Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vì sự phát triển cộng đồng

Ngày 6-11, tại TP Huế (TT-Huế) diễn ra hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (ICHCAP). Với chủ đề 'Các tổ chức phi chính phủ (NGO) bảo vệ DSVHPVT vì sự phát triển cộng đồng bền vững', hội nghị thu hút đại diện 35 tổ chức đến từ 16 quốc gia tham dự. Đây là lần thứ hai ICHCAP được tổ chức sau hội nghị đầu tiên diễn ra tại Jeonju, Hàn Quốc vào năm 2016.

Ngày 6-11, tại TP Huế (TT-Huế) diễn ra hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (ICHCAP). Với chủ đề "Các tổ chức phi chính phủ (NGO) bảo vệ DSVHPVT vì sự phát triển cộng đồng bền vững", hội nghị thu hút đại diện 35 tổ chức đến từ 16 quốc gia tham dự. Đây là lần thứ hai ICHCAP được tổ chức sau hội nghị đầu tiên diễn ra tại Jeonju, Hàn Quốc vào năm 2016.

Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể.

Trao quyền cho NGO trong bảo tồn di sản

Theo TS Phan Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hội nghị DSVHPVT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2018 chọn tổ chức tại TP Huế nhân kỷ niệm 15 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận, là điều hết sức có ý nghĩa. Hội nghị sẽ giúp Huế, với những đánh giá chính xác, khách quan, từ đó đưa ra các chính sách và hướng phát triển bền vững cho các DSVHPVT trong thời gian tới, trong đó có Nhã nhạc. Tổng Giám đốc ICHCAP Kwon Huh cho rằng, để có thể bảo vệ được di sản văn hóa nói chung, DSVHPVT nói riêng, rất cần sự chung tay của rất nhiều tổ chức xã hội: chính quyền, cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ (NGO)... Trong đó, NGO có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngài Kwon Huh cho rằng, hiện nay, vai trò của NGO ở Việt Nam cũng như trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về lĩnh vực bảo tồn DSVHPVT hoạt động vẫn chưa mạnh như các nước ở khu vực Châu Âu. Hy vọng thời gian tới, NGO trong khu vực sẽ có nhiều đóng góp hơn trong lĩnh vực này.

Ông Kwon Huh cho biết, cách đây 2 năm, trong hội nghị ICHCAP đầu tiên, các đại biểu rất quan tâm việc làm thế nào để thiết lập một mạng lưới NGO để có thể thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của các tổ chức này trong việc bảo tồn DSVHPVT. Do vậy, ông tin tưởng hội nghị lần này sẽ có những cam kết mang tính quốc tế để thúc đẩy và trao quyền cho NGO cũng như hỗ trợ họ có thêm nhiều hoạt động tham gia vào công cuộc bảo vệ DSVHPVT trong khu vực. "Hội nghị sẽ nghe các trường hợp nghiên cứu, trong đó NGO có vai trò quan trọng trong việc thực hiện 17 mục tiêu Phát triển bền vững theo tinh thần Công ước UNESCO 2003. Phát triển bền vững không nên đề cập đến với tư cách là giá trị kinh tế mà còn là giá trị xã hội và môi trường"- ông Know Huh bày tỏ.

Theo bà Jae-suk Chung- Tổng Cục trưởng Tổng Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc, kể từ khi thông qua Công ước UNESCO năm 2003, quốc gia này đã có những thay đổi trong cách bảo vệ và phát huy DSVHPVT ở Hàn Quốc. "Tôi muốn thừa nhận vai trò quan trọng của NGO trong việc bảo vệ DSVHPVT về chuyên môn kỹ thuật và lĩnh vực chuyên biệt của họ. Mối quan hệ giữa cộng đồng và NGO đã tạo dựng sự liên kết mạnh mẽ và đã mang lại lợi ích cho các đối tượng trong các lĩnh vực khác nhau như: học giả, nhà hoạch định chính sách và cơ quan chính phủ..."- bà Jae-suk Chung khẳng định. Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, mục tiêu lớn nhất của hội nghị lần này là chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động của NGO trong khu vực và tìm hiểu hướng đi phù hợp trong tương lai, nhằm trao quyền cho NGO tham gia bảo tồn DSVHPVT trong khu vực.

* Diễn ra trong 3 ngày (6 đến 8-11), hội nghị DSVHPVT khu vực Châu Á- Thái Bình Dương sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề: Vai trò của tổ chức phi chính phủ đối với bảo tồn DSVHPVT; Giáo dục DSVHPVT vì sự phát triển bền vững; Bảo tồn DSVHPVT và phát triển cộng đồng; Làm thế nào các tổ chức phi chính phủ đóng góp vào công tác hiện thực hóa phát triển bền vững thông qua giáo dục về DSVHPVT cho thế hệ trẻ và các nhóm yếu thế?; Cần sử dụng những chiến lược gì để trao quyền cho các cộng đồng để họ trở nên bền vững, sáng tạo và hòa nhập và cuối cùng là phiên thảo luận đặc biệt về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam.

Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ di sản

Ông Michael CrofT, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, phát biểu: "Tôi chắc chắn rằng tất cả chúng ta ở đây đều rất tâm huyết với bảo vệ di sản, bởi đó là một phần của chúng ta. DSVHPVT giúp ta biết được nơi ta thuộc về, giúp kết nối chúng ta với quá khứ, hiện tại và tương lai". Theo ông Michael Croft, truyền thống, giá trị và các biểu đạt văn hóa luôn gắn liền với mỗi cộng đồng và các yếu tố này cũng biến đổi theo thời gian. Vậy làm thế nào để chúng ra có thể hiểu, bảo tồn và nhất là làm giàu hơn những giá trị quý báu đó khi mà các di sản không ngừng tiếp biến và cũng có vòng đời của riêng mình? Trong thực tế, ở một thời điểm nào đó, một số DSVHPVT sẽ không còn phù hợp hoặc không còn mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng. Bởi vậy, điều quan trọng là chúng ta tiếp cận khái niệm gìn giữ DSVHPVT khác với cách chúng ta tiếp cận với bảo tồn di sản văn hóa vật thể. "Hoạt động trong lĩnh vực DSVHPVT, chúng ta cần luôn nhắc nhở rằng giá trị của các di sản đó thể hiện giá trị của những cộng đồng đã sáng tạo, thực hành và kế thừa di sản đó, đó là các di sản vô giá của cộng đồng. Vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng và triển khai các giải pháp gìn giữ phát huy DSVHPVT trong cộng đồng"- ông Michael Croft nhấn mạnh.

Theo TS Phan Thanh Hải, trước đây, ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, gần như việc bảo tồn di sản văn hóa được mặc định đó là trách nhiệm của Nhà nước. Hiện nay trong các chính sách của nhà nước, Việt Nam sẽ chuyển dần vai trò của Nhà nước theo hướng quản lý, định hướng và trao các quyền cho cộng đồng. Trong đó, cộng đồng sẽ chủ động hoàn toàn việc nắm giữ di sản và vận động các nguồn lực trong xã hội để gìn giữ và phát huy giá trị của di sản. "Trong thực tế, có nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được gìn giữ đến hôm nay nhờ cộng đồng và càng ngày thực tiễn càng khẳng định, đối với DSVHPVT, cộng đồng là yếu tố quan trọng nhất. Di sản có tồn tại được hay không và nó sống trong đời sống đương đại như thế nào chắc chắn đều phải dựa vào cộng đồng"- ông Hải nói.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_197842_bao-ve-di-san-van-hoa-phi-vat-the-vi-su-phat-trien.aspx