Bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị, bao giờ?

Ngày 18-5, một cán bộ thuộc nhóm nghiên cứu bảo tồn các biệt thự có giá trị tại TPHCM của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM nhắn gấp cho người viết bài này: “Trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh có 2 biệt thự cổ, có giá trị về kiến trúc đang bị tháo dỡ. Trong đó có một ngôi biệt thự được Hội đồng phân loại biệt thự TPHCM xếp vào nhóm 1, tức nhóm công trình có giá trị cao về kiến trúc, cần bảo tồn nguyên trạng…”. “Nóng” cùng với nỗi bức xúc của người cán bộ này song người viết bài này lại… “nguội” ngay bởi đã có nhiều công trình xây dựng, trong đó đặc biệt là các biệt thự xây dựng từ thời Pháp, có giá trị về lịch sử, về kiến trúc… bị tháo dỡ trong khi một quy chế quản lý cho vấn đề này, dù đã được triển khai từ hơn 20 năm nay, vẫn chưa được phê duyệt, chưa được “pháp lý hóa” để trở thành “công cụ” bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị ở TPHCM. Nhiều công trình kiến trúc có giá trị bị tháo dỡ, báo chí ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân, của các chuyên gia… phản ánh với cơ quan chức năng song đa phần đều… không thể ngăn chặn được tình trạng này.

Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 2-5-2018 ở trụ sở UBND TPHCM, với lý do dinh Thượng Thơ không phải là di tích nên UBND TPHCM cho biết, công trình này không được bảo tồn. Điều này không sai vì ngoài một số công trình kiến trúc có tính chất điển hình của TPHCM như trụ sở UBND TPHCM, Nhà hát TPHCM… được xếp hạng di tích và được bảo tồn nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa thì nhiều công trình kiến trúc có giá trị khác của thành phố vẫn chưa được “luật hóa” để bảo tồn.

Theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, sở dĩ có “lấn cấn” nêu trên là do công tác bảo tồn được quy định ở 2 bộ luật khác nhau: Luật Di sản văn hóa và Luật Nhà ở. Những công trình kiến trúc có giá trị cao về nghệ thuật, văn hóa, lịch sử… sẽ được bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa. Những công trình chưa đạt được giá trị bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa nhưng cũng có giá trị, sẽ được xem xét và xếp loại bảo tồn theo Luật Nhà ở. Trên tinh thần như vậy, bên cạnh những công trình được bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa, cách nay hơn 20 năm, UBND TPHCM đã chỉ đạo một nhóm kiến trúc sư tiến hành nghiên cứu, lập danh sách các công trình kiến trúc có giá trị để UBND TPHCM xem xét. Với tư cách là nguyên Chủ tịch Hội đồng phân loại biệt thự của TPHCM - đơn vị tập hợp các chuyên gia, các kiến trúc sư để thực hiện chỉ đạo của thành phố, ông Hoàng Minh Trí nhớ lại, Hội đồng phân loại biệt thự đã tổng hợp được khoảng 1.000 công trình kiến trúc về nhà, có giá trị ở thành phố. Với những thông tin thu thập được Hội đồng phân loại biệt thự đã xây dựng bộ tiêu chí bảo tồn các công trình này. Theo đó, có 3 nhóm tiêu chuẩn. Nhóm 1 có giá trị cao về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Những công trình thuộc nhóm này phải giữ nguyên kiến trúc cả trong lẫn ngoài công trình. Nhóm 2 có giá trị tương đối về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Những công trình thuộc nhóm này có thể cải tạo, nâng cấp nội thất bên trong nhưng phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Nhóm 3 ít có giá trị nên có thể tháo dỡ, xây mới.

Hội đồng phân loại biệt thự đã trình lên UBND TPHCM các tiêu chí để phân loại biệt thự và lần gần đây nhất là tháng 12-2016, nhưng chưa được xem xét, phê duyệt.

Việc này, không những gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc cấp phép xây dựng, sửa chữa biệt thự mà còn đẩy nhiều gia đình - chủ nhân các ngôi nhà này, vào tình thế khó xử. Tình huống “có nên bảo tồn tòa nhà Thượng Thơ?” trong dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TPHCM là một điển hình. Trước đó, ngôi biệt thự 100 tuổi ở số 237 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, ngôi nhà “bánh ú” cũng có tuổi đời gần 100 ở số 12 đường Lý Tự Trọng, quận 1 bị tháo dỡ là minh chứng. Do tuổi đời cao, công trình xuống cấp, chủ nhà có nhu cầu sửa chữa nhưng chưa có tiêu chí về bảo tồn nên địa phương không thể cấp phép sửa chữa cho người dân. Không thể đợi được, họ đã… làm liều: đập công trình. Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM lúc đó, đã phải yêu cầu chính quyền địa phương buộc chủ nhà ở đường Nơ Trang Long khôi phục lại nguyên trạng biệt thự như ban đầu. Không biết đến nay, ngôi biệt thự này đã được khôi phục như thế nào? nhưng người viết bài này nhớ, lúc được yêu cầu như vậy, nhiều người trong gia đình chủ ngôi biệt thự đã rất lo lắng bởi kinh phí phục hồi không nhỏ, kỹ thuật phục hồi không đơn giản… Còn ngôi nhà ở đường Lý Tự Trọng, vì đã bị phá bỏ gần như hoàn toàn nên không thể khôi phục được. Nhiều người đã rất tiếc cho ngôi nhà này bởi nó được xây dựng theo hình “bánh ú” - một trong những đặc trưng của kiến trúc Nam bộ những năm đầu thế kỷ 20. Và mới đây nhất là 2 ngôi biệt thự trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh.

Đã 20 năm kể từ khi những nghiên cứu đầu tiên về các công trình kiến trúc có giá trị của TPHCM được tiến hành. Thế nhưng, không hiểu sao, một nguyên tắc chuẩn cho việc này chưa được “luật hóa”? Không rõ ràng, minh bạch… sẽ tạo ra nguy cơ “bỏ sót” hoặc “lỡ” phá đi những công trình kiến trúc có giá trị của TPHCM mà sau này có tiếc cũng khó khôi phục được như ban đầu.

NGUYỄN KHOA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bao-ve-cong-trinh-kien-truc-co-gia-tri-bao-gio-521127.html