Bảo vệ lao động Việt Nam ở nước ngoài: Cần tăng cường 'áo giáp' pháp lý

Nhắc tới vấn đề bảo vệ lao động Việt Nam ở nước ngoài, thông tin được nhiều người nghĩ đến ngay đó là những câu chuyện về nữ lao động giúp việc tại Ả rập Xê út bị ngược đãi, phải cầu cứu cơ quan chức năng Việt Nam xin về nước sớm. Để hạn chế tình trạng này, việc hoàn thiện khung pháp lý được đánh giá là cần thiết, đóng vai trò quan trọng.

Đào tạo lao động Việt Nam đi giúp việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa

Đào tạo lao động Việt Nam đi giúp việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa

“Nóng” lao động giúp việc gia đình

Nhiều người hẳn chưa quên câu chuyện chị N.T.V (ở TP Hồ Chí Minh) đi giúp việc tại Ả rập Xê út từ đầu năm 2014, bị chủ nhà sàm sỡ, đánh đập và phải gọi điện cầu cứu người thân. Nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng, chị V đã được về nước cuối năm 2014. Rồi chị N.T.T (ở Nam Định) đi giúp việc gia đình tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2011, bị chủ nhà sàm sỡ và không cho liên lạc về gia đình.

Trong một lần may mắn thoát được, chị được cộng đồng người Việt tại đây hỗ trợ về nước trước thời hạn... Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp lao động về nước trước thời hạn này tiền lương và tiền ứng trước khi đi, doanh nghiệp xuất khẩu lao động rất chậm hoàn trả.

Tháng 6/2015, trong bản báo cáo về xu hướng gia tăng lao động Việt Nam đi giúp việc gia đình ở nước ngoài, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, thế giới có khoảng hơn 50 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình, trong đó nữ giới chiếm hơn 80%. Lao động giúp việc gia đình làm việc tại nước ngoài rất dễ bị bóc lột, lạm dụng vì nhiều lý do như: Đông lao động nữ; môi trường làm việc khép kín trong gia đình; là loại hình lao động tay nghề thấp…

Với Việt Nam, “Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong số 160.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Ả rập Xê út, khoảng 5.000 là lao động giúp việc gia đình. Trong năm 2014 đã có 60 trường hợp lao động Việt Nam ở Ả rập Xê út khiếu nại và 4 tháng đầu năm 2015 là 50 trường hợp khiếu nại, 80% trong số các vụ khiếu nại là từ lao động giúp việc gia đình…” – bản báo cáo tháng 6/2015 của ILO nêu.

Vấn đề lao động Việt Nam đi giúp việc gia đình ở nước ngoài tiếp tục “nóng” khi tháng 4/2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phát đi khuyến cáo tới lao động có nhu cầu đi làm nghề giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út, trước xu hướng gia tăng các vụ việc phát sinh đối với lao động làm công việc trên. Ở thời điểm đó, theo Bộ LĐ-TB&XH, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã phái cử khoảng 7.000/20.000 lao động Việt Nam làm công việc giúp việc gia đình làm việc tại Ả rập Xê út.

Bộ LĐ-TB&XH nhận định, các vụ việc phát sinh liên quan đến lao động giúp việc gia đình chủ yếu là: Lao động bỏ trốn khỏi nhà chủ, bị chủ sử dụng bỏ rơi, hành hạ, bị ép làm việc nhiều giờ trong ngày; bị chậm trả lương hoặc không thích nghi với môi trường làm việc, văn hóa phong tục tập quán, không đảm bảo sức khỏe…

Để hạn chế các vấn đề phát sinh và tự bảo vệ bản thân, Bộ LĐ-TB&XH khuyến cáo người lao động đang có nhu cầu làm công việc giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út một số vấn đề như: Chi phí, tìm hiểu thông tin, sự khác biệt văn hóa…

Cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý

Phân tích về các nguyên nhân chính dẫn tới tranh chấp giữa lao động giúp việc gia đình ở nước ngoài và chủ sử dụng lao động, theo Cục Quản lý lao động, chủ yếu của các vụ việc phát sinh là do một số doanh nghiệp tuyển chọn và đào tạo lao động chưa kỹ, vẫn đưa đi một số lao động không phù hợp với công việc giúp việc gia đình.

Người lao động chỉ được đào tạo, giáo dục định hướng trong thời gian ngắn nên hạn chế về giao tiếp với chủ, khó hòa nhập với môi trường sống, làm việc có văn hóa khác biệt. Từ đó phát sinh tâm lý chán nản, muốn về nước trước hạn.

Trong khi đó, công tác quản lý người lao động của doanh nghiệp chưa tốt. Một số lao động bị chủ sử dụng đối xử không tốt đã không được doanh nghiệp kịp thời phát hiện để can thiệp, chuyển chủ sử dụng hoặc giải quyết cho lao động về nước. Ý thức tự rèn luyện, nâng cao nhận thức của người lao động còn hạn chế, tâm lý muốn đi làm việc nhanh, không chịu học.

Người lao động được chủ sử dụng trả chi phí tuyển dụng nên khi sang không làm được việc thì một số viện lý do chủ ngược đãi hoặc gia đình gặp khó khăn để về nước mà không phải chịu phạt hợp đồng như đã ký trước khi đi. Nguyên nhân khách quan là cơ chế và thủ tục giải quyết tranh chấp của Ả rập Xê út còn phức tạp, quan liêu nên một số vụ việc bị kéo dài, gây lo lắng, bức xúc cho bản thân người lao động và gia đình của họ.

Ở khía cạnh pháp lý, pháp luật về lao động Việt Nam tuy có các quy định liên quan đến việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài và quy định về lao động giúp việc gia đình, nhưng vẫn thiếu vắng quy định cụ thể về việc đưa lao động đi giúp việc gia đình ở nước ngoài. Bên cạnh đó, nghề này cũng chưa được đưa vào pháp luật lao động tại nhiều nước, nên người lao động thường gặp rủi ro.

Trong khi đó, ở nhiều thị trường lao động lại đưa ra điều kiện là nếu không cử lao động giúp việc gia đình thì họ sẽ không tuyển lao động lĩnh vực khác, đơn cử như thị trường Ả rập Xê út.

Năm 2014, sau sự kiện một số lao động giúp việc gia đình bị lạm dụng và xin về nước sớm, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước trao đổi với truyền thông đã cho biết, Chính phủ không khuyến khích xuất khẩu lao động trong lĩnh vực giúp việc gia đình. Tuy nhiên, có một số thị trường như Ả rập Xê út lại có điều kiện là nếu không cử lao động giúp việc gia đình thì họ sẽ không tuyển lao động lĩnh vực khác.

Được biết, sau thời điểm các vụ việc năm 2014, Việt Nam và Ả rập Xê út đã ký bản thỏa thuận khung pháp lý trong lĩnh vực giúp việc gia đình giúp bảo đảm quyền lợi người lao động. Theo đó, Bộ Lao động Ả rập Xê út có trách nhiệm trong việc đảm bảo cho lao động Việt Nam giấy phép cư trú, liên lạc với gia đình, cung cấp nơi ở...

Chủ sử dụng lao động phải đảm bảo cho người lao động việc trả lương, trợ cấp, được mua bảo hiểm, nghỉ ngơi phù hợp với pháp luật của Ả rập Xê út. Bộ LĐ-TB&XH và Đại sứ Ả rập Xê út tại Việt Nam cũng đã thống nhất chỉ cấp visa cho người lao động đi làm việc thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sau khi có trả lời thẩm định hợp đồng cung ứng lao động của Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Mới đây nhất, tháng 7/2019, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Gia Liêm, trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục đã chấn chỉnh và phối hợp xử lý một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đưa lao động giúp việc gia đình sang làm việc tại Ả rập Xê út, giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh, chấn chỉnh một số doanh nghiệp còn nhiều vụ việc tồn đọng liên quan đến người lao động đang làm việc ở nước ngoài…

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 54.144 lao động (trong đó có 14.268 lao động nữ) đạt 45% kế hoạch năm 2019. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Nhật Bản tiếp nhận 28.394 lao động, tiếp theo là các thị trường như Hàn Quốc, Romania, Ả rập Xê út.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/bao-ve-lao-dong-viet-nam-o-nuoc-ngoai-can-tang-cuong-ao-giap-phap-ly-482902.html