiệu bất thường nào để có hướng xử lý kịp thời. Công ty Bắc Nam trang bị 2 phương tiện ca nô tuần tra liên tục, hướng dẫn các tàu đi qua gầm cầu. Anh Nguyễn Đức Hiếu, công nhân bảo vệ cầu Tân Vũ - Lạch Huyện chia sẻ: “Gần chân cầu có một số bến tự phát, có thời điểm hàng chục tàu chở vật liệu xây dựng neo đậu khiến chúng tôi rất vất vả để yêu cầu họ di chuyển, bởi nếu để xảy ra việc tàu thuyền va chạm vào trụ cầu sẽ gây nên hậu quả nặng nề”.

Nhớ lại những ngày đầu mới khánh thành cầu, người dân khắp nơi từ Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình… háo hức kéo về rất đông; nhiều người vô tư dừng, đỗ phương tiện ngay trên cầu để chụp ảnh, có nhóm người còn trải chiếu nhậu trên cầu… trong khi luồng xe cộ vẫn nườm nượp lưu thông rất nguy hiểm, ông Rực cho hay, khi đó Xí nghiệp đã rất vất vả tuyên truyền, yêu cầu người dân giải tán bảo đảm thông trên cầu. Tuy vậy, một số người cố tình không chấp hành thậm chí thách thức khiến chúng tôi phải đề nghị lực lượng công an hỗ trợ. “Nhưng sau một thời gian quản lý, vận hành, mọi việc dần đi vào nề nếp”, ông Rực chia sẻ.

Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện có một hộp kỹ thuật khổng lồ đặt dưới cầu. Hộp kỹ thuật này là một hệ thống đường hầm dài tới hơn 5 km có điện chiếu sáng hai bên thành hộp, bên trong là hệ thống điều khiển, dây cáp… PV Báo Giao thông đã theo chân những người thợ của Công ty Bắc Nam vào thực hiện quy trình kiểm tra, bảo dưỡng hộp kỹ thuật khổng lồ này, và thấm thía sự vất vả của họ khi chịu đựng sức nóng hầm hập từ mặt cầu phả xuống trong khi ở trong hầm vài chục mét mới có 1 ô cửa rất bí bách. Suốt chiều dài đường hầm, những công nhân tỉ mỉ kiểm tra từng vết nứt nhỏ li ti xuất hiện trên thành hộp kỹ thuật, vệ sinh hệ thống đường cáp khổng lồ bên dưới. Anh Đỗ Xuân Mạnh, kỹ sư cầu đường, Công ty Bắc Nam cho biết: “Công việc bảo dưỡng hộp kỹ thuật đòi hỏi phải hết sức tỷ mỉ, chúng tôi ghi chép lại chi tiết từng vết nứt nhỏ như sợi tăm trên hộp, theo dõi diễn biến tất cả những dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý”.

Quyết liệt bảo vệ cây cầu vượt biển

Đầu tháng 1/2018, Báo Giao thông nhận được phản ánh của Công ty Bắc Nam về việc một trạm trộn bê tông nằm sát ngay chân cầu Tân Vũ - Lạch Huyện uy hiếp an toàn cầu. Trạm trộn bê tông nằm cách lan can cầu chỉ 40m, trong khi quy định hành lang an toàn của cầu là 150m.

Ngay khi phát hiện ra trạm trộn bê tông này, Công ty Bắc Nam đã lập biên bản, gửi văn bản tới các cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc xử lý, nhưng mấy tháng trôi qua, trạm trộn không những vẫn tồn tại mà còn mở rộng thêm nhiều hạng mục. Báo Giao thông sau đó đã khởi đăng loạt bài viết Trạm trộn bê tông uy hiếp cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, và sau đó UBND Tp. Hải Phòng đã có công văn yêu cầu UBND huyện Cát Hải lập tức chỉ đạo tháo dỡ trạm trộn bê tông xây dựng trái phép này, trả lại hành lang an toàn cho cầu Tân Vũ - Lạch Huyện.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Tổng giám đốc Công ty Bắc Nam cho biết: Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện có công nghệ thi công hiện đại, phức tạp. Do đó, đòi hỏi việc quản lý, bảo trì tuyến đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện phải theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Công ty Bắc Nam đã thành lập Xí nghiệp Quản lý, BDTX dự án Tân Vũ - Lạch Huyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên có kinh nghiệm và nghiệp vụ cao, thiết bị quản lý bảo trì đồng bộ và hiện đại. Xí nghiệp có đầy đủ các bộ phận như: Tổ Tuần đường; Tổ Tuần cầu (tuần tra trên cầu, dưới cầu); Tổ Ứng cứu đảm bảo giao thông và gác cầu ứng cứu đảm bảo giao thông 24/24h; Tổ Sửa chữa và xe máy thiết bị; Tổ Điện; Tổ Bảo dưỡng thường xuyên đường... phối hợp nhằm đảm bảo an toàn, thông suốt, tiện nghi cho tuyến đường hiện đại này.

Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện nối nội thành Hải Phòng với đảo Cát Hải là nơi phát triển đặc biệt sôi động của Hải Phòng với một loạt các công trình trọng điểm như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nhà máy sản xuất ô tô Vinfast… Đảo Cát Hải là một đại công trường đích thực nên hàng ngày lượng ô tô tải chạy qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện cực lớn, trong đó có một số ô tô bất chấp nguy hiểm chạy ngược làn đường. Công ty Bắc Nam đã phải cử người mang máy quay phim ra quay lại những xe vi phạm rồi báo cho lực lượng CSGT xử lý. Đồng thời, các xe quét, hút được vận hành liên tục; phun nước rửa mặt cầu, lan can và cả tuyến đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện.

Việt Hòa

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/bao-ve-cay-cau-vuot-bien-dai-nhat-viet-nam-d270133.html