Bảo vệ, chăm sóc phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em

Ở bất cứ giai đoạn nào, trẻ em cũng luôn được gia đình và xã hội quan tâm, ưu tiên phát triển về mọi mặt. Song, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, một bộ phận trẻ em ở nước ta đã bị ảnh hưởng, tổn thương. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: Việc bảo vệ, chăm sóc phải phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em để giúp trẻ phát triển toàn diện.

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam.

Đối tượng dễ bị tổn thương

- Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi đối tượng trong xã hội, trong đó có trẻ em. Ông đánh giá thế nào về những tác động của đại dịch tới trẻ em?

- Trẻ em có nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 ở mọi lúc, mọi nơi. Cùng với đó là việc chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, bảo đảm an toàn cho trẻ em bị hạn chế, do nhiều khu vực phải cách ly, giãn cách xã hội; người thân bị mất việc làm… Một số trẻ em thiếu sự chăm sóc do bố, mẹ, người thân bị nhiễm Covid-19 phải đi điều trị, hoặc cách ly tập trung. Thậm chí, một số trẻ em rơi vào hoàn cảnh mất nguồn nuôi dưỡng, khi không may có người thân bị tử vong do Covid-19... Ngoài ra, một số trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, buộc phải tham gia lao động sớm trái quy định để có thêm nguồn thu nhập giúp đỡ gia đình; bị mất an toàn, tai nạn thương tích vì phải ở nhà dài ngày, thiếu sự trông giữ, giám sát của người lớn...

Tất cả những vấn đề nêu trên ảnh hưởng lâu dài đến an sinh xã hội cũng như công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và các mục tiêu phát triển toàn diện của trẻ em.

- Là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, điều gì liên quan đến đối tượng này cần quan tâm hiện nay, thưa ông?

- Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư (từ cuối tháng 4-2021), cả nước ghi nhận 11.822 trẻ em là F0; 27.334 trẻ em là F1. Vì thế, vấn đề cần đặc biệt quan tâm hiện nay là chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

Vấn đề quan trọng khác là việc học tập của trẻ em có thể bị gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục do học trực tuyến, làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Đáng lo hơn là tình trạng trẻ không may rơi vào cảnh mồ côi do bố, mẹ, người thân qua đời vì nhiễm Covid-19. Về lâu dài, cần có hình thức quan tâm, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục toàn diện các em thuộc hoàn cảnh này.

- Xin ông cho biết, thời gian qua, trẻ em nói chung, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nói riêng đã và đang được quan tâm, chăm lo như thế nào?

- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ em, như: Can thiệp phòng, chống tai nạn thương tích; hỗ trợ chăm sóc dinh dưỡng, cung cấp đồ dùng thiết yếu cho trẻ em; bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Các dịch vụ tư vấn tâm lý, trợ giúp cho trẻ em duy trì hoạt động 24/24 giờ. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã kết nối, phối hợp với đội ngũ chuyên gia tổ chức tư vấn, hỗ trợ nhiều ca liên quan đến sức khỏe tinh thần cho trẻ em.

Đặc biệt, chính sách hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em thuộc diện F0, F1, trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... đã được triển khai kịp thời, đúng đối tượng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục có chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ em là con của sản phụ nhiễm Covid-19 sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27-4-2021 đến 31-12-2021; đồng thời, hỗ trợ 2 triệu đồng/trường hợp trẻ em mồ côi cả bố và mẹ, mồ côi bố hoặc mẹ do nhiễm Covid-19 mà gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

- Việc triển khai các chương trình, hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thời điểm hiện nay gặp khó khăn gì, thưa ông?

- Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên nhiều địa bàn phải cách ly, phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội khiến các cơ quan chức năng khó khăn trong việc triển khai một số chương trình, hoạt động nhằm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hơn nữa, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mất nguồn nuôi dưỡng gia tăng. Chưa kể, hệ thống pháp lý về ứng phó an toàn, bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp còn thiếu, khiến các bên liên quan lúng túng khi triển khai. Các biện pháp, kỹ năng bảo đảm an toàn trên không gian mạng cho học sinh khi tham dự giờ học trực tuyến chưa được cập nhật...

Về phía gia đình, đâu đó vẫn còn trường hợp chưa chủ động phòng ngừa tình trạng xâm hại, tai nạn thương tích có thể xảy đến với trẻ em...

Giúp trẻ em phát triển toàn diện

- Như đã biết, dịch Covid-19 còn ảnh hưởng lâu dài đến trẻ em. Vậy, theo ông, các bên liên quan cần tạo ra hàng rào bảo vệ, tạo lưới an sinh xã hội như thế nào để nâng cao hiệu quả chăm sóc trẻ em?

- Trước hết, các tỉnh, thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với những nguy cơ mà đại dịch Covid-19 có thể tác động đến trẻ em; chú trọng bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các khu cách ly tập trung, bảo đảm an toàn cho trẻ em F0, F1 tại gia đình. Cùng với đó là việc hỗ trợ an sinh xã hội cho trẻ em, người lao động đang nuôi con nhỏ bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19. Tại những địa phương dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn. Các địa phương cần tăng cường cung cấp dịch vụ trợ giúp trẻ em. Đặc biệt, mỗi người lớn, gia đình hãy chủ động trang bị kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ rủi ro có thể đến.

Về lâu dài, các bộ, ngành chức năng cần sớm xây dựng phương án tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em; triển khai thí điểm việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng, chống xâm hại, bạo lực trong đại dịch cho học sinh thông qua các bài giảng trực tuyến... Ngoài ra, các bên cần cùng phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ cho trẻ em hộ nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi học tập trực tuyến; cùng phối hợp để bảo vệ trẻ em từ gia đình, hạn chế tình trạng trẻ em bị bạo lực gia đình...

Cục Trẻ em đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến quyền trẻ em và các mục tiêu trung, dài hạn về phát triển toàn diện trẻ em, làm cơ sở xây dựng các chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em sau đại dịch.

- Đối với các trường hợp trẻ em không may bị mồ côi do người thân qua đời vì dịch Covid-19, các em cần được chăm sóc, nuôi dưỡng theo hình thức nào là phù hợp nhất, thưa ông?

- Ở góc độ tiếp cận quyền trẻ em, thì trẻ em được chăm sóc tốt nhất là ở môi trường gia đình. Trong trường hợp trẻ em mất đi môi trường gia đình (mất cả bố và mẹ), hoặc không thể sống với cha mẹ, thì cần tìm cho trẻ một gia đình khác thay thế. Việc đưa trẻ em mồ côi đến với môi trường chăm sóc tập trung, như cơ sở bảo trợ xã hội, trường nội trú... chỉ là giải pháp cuối cùng, khi không thể tìm cho trẻ em môi trường gia đình phù hợp.

Nhìn chung, trong mọi hoạt động chăm sóc, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, các bên liên quan cần lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của chính trẻ em và những người có trách nhiệm chăm sóc trẻ em, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cần kết hợp đồng thời nhiều yếu tố, từ đời sống vật chất tới đời sống tinh thần, từ các chính sách đến hành động thực tế, từ ngoài đời thực đến môi trường mạng... Đó là điều quan trọng nhất giúp trẻ phát triển toàn diện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/1013044/bao-ve-cham-soc-phu-hop-voi-nhu-cau-nguyen-vong-cua-tre-em